Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 490.529 trường hợp mắc COVID-19 và 8.671 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 230,8 triệu ca, trong đó trên 4,7 triệu người không qua khỏi.


Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Stuttgart, miền Nam Đức ngày 24/3/2021. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 23/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 230.803.601 ca, trong đó có 4.731.083 người tử vong.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục xu thế chững lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch "nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong cũng có xu thế giảm.

Nhiều nước Á-Âu tình hình vẫn đáng ngại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Mỹ, Ấn Độ, Iran, Anh và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới với trên 116.000 ca, trong khi số ca tử vong cũng dẫn đầu với trên 2.000 trường hợp, tức là giảm mạnh so với thời gian trước.

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 207 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 18 triệu ca và trên 98.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 22/9, thế giới có 125 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 102 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.


Học sinh tại một trường học ở New York, Mỹ, ngày 13/9/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 43.387.366 ca mắc và 699.568 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33 triệu ca mắc và trên 446.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 21 triệu ca bệnh, trong đó trên 592.000 ca tử vong.

Ngày 22/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ ủng hộ thêm 500 triệu liều vaccine của hãng Pfizer/BioNTech cho các nước trên thế giới, nâng tổng số vaccine nước này viện trợ cho nước ngoài lên 1,1 tỷ liều. Tuyên bố này được đưa ra trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh về COVID-19 diễn ra bên lề khóa họp 76 Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ), diễn ra tại Mỹ. Ngoài ra, ông cũng cam kết hỗ trợ 370 triệu USD cho các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu.

Tổng thống Biden cho biết đã đàm phán mua thêm 500 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) để tài trợ cho các nước khác. Số vaccine trên sẽ được sản xuất tại Mỹ và chuyển tới các nước thu nhập thấp và trung bình từ  tháng 1/2022 theo cơ chế COVAX - chương trình do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều phối cùng Liên minh vaccine GAVI nhằm đảm bảo vaccine ngừa COVID-19 được phân phối công bằng trên toàn cầu. Theo ước tính của giới chuyên gia, thế giới cần khoảng 11 tỷ liều vaccine phòng COVID-19 để đạt độ bao phủ vaccine.


Khách du lịch trong trang phục truyền thống Hanbok của Hàn Quốc thăm làng Hanok ở Jeonju, trong kỳ nghỉ lễ Trung thu (Chuseok) ngày 20/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Hàn Quốc, số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận theo ngày ở nước này tiếp tục vượt mốc 1.700 ca trong ngày thứ hai liên tiếp, mặc dù nước này giảm thiểu tiến hành xét nghiệm trong kỳ nghỉ lễ Trung thu (Chuseok) kéo dài 5 ngày vừa qua.

Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này đã có thêm 1.720 ca mới, nâng tổng số lên 290.983 ca. Số ca tử vong cũng tăng lên 2.419 người, sau khi có thêm 6 ca mới. Đây cũng là ngày thứ 78 liên tiếp vượt mốc 1.000 ca/ngày. Trước đó, trong ngày 21/9, con số này là 1.729 ca.

Khu vực đô thị Seoul - nơi 50% trong tổng dân số 52 triệu người của Hàn Quốc sinh sống -  hiện là tâm dịch của cả nước, khi ghi nhận tới 77% tổng số ca bệnh. Theo KDCA, có tới 40% trong số này là không thể xác định nguồn lây. Do đó, giới chức y tế đã kêu gọi người dân chủ động xét nghiệm COVID-19 trước và sau kỳ nghỉ lễ Trung thu kéo dài từ ngày 18/9 đến 22/9, để ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Trong bối cảnh khoảng cách tiêm chủng giữa các nước trên thế giới còn lớn, Tổ chức Ân xá quốc tế kêu gọi lãnh đạo các quốc gia và các nhà sản xuất vaccine dành 2 tỷ liều vaccine cho các quốc gia nghèo hơn vào cuối năm nay.

Tổ chức này cũng nhấn mạnh rằng hầu hết người dân ở các quốc gia giàu có đều đã được tiêm chủng phòng COVID-19, song nhiều nước thuộc khu vực Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á đã rơi vào những cuộc khủng hoảng mới với "hàng chục nghìn ca tử vong có thể tránh được mỗi tuần".

Trong tổng số 5,67 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên toàn thế giới, chỉ có 0,3% ở các quốc gia có thu nhập thấp, trong khi hơn 79% là ở các quốc gia có thu nhập cao và thu nhập trên trung bình. Tổ chức trên cũng cảnh báo nguy cơ không thực hiện được mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đến cuối năm nay tiêm chủng ngừa COVID-19 cho 40% dân số các nước thu nhập thấp và dưới trung bình.

Thống kê của các nguồn tin chính thức hết ngày 22/9, trên toàn thế giới đã có  hơn 6 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 được tiêm cho người dân. Trong số này, gần 40% (tương đương 2,18 tỷ liều) được tiêm ở Trung Quốc. Sau đó là Ấn Độ với 826,5 triệu liều và Mỹ với 386,8 triệu liều. Đây là 3 quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cao nhất thế giới.

Trong số các nước có dân số từ 1 triệu người trở lên, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang đứng đầu về tỷ lệ tiêm chủng với 198 liều/100 người và hơn 81% dân số nước này đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19. Tiếp đến là Uruguay với tỷ lệ 175 liều/100 người, Israel - 171 liều/100 người, Cuba – 163 liều/100 người, Qatar – 162 liều/100 người và Bồ Đào Nha – 154 liều/100 người. Trong số những nước này, một số nước đã bắt đầu triển khai tiêm liều tăng cường (mũi thứ 3).

Trong khi đó,  hầu hết các quốc gia nghèo hơn hiện nay cũng đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng, trong đó chủ yếu là dựa vào nguồn cung từ cơ chế chia sẻ vaccine COVAX. Ở các quốc gia có thu nhập cao, theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ tiêm chủng trung bình ở mức 124 liều/100 người, trong khi tỷ lệ này ở các nước thu nhập thấp chỉ là 4 liều/100 người. Hiện 3 quốc gia trên thế giới chưa thông báo về việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là Burundi, Eritrea và Triều Tiên.

Liên quan đến chiến lược tiêm vaccine, Hội đồng y tế cấp cao của Bỉ đã cho phép tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 thứ ba cho tất cả những người lưu trú trong các viện dưỡng lão và tất cả những người trên 85 tuổi.

Quyết định trên được cho là nhằm bảo vệ người dân Bỉ tốt hơn trước mối đe dọa của làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 4. Chính phủ Bỉ cũng đã quyết định cấp chứng nhận kỹ thuật số về an toàn COVID-19 cho những người có giấy chứng nhận tiêm chủng hợp lệ. Tuy nhiên, trong trường hợp những người này có kết quả xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm sàng lọc kháng nguyên COVID-19 dương tính, thì chứng nhận kỹ thuật số của họ sẽ hiển thị màu đỏ trong khoảng 11 ngày. Trong thời gian đó, họ không được phép tham gia các sự kiện cũng như tới các cửa hàng, nhà hàng, khách sạn.

Trong khi đó, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM) khẳng định chưa cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) đối với vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi. BPOM khẳng định, đến nay EUA cho loại vaccine này tại Indonesia chỉ dành cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên.

Cùng ngày, Ấn Độ dự kiến cho phép rút ngắn khoảng cách giữa hai mũi vaccine của hãng AstraZeneca đối với các trường hợp tiêm tự nguyện ở các cơ sở y tế tư nhân. Cụ thể, các bệnh viện tư sẽ có thể cho phép khách hàng tự nguyện của mình tiêm mũi thứ hai vào 4 tuần sau khi tiêm mũi đầu, giảm so với 12-16 tuần hiện nay. Tuy nhiên, đối với những người tiêm theo chương trình của chính phủ, khoảng cách giữa hai mũi tiêm vẫn là 12 tuần.

Ấn Độ đã tăng khoảng cách giữa hai mũi tiêm vaccine của AstraZeneca từ tháng 5 nhằm đảm bảo rằng có nhiều người được tiêm ít nhất một mũi trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm do dịch bùng phát mạnh trong năm nay.

Hãng AstraZeneca khuyến cáo mũi tiêm thứ hai nên cách mũi đầu tối thiểu 4 tuần, song cho biết có xu hướng hiệu quả tăng khi quãng thời gian này lâu hơn 4 tuần. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hai mũi vaccine này nên cách nhau 8-12 tuần.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 22/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 54.243 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 255.000 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam. Đông Nam Á vẫn là điểm dịch nóng nhất châu Á.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á tiếp tục là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này tiếp tục cho thấy tín hiệu hạ nhiệt, khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm nhanh. Indonesia đã qua đỉnh dịch lần này và tình hình đang khả quan hơn. Trong 1 ngày qua, "quốc gia vạn đảo” ghi nhận trên 2.000 ca bệnh mới.

Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Trong 1 ngày qua, nước này ghi nhận số ca tử vong vẫn ở mức cao, tăng mạnh trở lại. Trong 24h qua, Philippines chính là quốc gia có số ca mắc mới cao nhất khu vực.

Malaysia tình hình dịch bệnh đang ngày càng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua. Malaysia ghi nhận số ca tử vong cao nhất khu vực Đông Nam Á trong 1 ngày qua.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu dịch bệnh. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.

Thái Lan là điểm nóng dịch mới khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng mạnh trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh, lùi ngày mở cửa du lịch. "Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 22/9 ghi nhận thêm trên 11.252 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 141 người, giảm nhẹ so với mức của mấy ngày trước đó.

Campuchia có xu thể tăng trở lại so với mấy ngày trước đây, với 637 bệnh nhân mới và 14 ca tử vong trong một ngày qua. Song Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 255.549 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 983 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng vượt ngưỡng 11,6 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 10,5 triệu trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 8/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.


Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


COVID-19 tới 6 giờ 21/9: Số ca mắc mới giảm mạnh trên toàn cầu; Mỹ nới lỏng hạn chế đi lại với EU và Anh

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 360.996 trường hợp mắc COVID-19 và 5.156 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 229,6 triệu ca, trong đó trên 4,7 triệu người không qua khỏi.

COVID-19 tới 6h sáng 20/9: Thế giới vượt 229 triệu ca mắc; Ca tử vong mới ở Nga cao nhất

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 346.000 ca bệnh COVID-19 và trên 5.600 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 229 triệu ca, trong đó trên 4,7 triệu ca tử vong.

COVID-19 tới 6h sáng 19/9: Thêm trên 360.000 ca nhiễm mới; Mỹ hơn 10.000 ca tử vong/tuần

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 360 ca mắc COVID-19 và 5.441 ca tử vong. Làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta đã cướp đi 10.000 sinh mạng ở Mỹ trong một tuần qua.

Trung Quốc: yêu cầu người dân TP Hạ Môn không ra ngoài dịp Tết Trung thu

Trong thông báo ngày 18/9, chính quyền thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến ở Đông Nam Trung Quốc đã yêu cầu người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết.

COVID-19 tại ASEAN hết 18/9: Toàn khối vượt 250.000 ca tử vong; Campuchia tính tiêm mũi vaccine thứ 4

Trong ngày 18/9, các nước ASEAN ghi nhận trên 68.000 ca nhiễm mới và 1.172 ca tử vong, đưa tổng số người thiệt mạng do đại dịch vượt 250.000 ca.

Thế giới vượt 227,4 triệu ca mắc COVID-19; châu Á tăng tốc tiêm chủng

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 16/9, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 227.438.501 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4.676.843 ca tử vong. Số người bình phục đến thời điểm này là 204.134.021 người, tuy nhiên hiện vẫn còn 101.340 người trong tình trạng nguy kịch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục