Tổng thống Nga Putin thăm Iran hồi tháng 7 - chuyến thăm đầu tiên của ông đến một quốc gia ngoài Liên Xô cũ kể từ khi xung đột tại Ukraine bùng nổ.
Trang Politico dẫn nhận định của các nhà ngoại giao phương Tây cho rằng, Nga có kế hoạch sử dụng Iran như một cửa sau để lách các lệnh trừng phạt quốc tế nếu thỏa thuận hạt nhân của Tehran với các cường quốc trên thế giới có hiệu lực.
Moskva đã cử các nhóm quan chức tài chính và thương mại cũng như các giám đốc điều hành của Gazprom và các công ty khác đến Tehran vào tháng 7 nhân chuyến thăm của Tổng thống Putin để tạo cơ sở cho sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nước.
Trong những tuần gần đây, Iran cũng đã cử hai phái đoàn chính thức tới Moskva tập trung vào lĩnh vực năng lượng và tài chính. Trong số các quan chức cấp cao tham dự có Giám đốc Ngân hàng trung ương Iran Ali Saleh Abadi, Thứ trưởng Kinh tế Ali Fekri và người đứng đầu ủy ban kinh tế của Quốc hội Iran, Mohammad Reza Pour Ebrahimi. Các nhà ngoại giao Iran đã dành vài ngày để gặp gỡ những người đồng cấp và giới điều hành khu vực tư nhân.
Điểm thu hút chính của Iran là nước này cung cấp một tuyến đường dự phòng để bán dầu thô, loại hàng hóa bị trừng phạt cũng là nguồn cung cấp tài chính chủ lực của Điện Kremlin.
Xuất khẩu dầu của Nga phải đối mặt với lệnh cấm vận gần như hoàn toàn từ các nước EU từ tháng 12 năm ngoái, nhưng nếu một thỏa thuận hạt nhân quốc tế được ký kết với Iran, điều đó sẽ cung cấp cho Nga một Kế hoạch B đúng lúc.
Theo cái mà các thương nhân gọi là thỏa thuận "hoán đổi”, Iran có thể nhập dầu thô của Nga tới bờ biển Caspian ở phía bắc nước này, rồi sau đó thay mặt Nga bán một lượng dầu thô tương đương bằng các tàu chở dầu qua ngả Vịnh Persian. Iran sẽ lọc dầu của Nga để đáp ứng nhu cầu nội địa đang khan hiếm, trong khi nhờ có thỏa thuận hạt nhân, dầu Iran xuất khẩu ở miền nam đất nước sẽ được miễn trừ các lệnh trừng phạt.
Ngoài ra, Iran cũng có thể sử dụng đội tàu chở dầu của mìnhngay khi được giải phóng khỏi các lệnh trừng phạt, để tải dầu thô của Nga ở các cảng bên ngoài biển Caspian.
Tuy nhiên phương án này phụ thuộc vào việc liệu thỏa thuận hạt nhân – mà theo đó Iran sẽ hạn chế các hoạt động hạt nhân để đổi lại được dỡ bỏ trừng phạt -có được khôi phục hay không. Nhiều nhà ngoại giao tham gia vào quá trình đàm phán cho biết thỏa thuận đã gần đạt được, mặc dù cả Mỹ và Iran đều chưa chấp nhận những đề xuất mới nhất từ EU. Trong số những người ủng hộ đề xuất này mạnh mẽ nhất có Đại sứ Nga tại Vienna (nơi đặt trụ sở của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế - IAEA), Mikhail Ulyanov.
Trong một dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của Tehran, chuyến thăm Iran vào tháng 7 của Tổng thống Putin là chuyến thăm đầu tiên của ông tới một quốc gia bên ngoài Liên Xô cũ kể từ khi xung đột Ukraine bùng nổ. Tehran và Moskva nhân dịp này đã công bố biên bản ghi nhớ về các dự án chung trị giá 40 tỷ USD, đặc biệt nhằm phát triển khai thác khí đốt ở Vịnh Ba Tư và sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng giá trị cao.
Ông Ali Akbar Velayati, Cố vấn chính sách đối ngoại của Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, đã công khai cho biếtviệc hoán đổi dầu nằm trong danh sách ưu tiên. Hãng thông tấn Fars dẫn lời ông nói: "Chúng tôi nhận dầu từ Nga và Kazakhstan qua Biển Caspian để tiêu thụ trong nước và sau đó chúng tôi giao dầu với số lượng tương tự cho khách hàng của họ ở miền nam”.
Chiến lược hoán đổi dầu đã từng đạt được nhiều mức độ thành công khác nhau trong quá khứ. Thỏa thuận hoán đổi đã phải tạm dừng từ hơn một thập kỷ trước khi Iran phàn nàn rằng họ chịu lỗ, và rằng Nga cung cấp dầu thô không đạt tiêu chuẩn.
Lần này, Iran cũng sẽ phải tìm cách gỡ bỏ mọi rắc rối liên quan đến việc Nga bán dầu thô với mức chiết khấu cao trên thị trường toàn cầu do các lệnh trừng phạt.
Một số nhà ngoại giao cũng lưu ý rằng Moskva đang nhìn rộng ra khắp Trung Á, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để tìm ra những kẽ hở xung quanh những hạn chế với hàng hóa nhập khẩu. Các lệnh trừng phạt đang bóp nghẹt đáng kể khả năng của Nga trong việc khôi phục các vũ khí, khí tài quân sự đã bị phá hủy ở Ukraine, khi nước này phải chật vật tìm nguồn nhập các linh kiện thay thế.
Nga nhận thức rõ rằng Iran có một lịch sử lâu dài, đầy kinh nghiệm trong việc tìm kiếm các giải pháp thay thế như vậy. Ngay cả khi các lệnh trừng phạt kéo dài nhiều năm, Tehran vẫn tìm cách vượt qua, khi chuyển hướng sang Trung Quốc và các đối tác châu Á khác. Moskva muốn học hỏi kinh nghiệm đó.
Đây có thể là một trong những lý do khiến Mỹ thận trọng phản hồi các đề xuất của EU. Iran đã chuẩn bị chuyển giao máy bay không người lái vũ trang cho Nga. Nếu Washington đồng ý khôi phục thỏa thuận hạt nhân, điều đó sẽ có nguy cơ mở cánh cửa cho luồng vũ khí không hạn chế từ Iran sang Nga.
Tuy vậy, phải nhìn nhận, theo truyền thống Nga và Iran vẫn cực kỳ cảnh giác với nhau, hợp tác khi lợi ích của họ song hành nhưng chỉ ở một mức độ.
Mặc dù Nga đóng vai trò quyết định trong việc giúp Iran xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở phía nam thành phố Bushehr, nhưng các mối quan hệ gần đây về năng lượng nguyên tử vẫn còn nhiều thử thách. Đại sứ Nga tại Iran, Levan Dzhagaryan, đã có một cuộc phỏng vấn gay gắt với tờ Shargh của Iran, trong đó ông cáo buộc chính quyền Iran không thanh toán hàng trăm triệu euro các khoản nợ liên quan đến chương trình hạt nhân.
Trong khi đó, một lý do khác khiến Iran thu hút Nga đó là họ cần Nga. Đầu tháng này, cơ quan vũ trụ Nga đã phóng vệ tinh do thám Iran lên quỹ đạo. Nga cũng phát tín hiệu sẵn sàng nâng cấp toàn bộ cơ sở hạ tầng đường bộ và đường sắt tới thành phố cảng Astrakhan của Iranbên biển Caspian nhằm thúc đẩy thương mại giữa hai nước.