Ngày 12/1, chính quyền thủ đô Berlin đã ban hành lệnh cấm rời khỏi nơi cư trú quá 15km do chỉ số lây nhiễm trong 7 ngày ở Berlin đã vượt 200 ca nhiễm mới/100.000 dân.


Người đi đường đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Berlin, Đức ngày 27/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, lệnh cấm trên được đưa ra phù hợp với nghị quyết đã được chính quyền trung ương và địa phương của Đức đưa ra trước đó, theo đó sẽ áp đặt lệnh cấm di chuyển khỏi nơi cư trú quá 15km, trừ một số trường hợp bất khả kháng như phải đi làm, tới bác sĩ,... Quy định này hiện đã được áp dụng tại nhiều bang của Đức, nơi có số ca nhiễm mới vượt quá mức giới hạn 200 ca/100.000 dân trong một tuần. Hiện trên toàn nước Đức đã có 113/412 quận, huyện có chỉ số lây nhiễm vượt quá 200 ca nhiễm mới, trong đó có nhiều huyện vượt mức 500 ca, đặc biệt huyện Saalfeld-Rudolstadt thuộc bang Thüringen có chỉ số cao nhất với gần 600 ca.

Cùng ngày 12/1, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về nguy cơ lây lan nhanh chóng của biến thể mới ở Đức, ám chỉ có thể siết chặt các biện pháp phòng ngừa nếu không thể ngăn chặn được biến thể mới của virus gây ra đại dịch COVID-19.

Phát biểu trong một cuộc họp nội bộ trực tuyến của liên đảng bảo thủ CDU/CSU, Thủ tướng Merkel cảnh báo tình trạng lây nhiễm dịch COVID-19 có thể tăng lên gấp 10 lần nếu Đức không thể ngăn chặn thành công biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Bà Merkel đã lấy diễn biến dịch bệnh ở Ireland, nơi chỉ số lây nhiễm đã tăng từ 70 lên 700 chỉ trong một thời gian ngắn, làm ví dụ cho thấy sự nguy hiểm của biến thể virus phát hiện ở Anh.

Theo Thủ tướng Merkel, Đức có nguy cơ đối mặt với từ 8 đến 10 tuần rất khó khăn (cho tới Lễ Phục sinh vào đầu tháng 4/2021) tùy theo tốc độ lây lan của biến thể mới. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức chưa cho biết có ủng hộ việc gia hạn lệnh phong tỏa vốn sẽ được áp dụng tới cuối tháng này hay không. Biến thể mới của virus ở Anh được cho có tốc độ lây nhiễm rất cao (cao hơn 70% so với virus gốc). Tình trạng gia tăng nhanh chóng số ca lây nhiễm ở Ireland được cho có liên quan tới biến thể mới ở Anh.

Thủ tướng Ireland Micheal Martin cho biết 41% số du khách từ Anh tới Ireland dịp Giáng sinh có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể mới. Diễn biến dịch tại Anh cũng đang hết sức nghiêm trọng khi mỗi ngày có tới 50.000 ca nhiễm mới và chỉ số lây nhiễm hiện đạt gần 600, so với mức 164,5 ở Đức và trên 900 ở Ireland. Chính phủ Đức cũng đã thông báo kế hoạch chi 200 triệu euro hỗ trợ các phòng xét nghiệm nâng cao năng lực xét nghiệm đối với các biến thể mới.

Mùa Thu năm ngoái khi Đức chỉ mới ghi nhận trung bình 2.000 ca nhiễm mới/ngày, Thủ tướng Merkel đã cảnh báo số ca lây nhiễm ở Đức có thể lên tới 20.000 người vào dịp Giáng sinh và thực tế đã có tới tới 30.000 ca nhiễm/ngày hồi tháng 12/2020. Trong bối cảnh nhiều chính trị gia và giới chuyên gia lo ngại chiều hướng nghiêm trọng của dịch bệnh, Thủ tướng Merkel có thể sớm triệu tập cuộc họp giữa chính quyền trung ương và địa phương để có những quyết định phòng dịch ngặt nghèo hơn nữa trước cuộc họp theo kế hoạch vào ngày 25/1 tới. Hiện Thủ hiến bang Baden-Württemberg, ông Winfried Kretschmann, đã lên tiếng ủng hộ việc siết chặt thêm các biện pháp phòng chống COVID-19 vào tháng 2 tới trong bối cảnh số ca nhiễm mới tiếp tục ở mức cao hiện nay. Từ nhiều tuần nay, Baden-Württemberg đã áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm, từ 20 giờ đến 5 giờ sáng.

Theo số liệu mới nhất từ các cơ quan y tế Đức, trong 24 giờ qua, nước Đức ghi nhận thêm gần 15.000 ca nhiễm mới và gần 1.000 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 1,948 triệu ca và 42.279 ca tử vong.


Theo Báo Tin tức

Các tin khác


IEA cảnh báo nguy cơ thiếu hụt khoáng sản

IEA đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung khoáng sản thiết yếu cho chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh do đầu tư không đủ mạnh.

Các quốc gia Arab kêu gọi công nhận Nhà nước Palestine

Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) ở thủ đô Manama của Bahrain với sự tham dự của Tổng Thư ký AL Ahmed Aboul-Gheit và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, lãnh đạo các quốc gia Arab kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để thiết lập nền độc lập của người Palestine.

Liên hợp quốc nâng dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024

Ngày 16/5 (giờ New York), Liên hợp quốc (LHQ) đã công bố Báo cáo Tình hình và Triển vọng Kinh tế Thế giới, trong đó đưa ra đánh giá lạc quan thận trọng về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2024.

Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ nạn đói ở Dải Gaza

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths ngày 16/5 cho biết người dân ở Dải Gaza đang đối diện với nạn đói khi các nguồn lương thực cạn kiệt, đồng thời cho rằng chiến dịch của Israel ở thành phố Rafah gây ra nhiều khó khăn cho việc lập kế hoạch và phân phối hàng cứu trợ.

Nỗi lo thời tiết nắng nóng làm gián đoạn việc học tập của trẻ em châu Á

Tháng 4 vừa qua, nhiều quốc gia ở châu Á đã trải qua đợt nắng nóng kỷ lục khiến chính phủ quyết định đóng cửa trường học. Điều này đã cho thấy rõ tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu đe dọa việc học tập của hàng triệu trẻ em tại châu lục này.

Số người sơ tán trong nước trên toàn cầu ở mức kỷ lục 75,9 triệu vào năm 2023

Năm 2023, 7,7 triệu người phải di dời do thiên tai, 68,3 triệu người sơ tán do xung đột và bạo lực, trong đó cuộc chiến ở Sudan, Gaza đã đẩy con số này lên kỷ lục mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục