Ngày 17/7, phát biểu tại 1 sự kiện của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali, ông Perry cho hay, thế giới hiện đang phải đối mặt với các vấn đề ảnh hưởng đến sự ổn định tiền tệ và tài chính, cũng như lạm phát gia tăng do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn và tác động của xung đột Nga-Ukraine.
Theo ông Perry, sự gia tăng lạm phát không chỉ xuất phát từ phía cầu mà còn từ phía cung khi tiêu thụ trong nước của một số quốc gia, trong đó có các quốc gia đang phát triển tăng mạnh.
Do đó, lạm phát cần được xem xét một cách thận trọng và cần giải quyết tận gốc rễ tất cả các vấn đề bằng cách tăng lãi suất điều hành, đồng thời giải quyết vấn đề cung ứng.
Thống đốc BI cho biết thêm rằng thế giới đang ghi nhận tác động từ động thái tăng lãi suất điều hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và của các ngân hàng trung ương khác.
Ông Perry nhấn mạnh: "Tất nhiên các nhiệm vụ trong nước cần phải được đặt lên hàng đầu, song làm thế nào để vượt qua những tác động này trong một nền kinh tế toàn cầu rất mở? Tác động đến dòng vốn và sự biến động tỷ giá hối đoái là gì? Liệu tăng lãi suất có đủ để giải quyết không chỉ lạm phát mà còn cả tác động từ sự di chuyển dòng vốn và các khía cạnh khác”.
Theo ông Perry, các ngân hàng trung ương cần phải đối phó với sự biến động của dòng vốn và tỷ giá hối đoái, song cần tránh làm trầm trọng thêm suy thoái kinh tế toàn cầu.
Thống đốc BI khẳng định: "Đây là một công việc rất phức tạp, một giai đoạn rất khác so với trước đây khi hầu hết các vấn đề đến từ nhu cầu và tất cả đều đến từ lĩnh vực tài chính. Lần này, rất nhiều vấn đề đến từ phía cung”.
TheoNhanDan