Ngày 5-12, Ủy ban Bầu cử trung ương (SIK) Nga đã công bố kết quả sơ bộ bầu cử Duma quốc gia (Hạ viện) Nga khóa VI sau khi kiểm gần 99% số phiếu. Theo đó, đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất (UR) đã giành thắng lợi với 49,54% số phiếu ủng hộ, đạt đa số ghế (238/450). Đứng thứ hai là Đảng Cộng sản LB Nga (KPRF) với 19,16% số phiếu. Đảng Nước Nga Công bằng (SR) nhận được 13,22% và Đảng Dân chủ Tự do (LDPR) giành được 11,66% số phiếu.
Như vậy, so với cuộc bầu cử Duma quốc gia năm 2007, số cử tri ủng hộ UR đã sụt giảm gần 14% và không vượt qua được mốc quá bán. Trong khi đó, 3 chính đảng còn lại đều giành được nhiều phiếu ủng hộ hơn. Điều này cho thấy, dù chưa có đảng phái nào ở xứ Bạch dương có đủ khả năng "qua mặt" được UR, song không thể phủ nhận, những năm gần đây, đảng cầm quyền nước Nga đang phải đối mặt với cuộc cạnh tranh ngày một gia tăng từ phe đối lập.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, sự sụt giảm tỷ lệ ủng hộ của UR là do bộ máy lãnh đạo của nước Nga chưa đạt hiệu quả trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng và tình trạng phân hóa giàu - nghèo tiếp tục trầm trọng. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân chính dẫn đến việc giảm điểm của UR. Trên thực tế, trong những năm gần đây sự cạnh tranh ngày càng gay gắt nhằm thu hút sự ủng hộ của các cử tri đã tạo động lực thôi thúc các đảng phái chính trị ở Nga không ngừng hoàn thiện cương lĩnh hoạt động để đáp ứng trông đợi ngày càng cao của người dân. Sự nỗ lực của những chính đảng luôn có ý thức tự hoàn thiện khiến tín nhiệm của cử tri dành cho họ không ngừng gia tăng. Vì vậy, việc lá phiếu ủng hộ bị phân tán là điều dễ hiểu.
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, nhất là cuộc khủng hoảng nợ ngày càng nghiêm trọng ở châu Âu, uy tín của hầu hết các đảng phái và liên minh cầm quyền tại Cựu lục địa đều bị suy giảm mạnh dẫn đến sự ra đi của một loạt lãnh đạo, từ Ireland, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia, thì đảng cầm quyền nước Nga tiếp tục giành thắng lợi cách biệt trong cuộc bầu cử lần này là một sự kiện cho thấy, uy tín của Tổng thống Nga Dmitri Medvedev và Thủ tướng Vladimir Putin vẫn được duy trì ở mức cao chứ không thể là cú "sốc" cho UR.
Không ai có thể phủ nhận, trong suốt gần một thập kỷ qua UR cùng cặp lãnh đạo Medvedev - Putin đã "chung lưng đấu cật" vực dậy nước Nga vĩ đại. Từ chỗ suy yếu nghiêm trọng vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đến nay nước Nga đã sở hữu một nền kinh tế tăng trưởng ổn định, bất chấp việc vừa trải qua cuộc suy thoái, sự phục hồi mong manh của kinh tế thế giới và căn bệnh nợ công lan rộng tại châu Âu. Theo dự báo của Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga sẽ tăng 4% trong năm nay và 4,2% trong năm 2012. Nga cũng vừa hoàn tất tiến trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) kéo dài suốt 18 năm qua. Đây được coi là một bước tiến lớn trong nỗ lực gia nhập "sân chơi" thương mại lớn nhất thế giới của Nga. Theo giới phân tích, việc Nga gia nhập tổ chức thương mại WTO có thể giúp tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Nga tăng 11% trong dài hạn; đồng thời đưa Mátxcơva hội nhập sâu vào hệ thống thương mại toàn cầu với hoạt động kinh doanh hiệu quả và môi trường đầu tư được cải thiện hơn.
Thủ tướng V.Putin với 8 năm tham gia cầm quyền trên cương vị Tổng thống (2000-2008) và hiện là đương kim Thủ tướng cũng là thời gian vị thế của nước Nga trên trường quốc tế được củng cố và nâng cao. Giới nghiên cứu chính trị quốc tế khá thống nhất quan điểm rằng, nhà lãnh đạo này đã trở thành một kiểu mẫu thủ lĩnh chính trị mới, mạnh mẽ, có sức thu hút người dân. Vì vậy, kết quả tổng tuyển cử lần này không ảnh hưởng nhiều đến cuộc bầu cử tổng thống mới vào đầu tháng 3-2012. Khả năng đắc cử ngay trong vòng một của ứng cử viên V.Putin là thực tế, nhất là trong bối cảnh chính trường Nga hiện không có chính khách nào được cho là một đối trọng xứng tầm với nhà lãnh đạo đương nhiệm này.
Nước Anh đã tính đến những tình huống xấu nhất có thể xảy ra với khu vực đồng euro. Bộ Ngoại giao Anh yêu cầu các đại sứ quán Anh ở châu Âu chuẩn bị kế hoạch đối phó và sơ tán công dân nếu khu vực đồng tiền chung euro bị tiêu tan.
Các nguồn tin Libya ngày 30/11 cho biết gần đây đã có 600 chiến binh nổi dậy ở Libya tới Syria để hỗ trợ cho phe đối lập nước này.
Cách đây 30 năm, ca nhiễm HIV/AIDS đầu tiên trên thế giới được phát hiện. Kể từ đó tới nay, mặc dù chưa có thuốc phòng ngừa và điều trị hữu hiệu, song cuộc chiến chống căn bệnh thế kỷ này đã có bước tiến dài và giờ đây, chuyện nhiễm HIV/AIDS không còn bị xem là án tử nữa.
Một quan chức cho biết cựu Tổng thống bị lật đổ của Cote d'Ivoire Laurent Gbagbo ngày 29/11 đã được đưa từ Cote d'Ivoire tới La Hay, nơi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đang điều tra các cáo buộc về những tội ác mà ông này phạm phải trong giai đoạn bạo lực hậu bầu cử tại quốc gia Tây Phi này.
Ba giáo viên nhiễm HIV tại Trung Quốc đã làm đơn kêu cứu lên Thủ tướng Ôn Gia Bảo, đề nghị chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử sau khi bị các cơ quan tuyển dụng từ chối nhận vào làm.
Liên minh châu Âu (EU) ngày 28/11 đã nhất trí áp đặt thêm những biện pháp trừng phạt tài chính mới đối với Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad với lý do chính phủ nước này vẫn chưa chấm dứt việc trấn áp người biểu tình.