Ngày 15/8, các nguồn thạo tin cho biết giới tướng lĩnh chỉ huy quân đội của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) có kế hoạch nhóm họp tại Ghana trong 2 ngày 17 - 18/8 tới để thảo luận về khả năng can thiệp quân sự ở Niger.
Phiên họp bất thường các nhà lãnh đạo Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) về tình hình Niger, tại Abuja (Nigeria), ngày 10/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Cuộc họp ban đầu được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 12/8 vừa qua nhưng sau đó đã bị hoãn vô thời hạn vì "lý do kỹ thuật”. Cuộc họp diễn ra sau khi các nhà lãnh đạo ECOWAS tuần trước thông qua việc triển khai một "lực lượng dự phòng để khôi phục trật tự Hiến pháp” ở Niger sau vụ đảo chính ngày 26/7 dẫn đến việc Tổng thống Mohamed Bazoum bị lật đổ. Hội nghị thượng đỉnh của ECOWAS, được tổ chức tại thủ đô Abuja của Nigeria ngày 10/8, cũng tái khẳng định mong muốn của khối về một giải pháp ngoại giao.
Cuộc bầu cử Tổng thống ở Niger năm 2021 dẫn đến chiến thắng của ông Mohamed Bazoum được xem là sự kiện bước ngoặt, mở ra cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình đầu tiên của quốc gia Tây Phi này kể từ khi độc lập khỏi Pháp vào năm 1960. Việc Tổng thống Bazoum bị lật đổ đã gây chấn động khắp Tây Phi, nơi Mali và Burkina Faso cũng trải qua các vụ đảo chính và quân đội lên nắm quyền.
ECOWAS đã đưa ra tối hậu thư đối với chính quyền quân sự ở Niger, cảnh báo sẽ có biện pháp can thiệp quân sự nếu các tướng lĩnh tiến hành vụ đảo chính không khôi phục quyền lực cho Tổng thống Bazoum trước ngày 6/8. Tuy nhiên, thời hạn của tối hậu thư này đã trôi qua và giới lãnh đạo đảo chính ở Niger cho đến nay vẫn chưa sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán do cộng đồng quốc tế thúc đẩy. Các nhà phân tích cho rằng việc ECOWAS can thiệp quân sự vào Niger sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của khối cũng như gây bất ổn về mặt chính trị do tình trạng chia rẽ trong nội khối.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày 15/8, Điện Kremlin cho biết, trong cuộc điện đàm với lãnh đạo chính quyền quân sự Mali Assimi Goita, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng. Điện Kremlin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tình hình ở Niger thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao hòa bình.
Cùng ngày, trong khuôn khổ chuyến thăm Tây Phi, Bộ trưởng Phát triển Đức Svenja Schulze cho rằng vụ đảo chính ở Niger "gây cản trở, làm trầm trọng thêm các thách thức phát triển phức tạp ở quốc gia này và xa hơn là khu vực Sahel”. Thay mặt Liên minh Sahel, ông Schulze kêu gọi ngay lập tức trả tự do cho Tổng thống Bazoum và khôi phục đầy đủ trật tự hiến pháp tại Niger.
Cuộc đảo chính ở Niger đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ đẩy khu vực Tây Phi vào vòng xoáy bất ổn. Vùng Sahel thuộc Tây Phi là một trong những khu vực nghèo nhất trên thế giới và phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố kéo dài. Do đó, khu vực này có nguy cơ rơi vào bất ổn hơn nữa nếu cuộc khủng hoảng tại Niger trở nên trầm trọng hơn.
TheoBaotintuc
Biến thể phụ mới đang lây lan nhanh, có tên gọi chính thức là EG.5 hay "Eris", đã được WHO xếp vào danh sách theo dõi.
Trong chiến dịch trấn áp quy mô lớn đang diễn ra ở Nigeria, lực lượng an ninh đã tiến hành không kích vào các tàu trộm dầu và những cơ sở tinh chế bất hợp pháp.
Chiều hướng gia tăng lớn trong sản xuất năng lượng Mặt trời ở Nam Âu đóng vai trò hàng đầu trong việc ngăn chặn tình trạng thiếu điện trong các đợt nắng nóng đang càn quét châu Âu trong những tuần gần đây, khi nhiệt độ phá vỡ kỷ lục và thúc đẩy nhu cầu dùng điều hoà chưa từng có.
Cơ quan khí tượng Nhật Bản cho biết ngày 5/8, nước này ghi nhận nhiệt độ tăng lên 40 độ C lần đầu tiên trong mùa hè này, trong bối cảnh nắng nóng gay gắt ở khu vực Đông Bắc.
Nhu cầu và giá khí đốt tự nhiên của châu Âu đã tăng do thời tiết nóng hơn bình thường trong bối cảnh rủi ro về nguồn cung vẫn còn.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 4/8, Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia cho biết Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 43 và các Hội nghị liên quan sẽ diễn ra từ ngày 5-7/9, tập trung thảo luận các vấn đề quan trọng, trong đó có Biển Đông.