Được thành lập với Ban Chủ nhiệm (BCN) gồm 5 ngườu do đồng chí Nguyễn Thị Thương, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ xóm Vành làm Chủ nhiệm và 63 thành viên ban đầu, nay đã tăng lên 73 thành viên. Đây là mô hình điểm của huyện với 5 tiêu chí gồm: không có người vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội; không có bạo lực gia đình; không đói nghèo, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; không vi phạm chính sách dân số. Với những tiêu chí đó, mô hình nhằm tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; phòng, chống tệ nạn xã hội, nêu cao vai trò phụ nữ trong xây dựng gia đình bền vững, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền TS-VM.
Thực hiện mô hình điểm "Cụm dân cư tự quản 5 không”, người dân xóm Vành, xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) tích cực tham gia làm sạch đường làng, ngõ xóm, không để xảy ra tệ nạn xã hội, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao cả về vật chất và tinh thần.
Là mô hình đầu tiên, BCN đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện với nhiều giải pháp phù hợp. Đồng chí Nguyễn Thị Thương, Chủ nhiệm mô hình cho biết: "BCN tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên đăng ký và thực hiện các tiêu chí. Phối hợp đồng bộ với các ngành, đoàn thể, lồng ghép các đề án, dự án, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới… và tổ chức các hoạt động hỗ trợ thành viên thực hiện. Phát huy nội lực sẵn có và cộng đồng xã hội tham gia xây dựng mô hình theo hướng bền vững. Chú trọng thực hiện kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện và nhân rộng”.
áp dụng những giải pháp đó, mô hình đã phát huy hiệu quả trong nhiều hoạt động, phần việc cụ thể dựa trên quy chế hoạt động đã xây dựng. Nhiều năm liền, xóm Vành luôn đi đầu trong công tác đảm bảo ANTT của xã. Trên địa bàn không có người vi phạm pháp luật và không xảy ra bạo lực gia đình. 9 năm liền, xóm không có trường hợp sinh con thứ 3. Về tiêu chí không đói nghèo, xóm hiện chỉ còn 3/73 hộ thuộc diện hộ nghèo (chiếm 4%). Dự kiến thời gian tới, BCN sẽ góp vốn xoay vòng để xóa hộ nghèo. Xã Mông Hóa đã hình thành khu công nghiệp nên người dân được tạo điều kiện làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn, tạo nguồn thu ổn định. Kết hợp chuyển đổi cây trồng phù hợp với 11 ha cây có múi giúp nâng thu nhập bình quân đầu người của xóm lên 29 triệu đồng/năm. Xóm không có trẻ suy dinh dưỡng, tỷ lệ phổ cập giáo dục đạt 100%.
Với mô hình này, vấn đề môi trường của xóm được cải thiện đáng kể. Các thành viên được chia làm 4 tổ, lấy nòng cốt là hội viên Chi hội phụ nữ xóm. Định kỳ vào ngày 19 hàng tháng, thành viên các tổ tham gia quét dọn đường làng, ngõ xóm và chấm điểm thi đua, hàng năm đưa vào bình xét gia đình văn hóa. Mỗi hội viên phụ nữ lồng ghép thực hiện 3 sạch gồm "sạch ngõ, sạch nhà, sạch bếp”. Do đường giao thông nhỏ hẹp nên xe rác chưa về đến xóm, mỗi gia đình đều đào hố, đốt rác tại chỗ và mang những loại rác khó phân hủy đến điểm tập kết để xe rác thu gom, xử lý. Đặc biệt, các hộ chăn nuôi gia súc được nhắc nhở khi chăn dắt phải đảm bảo vệ sinh chung, nếu vi phạm sẽ bị phạt 100.000 đồng/lần và sung quỹ hoạt động. "Từ khi có quy định này, những con đường bê tông của xóm sạch sẽ hơn nên bà con phấn khởi và chấp hành nghiêm chỉnh”, đồng chí Chủ nhiệm mô hình chia sẻ.
Việc thực hiện mô hình "Cụm dân cư tự quản 5 không” còn nhiều khó khăn, bởi chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ. BCN đã vận động mỗi thành viên đóng 150.000 đồng/ năm, chia làm 2 lần để duy trì các hoạt động. Ngoài ra, các thành viên đa số đi làm theo ca (ca đêm và ca ngày) tại các nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất nên khó tập trung họp đầy đủ. Vì vậy, Ban khắc phục khó khăn bằng cách họp lồng ghép trong cuộc họp xóm để phổ biến hoạt động và phân công công việc. Nhờ đó, mỗi thành viên vừa có thể tham gia hoạt động, vừa có thời gian làm kinh tế.
Thanh Sơn