Ngày 29-6, các hãng thông tấn, báo chí thế giới đồng loạt đưa tin Mỹ tuyên bố vừa phá vỡ mạng lưới gián điệp cho Nga và bắt giữ 11 người bị tình nghi. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga phản pháo: những thông tin Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra có quá nhiều điểm gây tranh cãi. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov kêu gọi phía Mỹ đưa ra những giải thích cụ thể về vụ bắt giữ trên. Mối “lương duyên” Nga - Mỹ tưởng chừng sẽ nồng ấm hơn sau chuyến thăm Washington của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm 24-5 vừa qua giờ lại đang đứng trước nguy cơ đóng băng bởi một nghi án.

 

Phỏng vấn láng giềng của cặp vợ chồng bị tình nghi làm gián điệp cho Nga cư trú tại New Jersey.

Điều tra hơn 10 năm

Theo Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), quyết định bắt giữ 10 người tình nghi làm gián điệp cho Nga tại Mỹ ngày 28-6 là kết quả của một cuộc điều tra, theo dõi hơn 1 thập kỷ. Những cái tên được Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra gồm Richard Murphy và Cynthia Murphy tại Montclair (New Jersey); Vicky Pelaez và Juan Lazaro ở Jonkers (New York); Anna Chapman, Michael Zottoli, Patricia Mills tại New York, Mikhail Semenko ở Arlington (Virginia), Donald Heathfield và Tracey Lee Ann Foley ở TP Boston (Massachusetts). Người tình nghi  cuối cùng cũng đã bị bắt giữ tại Cyprus ngày 29-6.

Những cá nhân này đã sống, làm việc như những công dân Mỹ thực thụ tại các khu ngoại ô và TP của Mỹ. Họ rất hòa đồng với cộng đồng dân cư nơi họ cư ngụ, theo mô tả của New York Times “họ sống như những cặp vợ chồng Mỹ, làm những công việc bình thường, trò chuyện với hàng xóm về các trường học và xin lỗi khi những đứa trẻ của họ gây phiền hà”. Nhưng rồi ngày 28-6, Bộ Tư pháp Mỹ đã cáo buộc 11 người này tham gia “chương trình bất hợp pháp”, làm gián điệp cho Nga dưới những cái tên giả. Họ bị tình nghi là nhân viên Cơ quan tình báo nước ngoài của Nga (SVR), tổ chức kế thừa KGB, xâm nhập vào Mỹ để thu thập những thông tin tuyệt mật và tuyển mộ thêm các điệp viên khác. Theo đó, những thông tin về vũ khí hạt nhân, chính sách của Mỹ đối với Iran, lực lượng lãnh đạo của Cơ quan tình báo Mỹ (CIA), chính sách Quốc hội… là những “món hàng” được nhóm này săn lùng.

Để lấy được những thông tin này, nhóm tình nghi điệp viên Nga đã liên hệ với một cựu quan chức cấp cao phụ trách an ninh quốc gia của Mỹ và một nhà nghiên cứu về vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, các tài liệu điều tra của cơ quan an ninh Mỹ không cho biết những thông tin mật này đã được chuyển về cho tổng hành dinh của cơ quan tình báo Nga hay chưa.

FBI cho biết họ đã cài đặt máy ghi âm, xâm nhập địa chỉ email, theo dõi điện thoại của những người Nga bị tình nghi nhiều năm qua. Ngoài ra họ còn quay video những cuộc gặp hay trao đổi của những người này, bắt được những bức thư viết bằng mực vô hình…

Theo Washington Post, trước một ngày diễn ra vụ bố ráp, các nhân viên FBI đã tìm thấy một phong bì có 5.000 USD bọc bằng một tờ báo tại công viên ở Arlington được cho là của một trong những người tình nghi “giả vờ rơi”, để lại cho một trong những người cung cấp thông tin mật từ Nhà Trắng cho nhóm này. 11 người này sẽ đối mặt với những cáo buộc tại Tòa án liên bang Manhattan bao gồm âm mưu tiếp tay cho các tổ chức tình báo quốc tế và rửa tiền nhưng sẽ không bị buộc tội hoạt động gián điệp.

Báo chí Nga cho rằng chưa có bằng chứng xác thực để tố cáo Nga trong vụ này. Đài Truyền hình độc lập mô tả những tình tiết của nghi án giống như truyện trinh thám hút khách thời Chiến tranh lạnh.

Quan hệ Nga - Mỹ sẽ đóng băng?

Các quan chức cấp cao Mỹ mô tả chiến dịch bắt giữ này là thành công lớn bởi nhóm bị tình nghi làm điệp viên này có thể gây ra những thiệt hại lớn đến an ninh quốc gia của Mỹ. Một vị quan chức cho biết: “Tôi không thể nhớ trường hợp nào bắt giữ một lúc đến 10 người làm gián điệp cho nước ngoài như lần này”. Những quan chức khác đánh giá rằng mặc dù nhóm này đã sống tại Mỹ có thể hơn 20 năm nhưng hiệu quả không cao. Nhưng dù thế nào cũng phải thấy rằng, an ninh tại quốc gia luôn tự hào là đứng đầu thế giới đang có những lỗ hổng nhất định. Xa hơn nữa là vụ tấn công 11-9, cho thấy các nguồn tin tình báo của Mỹ chưa thật sự nhanh nhạy.

Hiện Nga chưa có những động thái đặc biệt nào đáp trả Mỹ. Tuy nhiên, từ những nghi án gián điệp trong quá khứ, giới phân tích quan ngại rằng sóng gió sẽ nổi lên trong vài ngày tới và quan hệ Mỹ-Nga sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ bởi vụ việc này.

Theo New York Times, việc bắt giữ diễn ra chỉ vài ngày sau chuyến thăm của Tổng thống Nga Medvedev tới Mỹ nên Tổng thống Mỹ Barack Obama tỏ ý không hài lòng về thời điểm này nhưng các nhà điều tra Mỹ lo sợ thông tin sẽ được chuyển ra khỏi lãnh thổ của Mỹ. Theo báo này Tổng thống Obama đã biết rõ về đường dây này, thế nhưng ông vẫn có thể nói được những “lời có cánh” khi gặp ông Medvedev rằng hai nước sẽ ổn định hơn, thế giới sẽ bình yên hơn khi Mỹ- Nga “tâm đầu ý hợp”.

Thông tin nghi án gián điệp cho Nga gây sốc không chỉ cho nước Mỹ mà cho cả nước Nga. Báo chí Nga “ca ngợi” câu chuyện này là quyển tiểu thuyết thuộc hàng bom tấn. Các nhân viên Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho biết chưa bao giờ có một vụ bắt giữ người tình nghi làm gián điệp lớn như thế trong lịch sử phản gián của nước này.

New York Times trích lời cựu điệp viên KGB từng hoạt động ở Mỹ dưới vỏ bọc một nhà ngoại giao và phóng viên Đài Phát thanh Mátxcơva Oleg D. Kalugin nói rằng trong những năm căng thẳng nhất của Chiến tranh lạnh cũng không thể có hơn 10 điệp viên Nga hoạt động trong lòng nước Mỹ. Trong khi đó một cựu điệp viên KGB khác, Oleg Gordievsky, cho rằng phải có 50 cặp “vợ chồng” điệp viên Nga hoạt động tại Mỹ.

 

                                                                                  Theo SGGP

Các tin khác

Không có hình ảnh
3 tàu chỉ huy của 3 hạm đội thuộc lực lượng Hải quân Nga chuẩn bị cho cuộc tập trận quy mô lớn tại Viễn Đông.
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Thế giới nên “phụ thuộc” vào Mỹ như thế nào?

Trả lời phỏng vấn của truyền hình BBC trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao G-20, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner nói: “Thế giới không thể phụ thuộc vào Mỹ như trong quá khứ”. Đó là cách nói “giận dỗi” của ông Geithner khi mà Mỹ và EU không thống nhất được cách thức thúc đẩy phục hồi kinh tế thế giới. Theo cách nói của ông Geithner thì châu Âu phải tự lo cho mình, thúc đẩy chi tiêu nội địa để phát triển sản xuất chứ không nên dựa vào thị trường của Mỹ.

Bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh G20: Tiến bộ đã đạt được, thách thức vẫn còn đó

Lãnh đạo G20 đã chấp nhận kế hoạch yêu cầu các nước giàu nhất trên thế giới cắt giảm thâm hụt đi một nửa trong vòng ba năm, và giảm bớt tỉ lệ nợ so với GDP, chậm nhất là năm 2016. Tổng thống Mỹ gọi đây là những tiến bộ quan trọng của G20.

Bầu cử dân chủ đầu tiên của Guinea từ khi độc lập

Theo AFP, khoảng 4,2 triệu cử tri Guinea ngày 27-6 đã đồng loạt đi bỏ phiếu tại 8.261 điểm bỏ phiếu ở 38 tiểu vùng trong cuộc bầu cử tổng thống nước này. Đây được xem là cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên để chấm dứt chế độ độc tài kéo dài nửa thể kỷ qua ở Guinea kể từ khi nước này giành được độc lập năm 1958.

Tình hình Trung Á ảnh hưởng tới ổn định toàn cầu

Sự ổn định trên quy mô toàn cầu phụ thuộc vào tình hình tại khu vực Trung Á và biển Caspi.

ALBA tăng cường trao đổi thương mại nội khối

Hội nghị cấp cao Liên minh Bô-li-va dành cho châu Mỹ (ALBA) lần thứ 10 đã bế mạc tại TP Ô-ta-va-lô của Ê-cu-a-đo. Hội nghị ra tuyên bố chung cam kết tăng cường trao đổi thương mại nội khối và đề cao vai trò của người thổ dân da đỏ và người gốc Phi trong xã hội.

Iran: Gươm đã tuốt khỏi vỏ?

Trong một động thái hiếm hoi, Iran vừa ban bố tình trạng chiến tranh trên biên giới Tây Bắc của nước này. Theo mạng tin tình báo Debka của Israel ngày 23-6, các binh sĩ lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) và trang thiết bị đang được tập trung ở khu vực Biển Caspian để chống lại việc lực lượng Mỹ và Israel tập trung tại các căn cứ lục quân và không quân ở Azerbaijan sẵn sàng tấn công các cơ sở hạt nhân Iran.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục