Tối 9-8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (AMM-47) tại Nay Pyi Taw, Myanmar đã ra thông cáo chung thể hiện quyết tâm thực hiện hóa cộng đồng ASEAN, xây dựng tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015, duy trì và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, và nhiều vấn đề tổng thể khác của ASEAN, trong đó các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã dành một phần gồm bảy điểm tập trung về vấn đề biển Đông.
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN “tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông và khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh biển cũng như tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông”.
Trong thông cáo chung, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã khẳng định lại các cam kết đối với những nguyên tắc nêu trong Tuyên bố Nguyên tắc sáu điểm về biển Đông năm 2012 của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Tuyên bố chung năm 2012 của Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 15 về Kỷ niệm 10 năm Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và Tuyên bố ngày 10-5-2014 của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về những diễn biến gần đây trên biển Đông.
Thông cáo nêu rõ: “Chúng tôi thúc giục các bên liên quan thực hiện kiềm chế và tránh các hành động gây phức tạp tình hình và làm phương hại đến hòa bình, ổn định và an ninh ở biển Đông; giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, bao gồm đối thoại thân thiện, tham vấn và thương lượng, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982”.
Đặc biêt, trong thông cáo lần này, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã đề cập tình hình biển Đông thực chất hơn khi nhấn mạnh tầm quan trọng hai điều 4 và 5 trong DOC nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải ở biển Đông.
“Chúng tôi nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng về cam kết chung của các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đối với hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải, tin cậy lẫn nhau trong khu vực, và sự cần thiết tạo lập các điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp. Chúng tôi nhất trí tăng cường tham vấn với Trung Quốc về các biện pháp và cơ chế nhằm bảo đảm và tăng cường hơn nữa việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC một cách tổng thể, nhất là Điều 4 và Điều 5, cũng như đàm phán thực chất để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”, thông cáo viết.
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng sớm đạt được COC. Cụ thể, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN “ghi nhận Báo cáo tiến độ về thực hiện Tuyên bố DOC trình Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc và giao các quan chức làm việc với phía Trung Quốc hoàn tất về các mục tiêu và cấu trúc cũng như cụ thể hóa các thành phần của COC, bao gồm các thành tố cụ thể nhằm thúc đẩy tin cậy và lòng tin, ngăn chặn sự cố, quản lý sự cố khi xảy ra. Chúng tôi cũng giao các quan chức xây dựng các biện pháp “thu hoạch sớm” liên quan.
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN yêu cầu “duy trì đà tham vấn và khẩn trương làm việc nhằm sớm đạt được COC, tiếp theo những kết quả mang tính xây dựng của Hội nghị Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN-Trung Quốc lần thứ 7 về thực hiện DOC ngày 21-4-2014 tại Pattaya, Thái-lan, và cuộc họp Nhóm công tác chung ASEAN-Trung Quốc lần thứ 10 và 11 về thực hiện DOC ngày 18-3-2014 tại Singapore và ngày 25-6-2014 tại Bali, Indonesia. Theo đó, chúng tôi trông đợi nhiều thảo luận thực chất hơn nữa tại Hội nghị SOM về DOC lần thứ 8 và cuộc họp Nhóm công tác chung về DOC thứ 12 cùng được tổ chức vào tháng 10-2014 tại Bangkok, Thái-lan”.
Ngoại ra, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN “ghi nhận tài liệu về Kế hoạch hành động ba bước (TAP) do Philippines giới thiệu và các đề xuất khác liên quan Điều 5 được các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN khác đưa ra về vấn đề biển Đông”.
Cùng với việc bày tỏ quan điểm về vấn đề biển Đông, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng bày tỏ quan điểm về một số vấn đề quốc tế và khu vực khác như tình hình trên bán đảo Triều Tiên, tình hình Ucraina, tái khẳng định tuyên bố chung hôm 19-7 của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về việc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia bị rơi, tình hình dải Gaza, Syria, Iraq, G20, APEC và WTO.
Theo Báo ND
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Mỹ ngày 28-7 cùng gây sức ép lên Israel và Hamas khi ra tuyên bố kêu gọi ngừng bắn ở dải Gaza. Tuy nhiên, súng vẫn tiếp tục nổ.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius ngày 28/7 cho biết các phi công trên chuyến bay AH5017 của hãng hàng không Air Algerie, vốn bị rơi ở miền bắc Mali cùng 118 người trên khoang, đã đề nghị được quay trở lại sau khi gặp phải thời tiết xấu.
Ít nhất một người chết và 83 người khác bị thương khi hai tàu khách đâm nhau trực diện tại khu vực phía đông Hàn Quốc chiều ngày 22-7.
Phóng viên hình của hãng tin Reuters tại hiện trường MH17 cho biết, lực lượng cứu hộ vừa tìm thấy chiếc hộp đen thứ hai của chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia bị rơi và bốc cháy tại khu vực miền đông Ucraina.
Người thân của các hành khách trên chuyến bay MH17 trong tâm trạng rối bời đã đổ dồn về hai sân bay tại Amsterdam (Hà Lan) và Kuala Lumpur (Malaysia), sau khi hay tin chiếc máy bay xấu số của hãng hàng không Malaysia bị rơi ở miền đông Ucraina ngày 17-7.
Các nhà lãnh đạo thế giới đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến các nạn nhân trên chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị rơi tại miền đông Ucraina ngày 17-7, đồng thời kêu gọi một cuộc điều tra độc lập, minh bạch về tai nạn này.