Ngày 19-6 (theo giờ Việt Nam), CNN dẫn lời một quan chức quân sự của Mỹ cho biết, nước này đang trong quá trình cắt giảm số lượng binh sĩ và các hệ thống tên lửa phòng không đã triển khai ở Saudi Arabia cũng như một số quốc gia khác ở Trung Đông về nước.
Hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ. Ảnh: presstv.com
Nguồn tin cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã chỉ thị cho Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung tâm của Mỹ phải đưa các binh sĩ và số vũ khí nói trên về nước trong mùa hè này. Theo Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jessica McNulty, một số đơn vị phòng không sẽ được đưa trở lại Mỹ để bảo dưỡng và sửa chữa, trong khi các đơn vị khác được triển khai tới các quốc gia khác trong khu vực. Mặc dù vậy, bà McNulty không tiết lộ điểm đến cụ thể của những đơn vị này.
"Quyết định này được đưa ra với sự phối hợp chặt chẽ với các quốc gia sở tại và nhằm mục đích duy trì khả năng đáp ứng các cam kết an ninh của chúng tôi. Chúng tôi duy trì một thế trận lực lượng vững chắc trong khu vực phù hợp với mối đe dọa và hài lòng rằng những thay đổi này không ảnh hưởng tiêu cực đến các lợi ích an ninh quốc gia của chúng tôi. Chúng tôi cũng duy trì sự linh hoạt để nhanh chóng chuyển lực lượng trở lại Trung Đông như điều kiện đảm bảo", người phát ngôn Lầu Năm Góc nêu rõ trong một thông báo.
Trước đó, tờ The Wall Street Journal cũng đưa tin, Mỹ đã đưa 8 khẩu đội tên lửa phòng không Patriot của nước này ra khỏi Iraq, Kuwait, Jordan và Saudi Arabia và một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) cũng được đưa ra khỏi Saudi Arabia. Ước tính mỗi khẩu đội này cần tới hàng trăm binh sĩ và nhân viên dân sự để vận hành và hỗ trợ hoạt động.
CNN nhận định việc Mỹ cắt giảm lực lượng ở Saudi Arabia và các quốc gia khác ở Trung Đông là một phần trong kế hoạch điều chỉnh sự hiện diện quân sự của Washington tại khu vực. Đến nay, Mỹ đã đặt mục tiêu rút toàn bộ binh sĩ của nước này khỏi Afghanistan, với thời hạn chót là trước ngày 11-9-2021. Hiện Washington cũng đã bàn giao một số căn cứ cho lực lượng Afghanistan. Ngoài ra, dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, số binh sĩ Mỹ đồn trú ở Iraq đã giảm xuống còn 2.500 người.
Một số chuyên gia cho rằng kế hoạch cắt giảm quy mô quân sự tại Trung Đông diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách xoa dịu căng thẳng với Iran và đàm phán để khôi phục thỏa thuận về việc Tehran ngừng chương trình phát triển hạt nhân.
Liên quan tới vấn đề này, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif ngày 18-6 tái khẳng định rằng Iran không đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân mà nước này ký với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) vào năm 2015, đồng thời yêu cầu Mỹ phải dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt đã áp đặt với Tehran. Phát biểu trong cuộc gặp Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell, ông Zarif cho rằng, Iran đã hứng chịu hậu quả và có "kinh nghiệm cay đắng" từ việc Mỹ vi phạm các cam kết dưới thời cựu Tổng thống Trump. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngoại giao Iran bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015 sẽ mang lại kết quả tốt đẹp.
Các cuộc đàm phán của Ủy ban chung giám sát thỏa thuận hạt nhân 2015, với sự tham gia của Iran, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức và Liên minh châu Âu (EU), đã bắt đầu tại thủ đô Vienna (Áo) từ tháng 4 năm nay, với hy vọng nhằm làm cầu nối giữa Mỹ và Iran để đưa cả hai nước trở lại tuân thủ thỏa thuận này. Ngày 12-6 vừa qua, các bên đã khởi động vòng đàm phán thứ 6.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 310.000 ca nhiễm và trên 7.300 ca tử vong. Mỹ đã vượt mốc 600.000 ca tử vong, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, trong khi Nam Phi nâng phong toả toàn quốc lên cấp độ 3.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và giới chuyên gia quốc tế, cam kết của nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) chia sẻ 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho các nước nghèo hơn là quá ít và quá muộn, trong bối cảnh các chuyên gia ngày 14/6 cảnh báo thế giới cần tới hơn 11 tỷ liều vaccine.
Ngày 14/6, cảnh sát địa phương cho hay 5 người đã thiệt mạng khi một tàu lượn và một máy bay nhỏ bị rơi ở dãy núi Alps của Thụy Sĩ vào cuối tuần qua, cảnh sát đang điều tra xem liệu hai vụ tai nạn có liên quan đến nhau hay không.
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 288.000 ca bệnh COVID-19 và 8.255 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã là 176,6 triệu ca, trong đó trên 3,81 triệu ca tử vong.
Bộ Y tế Lào ngày 13/6 ghi nhận 6 ca mắc COVID-19 mới tại 3 tỉnh/thành phố, trong đó có 5 ca lây nhiễm cộng đồng và 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Ngày 12/6, Bộ Y tế Cuba (Minsap) thông báo trong 24 giờ qua, nước này có thêm 1.372 ca mắc COVID-19, con số ghi nhận theo ngày cao nhất trong vòng 1 tháng qua, đồng thời là con số cao kỷ lục thứ 2 kể từ đầu mùa dịch, nâng tổng số ca dương tính với COVID-19 trên toàn đảo quốc Caribe lên 156.238 trường hợp, trong đó số ca tử vong là 1.075 người.