* Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Gu-tê-rét kêu gọi một lệnh "ngừng bắn toàn cầu ngay lập tức”, nhằm bảo vệ dân thường dễ bị tổn thương tại các vùng chiến sự trước sự hoành hành của đại dịch. Trong khi đó, NATO cho biết không hủy kế hoạch tập trận "Người bảo vệ châu Âu 2020”, mà chỉ điều chỉnh để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
* Đến sáng 24-3, trên toàn thế giới ghi nhận 387.741 ca nhiễm Covid-19, trong đó 16.497 ca tử vong. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) A.Ghê-brây-ê-xút vẫn cảnh báo "đại dịch đang gia tăng”. Tại châu Âu, I-ta-li-a, Tây Ban Nha, Đức và Pháp vẫn là những "điểm nóng” của dịch bệnh.
* Cơ quan Bảo vệ dân sự I-ta-li-a cho biết, số ca mới mắc Covid-19 tại nước này, nhất là vùng tâm dịch Lôm-bác-đi, có xu hướng giảm. Ngày 23-3, I-ta-li-a ghi nhận thêm 4.789 ca nhiễm mới, giảm so với 5.560 ca một ngày trước đó, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 63.927 trường hợp. Tổng số ca tử vong tại I-ta-li-a là 6.077 trường hợp.
* Hạ viện Anh đêm 23-3 thông qua dự luật khẩn cấp, trao thêm quyền cho chính phủ trong cuộc chiến chống Covid-19. Anh thực thi lệnh phong tỏa toàn quốc trong ba tuần. Theo lệnh mới, mọi người dân Anh phải ở trong nhà, chỉ được phép ra ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết. Cảnh sát được phép bắt giữ và cưỡng chế các cá nhân từ chối tuân theo chỉ dẫn y tế.
* Chính phủ Hà Lan bổ sung các biện pháp chống dịch, cấm tất cả các sự kiện hội họp và tụ tập đông người. Pháp và CH Síp cũng thông báo cấm mọi hoạt động tại khu vực chợ ngoài trời, bãi biển và công viên. Chính phủ Hy Lạp nỗ lực kêu gọi người tình nguyện tham gia chống dịch.
* WHO cảnh báo, các nhà tù tại châu Âu dễ bùng phát dịch Covid-19, vì thế cần siết chặt các quy định phòng dịch. Theo WHO, nỗ lực kiểm soát dịch trong cộng đồng có thể thất bại, nếu không thực hiện các biện pháp đủ mạnh để kiểm soát dịch tại các cơ sở giam giữ phạm nhân.
* Theo phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Lào, chiều 24-3, Bộ Y tế Lào thông báo hai ca đầu tiên nhiễm Covid-19 tại Lào, đều là công dân nước này. Lào là quốc gia cuối cùng tại Đông - Nam Á xác nhận các ca nhiễm bệnh.
* Trước đó, Mi-an-ma cũng xác nhận hai ca đầu tiên dương tính với Covid-19. Thái-lan tạm đóng các cửa khẩu biên giới giáp Mi-an-ma và Ma-lai-xi-a từ ngày 24-3. Chính phủ Thái-lan cho biết sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp và đưa ra các biện pháp mới đối phó dịch.
* Với tổng số 87 người mắc bệnh, Cam-pu-chia nỗ lực chuyển đổi khẩn cấp một số khách sạn và cơ sở giáo dục thành điểm cách ly và điều trị bệnh. Quân đội In-đô-nê-xi-a quyết định thành lập bốn Bộ Tư lệnh để ứng phó dịch, trong bối cảnh nước này có 579 ca nhiễm và 49 người chết do Covid-19.
* Pa-ki-xtan cũng triển khai binh sĩ và huy động các nguồn lực quân đội, hỗ trợ hệ thống y tế quốc gia phòng chống dịch. Ấn Độ phong tỏa hoàn toàn 30 bang và vùng lãnh thổ liên bang, gồm tổng cộng 548 quận, huyện. Nê-pan thực thi lệnh phong tỏa một tuần. Gioóc-đa-ni kéo dài lệnh giới nghiêm vô thời hạn.
* Hàn Quốc ngày 23-3 ghi nhận thêm 76 trường hợp nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 9.037 người. Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu áp dụng "thủ tục nhập cảnh đặc biệt” ngay tại sân bay. Sau khi xét nghiệm, dù có kết quả âm tính, tất cả người nhập cảnh bắt buộc phải cách ly hai tuần.
* Chính phủ Nhật Bản thông báo biện pháp kiểm soát biên giới phạm vi rộng nhất từ khi dịch bùng phát, theo đó áp đặt lệnh cấm nhập cảnh với người nước ngoài mà trong vòng 14 ngày trước khi tới Nhật Bản đã đến châu Âu và I-ran. Có 52 ca chết do Covid-19 được ghi nhận tại Nhật Bản.
* Bê-li-dê ghi nhận trường hợp đầu tiên dương tính với Covid-19, đánh dấu mốc đại dịch "đặt chân” đến toàn bộ các nước châu Mỹ. Chính phủ Cu-ba thông báo cấm công dân xuất cảnh và hạn chế đi lại trong nước; cấm người nước ngoài nhập cảnh; thực hiện cách ly tại khách sạn đối với hơn 32 nghìn du khách đang ở Cu-ba.
* Mỹ tiếp tục là "điểm nóng” của dịch Covid-19, khi ghi nhận thêm 132 người chết, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 lên 545 người, trong số hơn 40 nghìn ca nhiễm bệnh. Lầu năm góc chuẩn bị triển khai các bệnh viện dã chiến tại Niu Oóc và Xi-a-tơn; tàu bệnh viện Hải quân Mỹ được cử đến Lốt An-giơ-lét.
* Dịch Covid-19 lây lan tại ít nhất 43 trong tổng số 54 nước châu Phi, với hơn 1.100 ca nhiễm bệnh. Buốc-ki-na Pha-xô có tỷ lệ tử vong cao nhất khu vực nam Xa-ha-ra, với bốn trường hợp chết trong số 75 ca nhiễm bệnh. Nam Phi phong tỏa toàn quốc, Xê-nê-gan và Cốt Đi-voa ban bố tình trạng khẩn cấp.
* I-xra-en ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục trong ngày 23-3 với 371 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.442 người. Tại Pa-le-xtin, số ca mắc Covid-19 tăng lên 60 người. Cũng tại Trung Đông, Li-băng và Ô-man cùng ngày đều ghi nhận 11 ca nhiễm mới, theo đó, nâng tổng số ca mắc Covid-19 ở hai nước này lên lần lượt là 267 và 66 ca.
* Trong khi đó, số trường hợp tử vong tại I-ran tăng lên 1.934 người, gần 25 nghìn người nhiễm bệnh. Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc M.Ba-chê-lê kêu gọi đánh giá khẩn cấp lại các lệnh trừng phạt đối với một số quốc gia đang phải đối mặt khó khăn do dịch bệnh như I-ran, tránh khiến cho các hệ thống y tế vốn bị quá tải này bị sụp đổ. Bà Ba-chê-lê cho biết, hơn 50 nhân viên y tế I-ran đã tử vong kể từ khi Cộng hòa Hồi giáo phát hiện ca bệnh đầu tiên cách đây năm tuần.
* Ngày 24-3, ngay sau khi nhận được thông tin khoảng 100 công dân Việt Nam trên đường về nước bị kẹt khi quá cảnh tại các sân bay quốc tế của Thái-lan và Xin-ga-po, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Thái-lan và Xin-ga-po khẩn trương liên hệ với các nhóm công dân nói trên để tìm hiểu thông tin, chủ động trao đổi với các cơ quan chức năng sở tại, các hãng hàng không nhằm tìm chuyến bay phù hợp, đưa công dân về nước. Các cơ quan đại diện đã kiên trì trao đổi với các Hãng hàng không Singapore Airlines và Thai Airways, đưa các công dân về đến Việt Nam ngay trong ngày.
Trường hợp cần trợ giúp, đề nghị công dân liên hệ theo số đường dây nóng bảo hộ công dân được đăng tải trên trang chính thức của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao hoặc số điện thoại của Tổng đài Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự: +84.981.84.84.84.
TheoNhanDan