Theo Đài khí tượng thủy văn Hòa Bình, ngày 1/7, nắng nóng xảy ra trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất 38 - 38,80C, trong đó TP Hòa Bình và thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy) xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ lên đến 39,2 - 39,4 0C. Ngày 2/7, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 38 - 40 độC, có nơi trên 40 độ C. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 11 - 16h.Cảnh báo nắng nóng gay gắt diện rộng ở tỉnh ta dự báo kéo dài đến ngày 6/7, nhiệt độ cao phổ biến 37 - 40 độ C, có nơi trên 40 độ C. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng là cấp 1. Sau ngày 6/7 có mưa nhưng nhiệt độ vẫn ở mức 34 - 35 độ C. Song, đó là nhiệt độ đo trong lều khí tượng, còn nhiệt độ ở ngoài trời, trên đường cao hơn. Trong mùa hè, dự báo tỉnh ta sẽ có những đợt nắng nóng cao điểm.
Theo phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh: Nắng nóng kéo dài nguy cơ cháy, nổ luôn rình rập. Đây là thời điểm các gia đình, cơ quan, doanh nghiệp, chợ, trung tâm thương mại... sử dụng điện nhiều. Các thiết bị làm mát như quạt, điều hòa nhiệt độ... sử dụng hết công suất có thể dẫn đến nguy cơ quá tải, gây chập, cháy. Thời tiết nắng như rang khiến cho cây cỏ, lớp thực bì khô héo cũng tiềm ẩn xảy ra các vụ cháy rừng. Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ cháy, thiệt hại gần 200 triệu đồng và 3,8 ha rừng. Năm 2017 cũng đã xảy ra 32 vụ cháy, làm 1 người chết, 1 người bị thương, thiệt hại về tài sản 695,49 triệu đồng và 2 ha rừng phòng hộ. Phân tích nguyên nhân các vụ cháy cho thấy khoảng 70% số vụ xảy ra do sự cố hệ thống, thiết bị điện, ngoài ra chủ yếu do sơ xuất, bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt của con người.
Cán bộ phòng kiểm tra hệ thống điện tại Tòa nhà ở xã hội Dạ Hợp, tổ 5, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình).
Trong khi đó, những sơ hở, thiếu sót trong công tác PCCC vẫn hiện hữu. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân chưa quan tâm đúng mức đến công tác này, coi đó là việc của của lực lượng Cảnh sát PCCC; chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC. Các thiết bị tiêu thụ điện tại không ít cơ quan, đơn vị nhiều hơn so với thiết kế ban đầu, đường dây dẫn điện chưa được đầu tư cải tạo. Tâm lý thoải mái sử dụng điện công, không tắt các thiết bị tiêu thụ điện khi ra khỏi phòng, khỏi nhà vẫn còn. Quy hoạch một số khu dân cư, chợ... chưa bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC. Việc xử lý thực bì, vệ sinh rừng không đúng quy định hay đơn giản là đốt lửa hun khói để lấy tổ ong... cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng. Trong 263.463,14 ha rừng trong toàn tỉnh có gần 50% diện tích nguy cơ cháy cao.
Với trách nhiệm được giao, từ đầu mùa nắng nóng, phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ đã rà soát, lập danh sách các cơ sở, địa bàn trọng điểm có nhiều nguy cơ về cháy, nổ, cháy rừng để triển khai các biện pháp phòng ngừa.Tăng cường công tác kiểm tra, tập trung vào các chuyên đề như cơ sở kinh doanh karaoke, nhà cao tầng, xăng dầu, gas, khí đốt hóa lỏng... Bảo quản, bảo dưỡng các phương tiện hiện có, thường trực sẵn sàng chiến đấu để đảm bảo chữa cháy kịp thời, có hiệu quả. Từ tháng 4 đến nay, phòng đã tổ chức thực tập 7 phương án chữa cháy tại các cơ sở có nhiều nguy hiểm về cháy, nổ; lập mới 3 phương án chữa cháy nhà cao tầng và 1 cơ sở kinh doanh xăng dầu.
Theo trung tá Bùi Vĩnh Lộc, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ: Khi không khí khô nóng chỉ cần một sơ xuất nhỏ cũng có thể dẫn đến đám cháy lớn. Để hạn chế thấp nhất số vụ, thiệt hại do cháy gây ra, ngoài sự vào cuộc của lực lượng chức năng, mỗi địa phương, đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp và từng hộ dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa. Các biện pháp cụ thể như tăng cường tự kiểm tra trong phạm vi mình quản lý nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các nguy cơ. Quản lý tốt nguồn lửa, nguồn nhiệt; không sử dụng nhiều thiết bị điện cùng một lúc; lắp các thiết bị bảo vệ cho hệ thống điện; tắt thiết bị tiêu thụ điện khi ra khỏi nhà, khỏi phòng làm việc. Cẩn trọng trong mỗi hoạt động thường ngày như đốt rác, đốt nương, thắp hương, đốt vàng mã... Rà soát, bổ sung các phương án, lực lượng, phương tiện chữa cháy tại chỗ cho phù hợp. Mỗi gia đình nên tự trang bị 1 - 2 bình chữa cháy xách tay để có thể dập tắt đám cháy ngay từ khi mới phát sinh.Khi xảy ra cháy, lập tức gọi điện cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp theo số 114.