Chiều 13/7 giờ Mỹ (rạng sáng 14/7 theo giờ Việt Nam), Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố bác bỏ gần như mọi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây được coi là một thay đổi cứng rắn hơn trong chính sách Biển Đông của Mỹ.



Nhóm hai tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN 76) và USS Nimitz (CVN 68) ở Biển Đông.

Hãng tin AP cho biết Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra tuyên bố bác bỏ gần như toàn bộ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định các tuyên bố chủ quyền Bắc Kinh ở Biển Đông là hoàn toàn "trái pháp luật".

AP cho rằng bước đi mới nhất này của Chính quyền Tổng thống Trump được coi là một nỗ lực nhằm kiềm chế cách hành xử ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực, cùng với cam kết công nhận luật pháp quốc tế.

Lâu nay, chính sách của Mỹ luôn nhấn mạnh rằng các tranh chấp giữa Trung Quốc và các bên láng giềng ở Biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình và thông qua tòa trọng tài do Liên hợp quốc hậu thuẫn.

Tuy nhiên, tuyên bố ngày 13/7 của Chính quyền Tổng thống Trump đồng nghĩa với việc giờ đây Mỹ coi gần như toàn bộ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, ngoài những vùng biển của nước này được quốc tế công nhận, đều là bất hợp pháp.

Giới chức Mỹ cho biết thêm thay đổi trong chính sách của Mỹ không bao hàm những tranh chấp liên quan tới các thực thể nhô lên cao hơn mặt nước biển, vốn được coi là "lãnh thổ” một cách tự nhiên.

Trong tuyên bố này, Bộ Ngoại giao Mỹ hoàn toàn bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với cái gọi là "Đường chín đoạn" mà Bắc Kinh đưa ra năm 2009; bác bỏ mọi tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các vùng biển xung quanh Bãi Tư chính của Việt Nam. Mỹ cũng không chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển nằm ngoài vùng lãnh hải 12 hải lý tính từ các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa.

Tuyên bố nêu rõ mọi hành động của Trung Quốc nhằm quấy nhiễu hoạt động đánh bắt cá hay khai thác dầu mỏ của các nước khác tại các vùng biển này, hoặc tiến hành các hành động như vậy một cách đơn phương, đều bất hợp pháp.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ có đoạn: "Mỹ đấu tranh cho một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hôm nay, chúng tôi tăng cường chính sách của Mỹ tại một khu vực quan trọng, hay xung đột – Biển Đông. Chúng tôi tuyên bố rõ ràng: các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với những nguồn tài nguyên ở ngoài khơi tại phần lớn Biển Đông là hoàn toàn phi pháp, cũng như là chiến dịch bắt nạt của Trung Quốc nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên ấy.

Tại Biển Đông, chúng tôi nỗ lực gìn giữ hòa bình và ổn định, đảm bảo sự tự do của các vùng biển theo hướng phù hợp với luật pháp quốc tế; duy trì dòng chảy thương mại không bị cản trở và phản đối mọi âm mưu sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực nhằm giải quyết các tranh chấp. Chúng tôi chia sẻ những lợi ích sâu sắc và kiên định với các đối tác và đồng minh của Mỹ, những người lâu nay ủng hộ một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.

Mỹ sát cánh cùng các đối tác và đồng minh Đông Nam Á của mình trong việc bảo vệ các quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với các quyền hạn của các nước và nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi sát cánh cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ sự tự do của vùng biển này, tôn trọng chủ quyền và phản đối mọi nỗ lực áp đặt "lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” ở Biển Đông hoặc khu vực rộng hơn”.

Động thái này diễn ra đúng dịp 4 năm ngày Toà trọng tài LHQ ra phán quyết ủng hộ Philippines trước Trung Quốc trong vụ kiện tranh chấp ở Biển Đông.

Trong bình luận trên trang mạng cá nhân ngay sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố chính sách trên, bà Bonnie S. Glaser, cố vấn chính sách cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington D.C, đánh giá chính sách của Mỹ về Biển Đông đang ngày càng gần hơn với phán quyết tháng 7/2016 của Tòa trọng tài Liên hợp quốc đối với tranh chấp ở Biển Đông. Theo bà Bonnie Glaser, điều chỉnh chính sách nói trên nhằm tạo thêm cơ sở pháp lý để phản bác các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển này.

Mỹ công bố thay đổi này hơn 1 tuần sau khi Lầu Năm Góc ra tuyên bố phản đối cuộc tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuyên bố ngày 2/7 (giờ Mỹ) của Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ khu vực nơi cuộc tập trận diễn ra bao gồm cả các vùng biển và lãnh thổ có tranh chấp. Việc tiến hành tập trận tại vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông gây trở ngại đối với các nỗ lực giảm căng thẳng và duy trì ổn định.

Các hành động của Trung Quốc sẽ làm bất ổn hơn nữa tình hình ở Biển Đông. Những hành động như vậy cũng vi phạm các cam kết của Trung Quốc trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm tránh những hành động làm phức tạp hay leo thang tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định khu vực.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, cuộc tập trận là diễn biến mới nhất trong một loạt hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định những tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp và gây tổn hại cho các nước láng giêng Đông Nam Á của Trung Quốc ở Biển Đông.

Những hành động ấy đi ngược lại cam kết của Trung Quốc không quân sự hóa Biển Đông, cũng như trái với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nơi mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ đều được đảm bảo chủ quyền của họ, không bị ép buộc và có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp với luật pháp và các qui tắc được cộng đồng quốc tế chấp nhận.


Theo Baotintuc

Các tin khác


Tổng giám đốc WHO kêu gọi thế giới đoàn kết chống dịch

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã rơi lệ trong bài phát biểu kêu gọi thế giới đoàn kết chống Covid-19.

Nga xem xét nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế

Ngày 9-7, Hãng tin TASS cho biết, Cơ quan giám sát, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng Nga (Rospotrebnadzor), phối hợp Cục Vận tải hàng không Liên bang và Bộ Ngoại giao Nga đang bàn thảo, lên danh sách các quốc gia mà Nga dự định mở lại đường bay. Theo một nguồn tin ban đầu, danh sách này bao gồm 13 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Mưa dữ dội tại miền trung Nhật Bản, 220 nghìn người sơ tán

Ngày 8-7, mưa lớn trút xuống miền trung Nhật Bản, khiến chính quyền tỉnh Gifu phải ra lệnh cho khoảng 219 người dân di dời tới nơi an toàn. Tại tỉnh Kyushu, số người thiệt mạng do mưa và ngập lụt đã lên tới 56.

Cảnh báo nguy cơ phá hỏng thỏa thuận hạt nhân Iran

Thỏa thuận hạt nhân Iran, với tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), có thể bị phá hủy nếu lệnh cấm vận vũ khí đối với Tehran được gia hạn. Đại sứ Iran tại Nga, ông Kazem Jalali, trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 6-7 trên kênh truyền hình "Russia-24” của Nga, đã khẳng định điều này.

Trung Quốc nâng mức phản ứng khẩn cấp đối phó lũ lụt

Theo Tân Hoa xã và TTXVN, ngày 4-7, Trung Quốc nâng mức phản ứng khẩn cấp nhằm đối phó lũ lụt từ cấp 4 lên cấp 3 trong bối cảnh những trận mưa liên miên tiếp tục tàn phá các vùng đất rộng lớn.

Anh nới lỏng quy định cách ly với 59 nước và vùng lãnh thổ

(HBĐT) - Chính phủ Anh ngày 3-7 đã công bố danh sách 59 quốc gia và vùng lãnh thổ mà người Anh khi đi du lịch trở về sẽ được áp dụng thỏa thuận "cầu hàng không", tức là không phải tuân theo quy định tự cách ly 14 ngày. Quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 10-7.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục