Apophis sẽ đụng trái đất vào ngày 13-4-2036?
Ngày 13-4-2036, tiểu hành tinh Apophis được dự báo có thể va chạm và hủy diệt một phần trái đất. Một số học giả tin rằng lịch của người Maya dự báo ngày tận thế là 21-12-2012. Tuy rất nhiều dự báo như thế trong quá khứ đã không hề xảy ra, con người vẫn bị ám ảnh về ngày tận thế
Các nhà thiên văn gọi Apophis là một NEO, tức vật bay gần trái đất. Trong thái dương hệ có khoảng 3 triệu NEO đi lang thang, kích cỡ từ vài mét đến vài ngàn mét. Điều đáng nói là chúng có khuynh hướng xáp đến quá gần trái đất. Nếu chẳng may một trong số đó va chạm trái đất thì sẽ là một thảm họa rùng rợn.
Sức mạnh diệt chủng
Cách đây 65 triệu năm, một tiểu hành tinh dài hàng chục km đã đâm đầu xuống vịnh Mexico làm tuyệt chủng nhiều sinh vật trong đó có loài khủng long. Ngày 30-6-1908, một thiên thạch nhỏ dài khoảng 20 m sau khi lọt qua bầu khí quyển trái đất biến thành một quả cầu lửa “hầm thành than” 2.100 km2 rừng Taiga trong vùng Tunguska ở Siberia, Nga. May mắn thay, khu vực đó không có người ở. Theo nhiều chuyên gia, tiểu hành tinh không rõ danh tánh đó có nhiều khả năng nổ tung trong không khí chứ không chạm đất.
Theo các chuyên gia, những vụ va chạm lớn nhỏ như thế xảy ra theo định kỳ 150 năm có một vụ, nhưng tai họa rùng rợn do nó gây ra xảy ra lúc nào lại không thể biết trước. Do đó, con người cần phải tìm cách phát hiện và giám sát thật chặt chẽ đường đi nước bước của những kẻ lang thang trên trời cực kỳ nguy hiểm đó.
Apophis – tên của vị thần Ai Cập cổ đại Apep (Kẻ hủy diệt) - vốn là người quen đối với các nhà thiên văn. Kể từ khi được các nhà thiên văn Mỹ của Trường Đại học Hawaii phát hiện vào năm 2004, hành trình của nó đã được giám sát hết sức chặt chẽ. Tiểu hành tinh dài 270 m này đã từng làm chúng ta nghẹt thở vài ngày hồi tháng 12-2004 khi các số liệu khoa học dự báo rằng có đến 1/37 cơ hội nó đâm vào trái đất vào năm 2029, với sức công phá bằng 30.000 lần quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima! May mắn thay, điều đó đã không xảy ra.
Chui “lỗ khóa”
Tuy nhiên vẫn còn một nguy cơ: Các nhà khoa học Mỹ ở NASA (Cơ quan Không gian Mỹ) tính toán rằng tháng 4-2029, Apophis sẽ bay cách trái đất 36.350 km, thấp hơn quỹ đạo của các vệ tinh địa tĩnh.
Nếu trời xui đất khiến nó chui qua được “lỗ khóa” – một khoảng không gian rộng chừng 600 m, tức chỉ lớn hơn Apophis một chút, nơi có nhiều lực hút khác nhau tác động - nó có thể đâm đầu xuống đất 7 năm sau, cụ thể là ngày chủ nhật 13-4-2036. Và xác suất gây ra thảm họa rùng rợn này là 1/45.000, theo những số liệu của NASA.
Nhưng theo bản tin Pravda.ru của Nga ngày 30-12-2009, những tính toán khoa học ngày 5-8-2006 cho biết khả năng Apophis chui qua “lỗ khóa” hầu như chắc chắn là không thể. Nếu xét trên thang Torino (đo khả năng va chạm trái đất của các tiểu hành tinh và thiên thạch), cấp độ bằng 0. Ngày 7-10-2009, NASA đã chính thức điều chỉnh xác suất va chạm trái đất của Apophis từ 1/45.000 xuống còn 1/250.000.
Vấn đề là rất khó biết trước quỹ đạo của Apophis một cách chính xác trước vài chục năm. Các nhà khoa học chỉ có thể biết trước vài năm. Nhưng lúc đó họ còn quá ít thời gian để đối phó. Cách đây 12 năm, trong phim khoa học viễn tưởng Armageddon, các nhà làm phim Mỹ đưa ra giải pháp dùng vũ khí hạt nhân phá vỡ một tiểu hành tinh lớn bằng bang Texas đang bay hướng về trái đất.
Đó là một giải pháp vô cùng nguy hiểm vì tiểu hành tinh bị phá vỡ sẽ tạo ra hàng ngàn NEO nhỏ mà nếu rơi trúng trái đất thì thảm họa cũng ghê gớm vô cùng. Đa số các nhà khoa học cho rằng giải pháp dùng vũ khí hạt nhân để “tán” các tiểu hành tinh như “tán sỏi” là lợi bất cập hại. Hơn nữa, đó là một giải pháp vi phạm Hiệp ước Cấm thử vũ khí hạt nhân từng phần ký kết năm 1963.
Giải pháp được nhiều nước ủng hộ là phóng một con tàu vũ trụ nhỏ tiếp cận NEO, nhẹ nhàng điều chỉnh hướng bay của nó bằng lực tương tác. Tuy nhiên, chuyện này lại đẻ ra một vấn đề tế nhị và nan giải thuộc về chính trị chứ không phải khoa học kỹ thuật.
Nga sẽ lãnh trách nhiệm
Theo những tính toán mới nhất, nếu Apophis đâm vào trái đất, điểm va chạm sẽ là một điểm nào đó nằm trên tuyến đường chạy dài từ Kazakhstan đến Nam Đại Tây Dương, qua Siberia (Nga), Bắc Thái Bình Dương, Costa Rica, Colombia và Venezuela. Ai sẽ là người đứng ra tổ chức thực hiện sứ mạng làm thay đổi hướng bay của Apophis? Và ai sẽ bỏ tiền ra làm chuyện ấy? Tất cả những nước nằm trên tuyến vừa kể? Hay là Nga – nước có khả năng hứng trọn thảm họa rùng rợn từ trên trời rơi xuống – hoặc Mỹ - nước có khả năng bị sóng thần cao bằng tòa nhà 14 tầng tàn phá nặng nề? Hay Liên Hiệp Quốc? Và ai là người chịu trách nhiệm nếu phi vụ đó bất thành?
Chính trong bối cảnh đó, tuyên bố của Anatoli Perminov, Giám đốc Cơ quan Không gian Nga Roscosmos, đưa ra ngày 30-12-2009 trên Đài Tiếng nói của nước Nga đã được cả thế giới chú ý đặc biệt. Theo nhận định của Perminov, đường bay của Apophis ngày càng gần trái đất. Do đó, Nga đang tính đến một dự án cứu nguy trái đất, theo đó, một con tàu vũ trụ nhỏ sẽ được phóng lên đón đầu và làm chuyển hướng bay của Apophis.
Perminov nhận định: “Từ đây đến đó, chúng ta còn thời gian để chế tạo một con tàu vũ trụ đặc biệt. Chúng ta cần bỏ ra hàng trăm triệu USD để làm chuyện ấy thay vì ngồi chờ sự cố xảy ra cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người”.
Theo kế hoạch của Roscosmos, Nga sẽ mời các cơ quan không gian hàng đầu thế giới của Mỹ, châu Âu, Trung Quốc v.v... tham gia dự án nói trên.
Theo Báo NLĐ
Iran sẽ tổ chức “cuộc tập trận quy mô lớn” vào tháng tới để chuẩn bị cho các lực lượng vũ trang đẩy lùi một cuộc tấn công của kẻ thù – kênh truyền hình Press TV của Iran dẫn lời quan chức quân sự hàng đầu nước này nói.
Mỹ đã có những thông tin cho thấy Al-Qaeda đang lên kế hoạch tiến hành vụ tấn công ở thủ đô Sanaa của Yemen - cố vấn chống khủng bố hàng đầu của Tổng thống Obama cho biết, sau khi Mỹ và Anh thông báo đóng cửa các sứ quán ở thành phố này.
Khoảng 700 công nhân miền bắc Trung Quốc đang nỗ lực xử lý vụ rò rỉ đường ống đã khiến hàng trăm nghìn lít dầu diesel đổ ra một nhánh của Hoàng Hà, nguồn nước của nhiều triệu người.
Trong nỗ lực tái thiết lớn nhất kể từ Kế hoạch Marshall (kế hoạch tái thiết Tây Âu của Chính phủ Mỹ), đến nay Mỹ đã chi khoảng 53 tỷ USD cho các hoạt động cứu trợ và tái thiết Iraq kể từ khi nhà cầm quyền Mỹ phát động chiến tranh ở quốc gia giàu dầu mỏ này năm 2003.
Tổng thống Arroyo vừa bổ nhiệm sáu người vào ủy ban độc lập chịu trách nhiệm giải giáp vĩnh viễn các nhóm quân đội tư nhân và ra lệnh cho ủy ban này phải hoàn thành nhiệm vụ trong vòng bốn tháng trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5 tới, để đối phó với tình trạng bạo lực chính trị ngày càng gia tăng ở khu vực nông thôn.
Taliban đánh bom trả đũa phong trào dân quân vũ trang chống lại chúng