Mối quan hệ gần gũi giữa Ấn Độ và Afghanistan là minh chứng cho thấy người Ấn có điều kiện tốt để giúp đỡ Afghanistan khi những binh lính phương Tây cuối cùng rút khỏi Kabul.

 

 

Tổng thống Afghanistan Karzai và Thủ tướng Ấn Độ Singh. (Ảnh: embassyofafghanistan)

Sớm tạo dựng ảnh hưởng 

Sự hiện diện của người Ấn tại Afghanistan không phải là một điều gì mới mẻ. Từ thế kỷ 19, quân đội Ấn Độ đã hai lần vượt qua dãy Hindu Kush, hy vọng có thể giành lại được quyền kiểm soát vùng lãnh thổ phân cách ở bên kia đỉnh núi. Hơn 1 thế kỷ sau đó, nước Cộng hòa Ấn Độ một lần nữa lại hiện diện ở vùng núi non đã từng là khu vực đệm ngăn cách với nước Nga Sa hoàng, và sau đó là từ Liên Xô, người khổng lồ phương bắc. 

Sự hiện diện lần sau này được đánh dấu bằng việc người Ấn chính thức hoàn thành quá trình xây dựng tòa nhà quốc hội mới cũng như huấn luyện đội ngũ các nhà lập pháp của Afghanistan. Hơn một tỉ USD viện trợ và đầu tư, rất nhiều chuyên gia cố vấn cũng như lực lượng vũ trang lên tới một nghìn quân đã có mặt tại đây, minh chứng cho mối quan hệ đang nảy nở giữa hai nước dân chủ tại Nam Á. 

Ấn Độ hiện là quốc gia cung cấp viện trợ lớn thứ 5 tại Afghanistan, với số tiền cam kết lên đến 1,2 tỷ USD kể từ năm 2001, chủ yếu nhằm mục đích cải thiện hệ thống giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng. Đáng chú ý là dự án xây dựng tuyến đường dài 215km nối từ biên giới với Iran tới con đường huyết mạch của Afghanistan.  

Tuyến đường này không chỉ giúp Ấn Độ có thể vận chuyển hàng hóa qua đường biển tới một cảng của Iran và sau đó đưa vào lãnh thổ Afghanistan, tránh được “chướng ngại vật” Pakistan, mà còn góp phần đáng kể thúc đẩy thương mại giữa Ấn Độ và Afghanistan. Nhờ đó, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã đạt 538 triệu USD trong thời kỳ 2007-2008. 

Bản thân Tổng thống Hamid Karzai là một người được thừa hưởng nhiều giá trị từ nền giáo dục Ấn Độ, sau đó ông cũng nhận được không ít sự trợ giúp quân sự của Ấn Độ vào cuối những năm 1990. Trong 5 năm đứng đầu Chính phủ Afghanistan, Tổng thống Karzai đã tới thăm Ấn Độ 4 lần. Hơn nữa, quân đội Afghanistan, nhân tố then chốt trong chiến lược mới của Mỹ nhằm bình ổn quốc gia Nam Á, cũng nhận được các khóa đào tạo từ Ấn Độ. 

Chướng ngại không chỉ là Pakistan 

Không phải tất cả mọi người đều hài lòng với những “dấu chân mở rộng” của người Ấn trên đất Afghanistan. Pakistan lâu nay vẫn coi Afghanistan là một nhân tố quan trọng trong mọi chiến lược của mình tại khu vực. Ảnh hưởng ngày càng “ăn sâu bám rễ” của Ấn Độ tại đây đã làm dấy lên những lo ngại rơi vào thế “bị kìm kẹp” từ hai phía của Pakistan. 

Vụ đánh bom bằng ô tô vào Đại sứ quán Ấn Độ tại Kabul hồi tháng 7/2008, khiến 41 người thiệt mạng, có thể được xem là lời “nhắn nhủ” của Islamabad tới New Delhi; vì theo tờ New York Times, không lâu sau vụ đánh bom, các quan chức Mỹ đã đưa ra bằng chứng cho thấy “mối liên hệ giữa các sĩ quan tình báo Pakistan với lực lượng vũ trang đã tiến hành vụ tấn công” nhằm thể hiện rõ “trách nhiệm” của Pakistan. 

Tuy nhiên, không phải chỉ có Pakistan không hài lòng về sự có mặt của người Ấn tại Afghanistan mà ngay cả phương Tây cũng thấy phương án trao Afghanistan lại cho Ấn Độ không phải là một lựa chọn phù hợp với tình hình khu vực Nam Á.  

Quan điểm của phương Tây thể hiện rõ trong đánh giá “sơ sài” về cuộc chiến Afghanistan của Tư lệnh Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế, Tướng Stanley McChrystal, hồi tháng 9/2009 rằng “dù các hoạt động của Ấn Độ sẽ rất có lợi cho nhân dân Afghanistan, song ảnh hưởng của Ấn Độ tại Afghanistan ngày càng tăng chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, cũng như khuyến khích các biện pháp đối phó của Pakistan tại Afghanisan hoặc Ấn Độ”.  

Phản ứng của Ấn Độ thời gian qua rất thận trọng. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ AK Antony kiên quyết lập trường “không có khả năng quân đội Ấn Độ dính líu vào Afghanistan, không phải bây giờ và trong tương lai”. Trong khi đó, một cựu lãnh đạo cơ quan tình báo nước ngoài của Ấn Độ thì khẳng định “việc gửi quân Ấn tới Afghanistan không phải là một lựa chọn”. 

Có nhiều lý do để giải thích cho sự thận trọng của các bên. Phương Tây dè chừng vì hẳn không ít người vẫn còn nhớ tới cái chết cay đắng của 1.200 người do lực lượng gìn giữ hòa bình Ấn Độ tại Sri Lanka gây ra. Còn đối với chính Ấn Độ, mặc dù quân đội nước này đã tích lũy được không ít kinh nghiệm đối phó với những kẻ nổi dậy trong hơn 6 thập kỷ qua, song họ cũng đang phải chiến đấu căng thẳng trong cuộc chiến tranh du kích do những người theo chủ nghĩa ly khai gây ra ngay tại quê nhà.  

Những khó khăn với lực lượng quân đội là một phần, song nhân tố chính trị cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng. Nền chính trị theo kiểu liên minh giữa các đảng phái của Ấn Độ, vốn chỉ quan tâm tới những vấn đề nhỏ nhặt tại địa phương, dường như không dễ gì giúp chính phủ triển khai được chính sách đối ngoại đầy tham vọng. 

Những khó khăn có thể hóa giải 

Bất chấp trở ngại từ quốc gia láng giềng Pakistan, từ những người phương Tây đang làm chủ trên chiến trường Afghanistan và từ những khó khăn trong nước; trên thực tế, đã có hơn 1.000 thành viên thuộc lực lượng cảnh sát Biên giới Ấn Độ - Tây Tạng đang được triển khai ở Afghanistan.  

Lời tuyên bố rút lực lượng quân đội Mỹ khỏi chiến trường Afghanistan vào năm 2011 của Tổng thống Obama đã tạo nên một khoảng trống quyền lực tiềm ẩn, đẩy Pakistan vào thế lựa chọn cách tiếp tục ủng hộ Taliban. Trong bối cảnh đó, mặc dù vẫn chưa được chú ý nhiều, song những tiếng nói “đề cử” Ấn Độ vào vị trí thay thế lực lượng phương Tây tại chiến trường Afghanistan đang ngày càng mạnh mẽ hơn.  

Một cựu nhân viên ngoại giao đưa ra lập luận rằng “chính tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Ấn Độ đang kêu gọi mạnh mẽ giới lãnh đạo nước này can thiệp vào chiến trường Afghanistan mà không phải ngồi chờ lời mời trịnh trọng từ Mỹ”. 

Trong khi đó, biên tập viên tờ báo Pragati, người theo trường phái hiện thực, thì lại cho rằng “dính líu quân sự… sẽ đưa chiến trường rời khỏi vùng Kashmir và lãnh thổ chính của Ấn Độ". Điều này muốn nói tới dù chiến đấu trên chiến trường Afghanistan, Kashmir hay ngay tại quê nhà, quân đội Ấn Độ cũng chỉ có một kẻ thù là lực lượng vũ trang nổi dậy do nước láng giềng giúp đỡ. 

Trong khi đó, những người cẩn trọng thì lại cho rằng “đóng góp tốt nhất… là giúp đỡ huấn luyện và xây dựng khả năng trong lĩnh vực hậu cần hay liên lạc quân sự”, vốn vẫn còn là một thiếu sót trong lực lượng quân đội Afghanistan. 

Tại các nước phương Tây, những lời kêu gọi ủng hộ cuộc chiến tại Afghanistan không còn được người dân quan tâm, một phần vì họ thấy rằng cuộc chiến này đâu thể giúp cải thiện an ninh nội địa. Trong khi đó, những vụ tấn công thường xuyên và có quy mô vào Ấn Độ lại tạo ra điều kiện tốt để chính phủ nước này tập trung được sự ủng hộ của dân chúng cho quyết định triển khai quân tới Afghanistan. 

Hơn nữa, mối quan hệ văn hóa lâu dài của Ấn Độ với Afghanistan, như phim ảnh Bollywood đã trở nên phổ biến tại Afghanistan, đồng nghĩa với khả năng lực lượng quân đội Ấn Độ  được chào đón tại Afghanistan. Thực tế cho thấy, 73% người Afghanistan được hỏi đều có quan điểm ủng hộ Ấn Độ, trong khi tới 91% lại có quan điểm chống đối Pakistan. 

Về tiềm lực quân sự, không chỉ có kinh nghiệm đối phó với lực lượng nổi dậy, Ấn Độ còn nắm giữ mối quan hệ tốt với các nước lớn trong khu vực như Iran và Nga, sở hữu một số căn cứ quân sự tại Tajikistan, và nguồn dự trữ quân lớn. Hiện tại, Ấn Độ có gần 9.000 quân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, và mới rút 30.000 quân từ khu vực Jammu và Kashmir về nước. 

Phương Tây nên nắm lấy chìa khóa vàng 

Thách thức chủ yếu ngăn cản quân đội Ấn Độ tham gia của vào Afghanistan là Pakistan. Song việc có được “nhà tài trợ hàng đầu cho chủ nghĩa khủng bố” đứng trong mặt trận chống lại những kẻ khủng bố giờ đây không còn là một ý tưởng vô lý. Thậm chí có được quân đội Ấn Độ trên chiến trường Afghanistan và nguồn tin tình báo từ sự hợp tác của Pakistan lại là một điều kiện lý tưởng cho cuộc chiến này. 

Điều này không phải là vô căn cứ khi tờ New York Times mới đưa tin về việc Pakistan đã từ chối giải quyết vụ việc Siraj Haqqani, lãnh đạo cao nhất của Taliban tại Afghanistan, với lý do người này là “cơ sở lâu năm của cơ quan phản gián Pakistan”. 

Có thể sự thật về việc Ấn Độ là một trong những bên có lợi ích liên quan, đặc biệt trong việc xây dựng một nhà nước vững mạnh cũng như chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố tại Afghanistan, chưa được nhiều “bộ não chiến lược” ở phương Tây để ý tới.  

Song mang lại những sáng kiến cho phép Ấn Độ mở rộng sự giám sát an ninh có thể sẽ tạo ra nền tảng cho một cam kết ổn định lâu dài cho khu vực khi những người lính phương Tây cuối cùng rút khỏi Kabul. 

 

                                                                    Theo VietNamnet

Các tin khác

Không có hình ảnh
Bắn pháo hoa tại cầu cảng Siney ở Australia đón mừng năm mới 2010
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Pakistan: Đánh bom liều chết giữa trận bóng chuyền, 88 người chết

Đã có ít nhất 88 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương trong vụ tấn công được xác định là đánh bom liều chết nhằm vào một trận đấu bóng chuyền ở khu vực tây bắc Pakistan ngày hôm qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục