Lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 3/10 ra tuyên bố tái khẳng định mối quan ngại sâu sắc về cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, kêu gọi các bên liên quan trong khu vực "hành động có trách nhiệm” và kiềm chế, đồng thời nhắc lại cam kết ủng hộ an ninh của Israel.
Ngoại trưởng Nhóm G7 họp tại đảo Capri, Italy ngày 19/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn tuyên bố của G7 nêu rõ: "Chúng tôi, các nhà lãnh đạo G7, bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tình hình đang xấu đi ở Trung Đông ... Chúng tôi tái khẳng định cam kết ủng hộ an ninh của Israel”.
Các nhà lãnh đạo G7 cũng nhấn mạnh "vòng xoáy nguy hiểm của những cuộc tấn công và trả đũa có nguy cơ thúc đẩy sự leo thang không thể kiểm soát được ở Trung Đông, vốn không phục vụ lợi ích của bất kỳ ai”. Tổ chức gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản "kêu gọi tất cả các bên liên quan trong khu vực hành động có trách nhiệm và kiềm chế”, đồng thời can dự tích cực để góp phần hạ nhiệt tình trạng căng thẳng hiện nay.
Các nhà lãnh đạo G7 còn nhắc lại lời kêu gọi thiết lập lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza, trả tự do vô điều kiện cho toàn bộ con tin đang bị giam giữ và mở rộng bền vững dòng chảy viện trợ nhân đạo vào vùng lãnh thổ của Palestine, chấm dứt xung đột.
Liên quan đến tình trạng căng thẳng giữa Israel và phong trào Hezbollah ở Liban, tuyên bố của G7 bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Liban, kêu gọi chấm dứt bầu không khí thù địch một cách sớm nhất có thể để tạo không gian cho giải pháp ngoại giao dọc theo Đường Xanh (Blue Line), phù hợp với Nghị quyết số 1701 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Theo G7, đây là cách thức duy nhất để xuống thang căng thẳng một cách bền vững, tạo dựng ổn định trên biên giới Israel-Liban.
* Cũng trong ngày 3/10, truyền thông Trung Đông dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đang thảo luận về khả năng Israel tấn công các cơ sở dầu mỏ của Iran, song khẳng định ông không hề mong muốn bất kỳ hành động trả đũa ngay lập tức nào từ phía Tel Aviv.
Chia sẻ với báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ quả quyết: "Trước hết, chúng tôi không ‘cho phép’ Israel, chúng tôi khuyên giải Israel. Sẽ không có chuyện gì xảy ra trong hôm nay (3/10, theo giờ địa địa phương)”.
Trước đó, hôm 2/10, Tổng thống Biden tuyên bố không ủng hộ Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran.
* Trong một diễn biến khác có liên quan, giá dầu tiếp tục tăng mạnh khi thị trường lo ngại về khả năng Israel trả đũa Iran, tấn công các cơ sở dầu mỏ của Tehran.
Trên Sàn giao dịch hàng hóa New York, tại thời điểm 15h00 ngày 3/10 (giờ địa phương), dầu thô ngọt nhẹ Tây Texas (WTI) kỳ hạn giao tháng 11 đứng ở mức 73,78 USD/thùng, tăng 3,68 USD/thùng so với chốt phiên ngày 2/10, tương ứng mức tăng 5,25%. Dầu Brent Biển Bắc kỳ hạn tháng 12 được giao dịch ở mức giá 77,80 USD/thùng, tăng 3,80 USD/thùng, tương ứng 5,14%. Đây đều là những mức giá dầu thô cao nhất trong vòng 1 tháng qua.
Thị trường dầu mỏ thời gian gần đây chịu tác động lớn từ chiều hướng leo thang xung đột ở Trung Đông. Dầu thô có 2 phiên tăng giá mạnh liên tiếp sau khi Iran phóng hàng loạt tên lửa đạn đạo tấn công Israel hôm 1/10, làm tăng nguy cơ xung đột lan rộng ở Trung Đông - khu vực đóng vai trò nguồn cung năng lượng quan trọng cho thị trường toàn cầu.
Iran là nước sản xuất dầu lớn trong khu vực, cung ứng ra thị trường khoảng 2 triệu thùng/ngày, chiếm khoảng 2% nguồn cung toàn cầu. Giới phân tích dự báo, một cuộc tấn công lớn của Israel vào các cơ sở dầu mỏ Iran có thể khiến nguồn cung hao hụt khoảng 1,5 triệu thùng/ngày.
Theo TTXVN
Mỹ cùng Houthi và Hamas đều đã lên tiếng về vụ Iran phóng 180 tên lửa vào các mục tiêu quân sự và an ninh quan trọng của Israel.
Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, ngày 30/9, công ty Google thuộc Tập đoàn Alphabet Inc cho biết sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào Thái Lan để xây dựng một trung tâm dữ liệu và đám mây nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và hỗ trợ việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Đông Nam Á.
Phóng viên TTXVN tại Brussels trích báo cáo của Ủy ban châu Âu ngày 30/9 cho biết dựa trên kết quả của một cuộc khảo sát ý kiến cho thấy đa số công dân EU tin rằng cần nhiều thông tin hơn để chuẩn bị ứng phó với thiên tai và tình trạng khẩn cấp.
Ngày 30/9, quân đội Israel tuyên bố đóng cửa 3 khu vực dân cư gần biên giới Liban, bao gồm Metula, Misgav Am và Kfar Giladi, chuyển thành khu vực quân sự cấm người dân ra vào.
Chương trình Lương thực Thế giới đã triển khai hoạt động cứu trợ khẩn cấp để cung cấp lương thực cho 1 triệu người bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột leo thang ở Lebanon.
Ngày 29/9, Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Baqer Qalibaf đã kêu gọi các cơ quan lập pháp và chính phủ của các quốc gia Hồi giáo có lập trường "răn đe” đối với Israel, để ngăn chặn các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế và nhân quyền trong tương lai.