Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Coral Gables, gần Miami, Mỹ.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 605.236 ca tử vong trong tổng số 33.947.991 ca nhiễm. Nước có số ca mắc nhiều thứ hai là Ấn Độ với 27.233.249 ca bệnh và 312.146 ca tử vong.
Diễn biến tại Ấn Độ vẫn phức tạp khi ngày 26/5 nước này ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày trở lại mức trên 200.000 ca. Brazil đứng thứ 3 với 6.195.981 bệnh nhân nhưng có số ca tử vong nhiều thứ 2 sau Mỹ, với 452.224 ca.
Tại Đông Nam Á, Thái Lan ngày 26/5 ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 trong ngày cao nhất từ trước đến nay với 41 ca, nâng tổng số người không qua khỏi tại quốc gia Đông Nam Á này lên 873 ca. Thái Lan cũng thông báo thêm 2.455 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh tại đây lên 137.894 ca.Trong bối cảnh dịch bệnh đã gây ra những tổn thất nặng nề cho nền kinh tế, Nhà vua Thái Lan đã ký nghị định cho phép chính phủ vay thêm 500 tỷ baht (khoảng 16 tỷ USD) để giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra.
Bộ Y tế Campuchia ngày 26/5 cũng ghi nhận thêm 660 ca mắc mới, trong đó 626 ca lây nhiễm cộng đồng và 34 ca nhập cảnh. Số ca nhập cảnh trong ngày là nhiều nhất trong những tháng gần đây. Ngoài ra, số ca tử vong đã tăng thêm 7 ca, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên 190 ca. Trong báo cáo cập nhật hàng tuần công bố tại Geneva (Thụy Sĩ), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá Campuchia vẫn là một trong số ít các quốc gia ở Đông Á có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 tính trên dân số ở mức thấp. Kể từ đầu mùa dịch đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 26.989 ca nhiễm, trong đó 19.722 người đã hồi phục.
Trong khi đó, Malaysia đang đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 mới, buộc chính phủ phải áp dụng biện pháp hạn chế đi lại trên toàn quốc cho tới hết tháng 6 để ngăn chặn virus tiếp tục lây lan. Đáng chú ý, số liệu gần đây cho thấy số ca mắc ở trẻ em và trẻ sơ sinh đang gia tăng một cách đáng lo ngại. Hiện trẻ em và trẻ sơ sinh trở thành nhóm có nguy cơ cao thứ hai, chỉ sau nhóm người cao tuổi. Bộ trưởng Quốc phòng Yaakob cho biết đã có 48.261 trẻ em tại Malaysia bị nhiễm COVID-19, trong đó có 6.290 trẻ dưới 18 tháng tuổi. Tính đến ngày 26/5, Malaysia có tổng cộng 533.367 ca bệnh, sau khi ngày thứ hai liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm theo ngày ở mức kỷ lục, với 7.478 ca. Hiện tổng số ca tử vong tại Malaysia là 2.432 ca.
Trung Quốc đại lục ngày 26/5 thông báo đã ghi nhận thêm 13 ca mắc mới trong ngày 25/5, giảm so với con số 15 ca một ngày trước đó. Theo thông báo của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, trong số ca mắc mới có một ca lây nhiễm trong cộng đồng và không ghi nhận thêm ca tử vong nào do COVID-19. Như vậy đến nay, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 91.019 ca mắc, trong đó có 4.636 ca tử vong.
Hàn Quốc cũng ghi nhận số ca mắc mới trong ngày tăng mạnh trở lại mức cao nhất trong gần 2 tuần qua khi một số ổ dịch xuất hiện lẻ tẻ cùng với những ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh hơn. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 26/5 công bố thêm 707 ca mắc mới, trong đó có 684 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 tại nước này lên 137.682 ca.
Đây là lần đầu tiên trong gần 2 tuần qua số ca mắc mới tại Hàn Quốc vượt 700 ca/ngày. Ngoài ra, với việc ghi nhận thêm 2 trường hợp tử vong, tổng số bệnh nhân không qua khỏi tại Hàn Quốc tăng lên 1.940 người. Tỷ lệ tử vong tại nước này hiện là 1,41%. Trong bối cảnh số ca mắc tiếp tục gia tăng, Hàn Quốc đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19. Đến nay, 1,9 triệu người, tương đương 3,8% trong tổng 52 triệu dân Hàn Quốc, đã được tiêm đủ liều vaccine. Tổng cộng 3,9 triệu người, tức 7,7% dân số, đã được tiêm một mũi vaccine.
Tại Australia, bang đông dân thứ hai Victoria đã ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới cao nhất trong hơn 7 tháng qua với 6 ca ghi nhận được trong ngày 26/5. Chính quyền bang cho biết hơn 300 người có tiếp xúc gần với các ca nhiễm đã được xác định, trong đó nhiều người đã đến những địa điểm đông đúc. Ổ dịch mới xuất phát từ một ca nhập cảnh nhiễm biến thể của virus được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ. Người này đã kết thúc cách ly ở bang Nam Australia và đến thủ phủ Melbourne trong tháng này nhưng lại có xét nghiệm dương tính 6 ngày sau khi hết cách ly.
Ở châu Âu, Chính phủ Bỉ ngày 26/5 thông báo tạm ngừng sử dụng loại vaccine 1 liều của hãng Johnson&Johnson cho người dưới 41 tuổi liên quan đến 1 trường hợp tử vong do phản ứng phụ nghiêm trọng sau khi tiêm chủng. Chính phủ Bỉ sẽ chờ khuyến cáo cụ thể của Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) về những lợi ích và nguy cơ của loại vaccine này trước khi đưa ra quyết định tiếp theo.
Hiện tại, trong số 11,5 triệu dân tại Bỉ, có trên 1,7 triệu người được tiêm đủ liều vaccine (chiếm 15,3% dân số) và hơn 4,4 triệu người đã được tiêm liều vaccine thứ nhất (38,5%). Vương quốc Bỉ đặt mục tiêu 70% dân số nước này được tiêm phòng đầy đủ vào cuối mùa hè năm nay. Bỉ là một trong những quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19. Kể từ đầu đại dịch tới này, nước này ghi nhận 1.050.677 ca mắc COVID-19 (chiếm gần 9% dân số), trong đó có 24.873 ca tử vong.
Tại khu vực Mỹ Latinh, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số nước. Ngoài Brazil đã đề cập đến ở trên, tổng số ca tử vong tại Argentina đã vượt 75.000 ca và hiện ở mức 75.056 ca sau khi nước này ghi nhận thêm 576 ca tử vong. Số ca mắc tại quốc gia này tăng thêm 24.601 ca lên 3.586.736 ca. Kể từ ngày 29/12/2020 đến nay, Argentina đã tiêm hơn 11,3 triệu liều vaccine phòng COVID-19.
Số bệnh nhân COVID-19 tại Cuba đã vượt 135.000 người sau khi nước này ghi nhận thêm 1.291 ca mắc mới. Bộ Y tế công cộng Cuba cũng thông báo có thêm 11 ca tử vong, theo đó nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi ở nước này lên 901 người. Bộ này đang tích cực triển khai chiến dịch tiêm vaccine đại trà cho người dân. Đến nay, hơn 770.000 người Cuba đã được tiêm vaccine.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 26/5 công bố báo cáo cho biết biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ (biến thể B.1.617) đã được chính thức ghi nhận xuất hiện tại 53 vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, theo báo cáo cập nhật hằng tuần của WHO, ngoài các vùng lãnh thổ trên, cơ quan này còn tiếp nhận nguồn tin chưa chính thức cho biết đã phát hiện biến thể B.1.617 tại 7 vùng lãnh thổ khác. Như vậy, biến thể này đã xuất hiện tại 60 vùng lãnh thổ.