Đề xuất của Hungary được đưa ra trong bối cảnh Hungary bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu.


Thủ tướng Hungary Viktor Orban (trái) gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev ngày 2/7/2024. Ảnh: president.gov.ua

Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người đã đến Kiev lần đầu tiên sau 12 năm, hôm 2/7 đã đề nghị Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky suy nghĩ về lệnh ngừng bắn và khởi động tiến trình hòa bình với Nga. 

Bình luận về đề xuất trên của Thủ tướng Hungary, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov ngày 3/7 cho biết, Điện Kremlin không mong đợi bất kỳ đột phá nào từ lời kêu gọi này, vì rõ ràng: chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh Hungary bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu từ ngày 1/7. 

"Vì vậy, trong trường hợp này, tôi nghĩ, trách nhiệm vì lợi ích của Brussels sẽ chiếm ưu thế ở đây, chứ không phải vì lợi ích quốc gia của Hungary. Về vấn đề này, ông Orban nổi tiếng là một chính trị gia biết cách bảo vệ lợi ích của đất nước mình”, ông Peskov nói.

Nga cũng cho rằng trong khuôn khổ các cuộc đàm phán giữa lãnh đạo Hungary và Ukraine, Thủ tướng Orban đang đại diện cho lợi ích của Brussels. Tuy nhiên, Hungary nhấn mạnh rằng mục tiêu chính của họ là đạt được hòa bình ở châu Âu.

Về mặt lý thuyết, Hungary có thể đóng vai trò trung gian giữa Nga và Ukraine, nhưng EU sẽ phản đối điều này và các giới chính trị châu Âu rõ ràng sẽ làm mọi cách có thể để ngăn chặn mọi sáng kiến ​​hòa bình do Budapest đưa ray, Oleg Nemensky, chuyên gia hàng đầu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga, nói với tờ Izvestia.

"Hungary, với tư cách là quốc gia đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, sẽ bị ràng buộc vào vấn đề Nga - Ukraine, vì vậy, thật không may, chúng tôi không nên mong đợi bất kỳ sáng kiến ​​hòa bình đáng kể nào và các sự kiện liên quan do Budapest khởi xướng. Vấn đề là Hungary không có bất kỳ ảnh hưởng cụ thể nào trong quá trình này, đối với khả năng đàm phán hòa bình về cuộc xung đột ở Ukraine", ông Nemensky nêu rõ.

Chuyên gia Nemensky lưu ý thêm: "Nếu các cuộc đàm phán như vậy được khởi xướng, thì đó sẽ là quyết định của EU và Mỹ. Tuy nhiên, theo quan điểm của Brussels, Hungary sẽ là một bên tham gia hữu ích. Mặc dù, rất có thể, ngược lại, họ sẽ cố gắng cô lập Hungary khỏi quá trình này càng nhiều càng tốt vì lập trường của Budapest được coi là ủng hộ Nga".

Về phần mình, Alexey Fenenko, Giáo sư tại Khoa Chính trị Thế giới của Đại học Tổng hợp Moskva nhận định: "Khi Nga giành được chiến thắng, ý tưởng đóng băng xung đột sẽ được phương Tây ủng hộ. Họ muốn quân đội Nga dừng chiến đấu ở tiền tuyến để đổi lấy việc Ukraine không gia nhập NATO. Đây là tình huống rất bất lợi cho Nga: vị thế là đối tác chủ chốt của liên minh Bắc Đại Tây Dương sẽ không ngăn cản phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine và chuẩn bị cho cuộc chiến tiếp theo". 

Ngoài ra, ông Fenenko nhấn mạnh rằng mọi người cũng không nên nghĩ rằng tình hình sẽ thay đổi nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng. "Chúng ta không thấy điều gì tốt đẹp khi ông ấy làm tổng thống Mỹ. Chúng ta đã thấy việc rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung, khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, thực hiện các cuộc ném bom Syria ngay trước mắt lực lượng của chúng ta và bơm vũ khí vào Ukraine", nhà khoa học chính trị trên kết luận.



Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Nga tiếp quản vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Từ ngày 1/7, Nga tiếp quản từ Hàn Quốc vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) trong một tháng.

Hàn Quốc: Triều Tiên phóng 2 tên lửa đạn đạo

Ngày 1/7, quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo về hướng Đông sau khi cảnh báo về các biện pháp đáp trả cuộc tập trận chung do Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản tổ chức.

Mỹ nghiên cứu phương án giải quyết xung đột xuyên biên giới Israel và Hezbollah

Báo Washington Post ngày 29/6 đưa tin Chính phủ Mỹ đang nghiên cứu nhiều phương án giải quyết xung đột giữa Israel và phong trào Hezbollah ở Liban.

Những dấu hiệu suy giảm kinh tế Mỹ trong nửa đầu năm

Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn thông tin trên tờ Bloomberg cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ có xu hướng suy giảm trong nửa đầu năm nay do tác động của lạm phát và chính sách duy trì lãi suất cao kéo dài của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Bầu cử Mỹ 2024: Hai ứng cử viên tranh luận "nảy lửa" một loạt vấn đề chính sách

Sáng 28/6 (theo giờ Việt Nam), hai ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024 là ông Joe Biden của đảng Dân chủ và ông Donald Trump bên phía đảng Cộng hòa đã có những màn "đấu khẩu nảy lửa” trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên.

Hội nghị thượng đỉnh EU tập trung vào các ưu tiên quốc phòng mới

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ngày 27/6 đã dành phần lớn thời gian để thảo luận về các vấn đề quốc phòng với sự tham dự của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục