(HBĐT) - Cùng đồng chí cán bộ Phòng GD&ĐT huyện Đà Bắc, chúng tôi có chuyến công tác lên các trường vùng cao, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện trong những ngày cuối năm để kiểm tra việc sơ kết học kỳ I, chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết Âm lịch. Ở huyện vùng cao này, mùa xuân dường như đã đến sớm... 


Niềm vui của các em học sinh bản Mông trong ngôi trường TH&THCS Hang Kia B mới được khánh thành. 


Học sinh xã vùng đặc biệt khó khăn Ngọc Sơn (Lạc Sơn) có những ngày đông ấm áp trong ngôi trường được xây dựng đạt chuẩn quốc gia.

Hiện nay, toàn huyện Đà Bắc có 49 trường, trong đó có 18 trường đã được xây dựng đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, huyện chủ trương đầu tư mạnh cho các trường vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn để xây dựng, sửa chữa, hoàn thiện về cơ sở vật chất. Nhờ vậy mà đến nay, đã có một số trường vùng đặc biệt khó khăn như: Mầm non Yên Hòa, Tiểu học Đồng Chum, Tiểu học Tân Minh, Tiểu học Mường Chiềng, THCS Mường Chiềng, THCS Tân Pheo… đã được xây dựng đạt chuẩn quốc gia.

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đà Bắc Quản Văn Giang chia sẻ: Chúng tôi đang tiếp tục đầu tư, hoàn thiện về cơ sở vật chất cho một số nhà trường như: trường TH&THCS Giáp Đắt, Tiểu học Tiền Phong… Trước đây, ở các xã vùng khó khăn, tỷ lệ học sinh bỏ học khá cao, nhưng nay, khi cơ sở vật chất các trường học được xây dựng, nhất là việc huyện đã thành lập được 5 trường Bán trú thì tỷ lệ học sinh bỏ học giảm hẳn. Chất lượng giáo dục vùng khó khăn cũng có nhiều khởi sắc. Cụ thể như năm 2017, toàn huyện mới chỉ có 16 học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9, thì năm 2019 con số này đã tăng lên là 42 em. Đáng phấn khởi hơn cả là trước đây, học sinh giỏi chủ yếu tập trung ở vùng thuận lợi thì nay đã rải khắp huyện; các trường như TH&THCS Mường Tuổng, TH&THCS Yên Hòa, PT DTBT THCS Đồng Chum… cũng đã có học sinh giỏi cấp tỉnh. Học sinh trường PT DTBT THCS Đồng Chum còn đạt giải trong Cuộc thi sáng tạo KHKT cấp tỉnh. Phong trào văn hóa, văn nghệ, TD-TT tại các trường vùng khó khăn cũng có nhiều khởi sắc, đóng góp học sinh cho đội tuyển của huyện đi tham dự các liên hoan, Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh. Sự chênh lệch về chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn so với vùng thuận lợi đã giảm dần.

Tạm biệt Đà Bắc, chúng tôi tiếp tục lên đường đến thăm các trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Mai Châu. Nói về sự khởi sắc trong lĩnh vực giáo dục ở mảnh đất vùng cao này những năm gần đây, không thể không nhắc đến ngôi trường mới, trang sử mới trong lĩnh vực giáo dục tại mảnh đất của đồng bào dân tộc Mông – Hang Kia. Chỉ riêng trong giai đoạn 2017 – 2019, trường Mầm non Hang Kia được đầu tư 2,4 tỷ đồng để xây dựng 3 phòng học; trường TH&THCS Hang Kia B được đầu tư 18 tỷ đồng xây trường mới; trường PTCS Hang Kia A được đầu tư gần 3,5 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp. Như vậy, một xã vùng cao mà được đầu tư tới gần 24 tỷ đồng cho sự nghiệp giáo dục. Điều này đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cụ thể hóa thành việc làm thiết thực dành cho sự nghiệp giáo dục của các xã vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Mai Châu nói riêng, tỉnh ta nói chung. Từ sự đầu tư này, chất lượng giáo dục vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn ngày càng khởi sắc. Ở Hang Kia hôm nay, không chỉ trẻ em tích cực đến trường, không bỏ học mà cả các bà, các mẹ cũng đã tích cực, háo hức đến trường để học cái chữ. Giặc "dốt” dần bị đẩy lùi, cái "nghèo” cũng sẽ dần biến mất, tươi lai tươi sáng với những mùa xuân mới đầy hy vọng đang mở ra trên mảnh đất đá tai mèo này!

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mai Châu Vũ Đức Hạnh cho biết: Những năm gần đây, bên cạnh việc đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất cho các trường vùng thuận lợi, Phòng đã tham mưu để các cấp chính quyền và ngành Giáo dục có sự quan tâm, đầu tư cho các trường vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2016 – 2020, các trường học trên địa bàn huyện Mai Châu đã được đầu tư gần 81 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa, hoàn thiện cơ sở vật chất. Trong đó, đã ưu tiên tập trung kinh phí đầu tư cho các trường vùng khó khăn tại các xã Hang Kia, Tân Mai, Tân Dân, Noong Luông, Ba Khan… Góp phần cải thiện điều kiện dạy và học các trường vùng khó khăn, thuận lợi cho hoạt động chuyên môn của các nhà trường. Và nhất là tăng tỷ lệ học sinh chuyên cần, nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua xây dựng xã hội học tập.

Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS ngay tại địa phương vùng đặc biệt khó khăn, thời gian qua, tỉnh ta đã có sự đầu tư mạnh mẽ theo hướng trọng tâm, trọng điểm cho các trường PT DTNT. Qua đó, giúp học sinh vùng khó khăn, học sinh người dân tộc thiểu số được ăn ở, chăm sóc, học tập tại các trường PT DTNT. Chủ trương này cũng nhằm hoàn thành mục tiêu Kế hoạch số 1399/QĐ-UBND ngày 5/8/2015 của UBND tỉnh đến năm 2020 có 10% số học sinh người dân tộc trên địa bàn tỉnh ta được học trong trường phổ thông DTNT.

 Để thực hiện mục tiêu trên, trong những năm qua, ngành GD&ĐT đã tham mưu giúp UBND tỉnh quyết định thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hệ thống các trường PTDTNT, trường PTDTBT trên khắp địa bàn tỉnh. Sau khi thành lập các trường PTDTNT, trường PTDTBT đã góp phần quan trọng vào việc phát triển sự nghiệp giáo dục vùng đồng bào dân tộc, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Được quan tâm nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục với các điều kiện tốt nhất; phát huy hiệu quả đã đạt được trong những năm qua, quy mô học sinh cho các trường DTNT, trường PTDTBT tăng dần. Cụ thể, năm học 2019 – 2020, toàn tỉnh có 13 trường PTDTNT, 12 trường PTDTBT (giảm 1 trường so với năm học 2018 – 2019 do địa bàn xã không thuộc vùng khó khăn theo quy định mới), với quy mô học sinh dân tộc được học trong các trường DTNT và trường DTBT toàn tỉnh là 6.832 học sinh, đạt tỷ lệ 5,57% tổng số học sinh là người dân tộc thiểu số toàn tỉnh.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bùi Thị Kim Tuyến cho biết: Hệ thống trường PTDTNT và trường PTDTBT phát triển đã tạo cơ hội học tập cho con em đồng bào dân tộc được học trong môi trường giáo dục an toàn. Giảm thiểu tỷ lệ học sinh bỏ học, thực hiện triệt để các chính sách của Đảng, Nhà nước về các chế độ, chính sách ưu đãi đối với học sinh diện chính sách xã hội, học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng KT-XH đặc biệt khó khăn, quan tâm tạo cơ hội cho học sinh khuyết tật. Một số trường DTNT đã được đầu tư và quy hoạch từ đầu theo hướng đạt chuẩn quốc gia như: Trường PT DTNT THCS Mường Chiềng; Trường PT DTNT THCS&THPT Lạc Thủy; Trường PT DTNT THCS&THPT Lương Sơn; Trường PT DTNT THCS&THPT Ngọc Sơn đang phát huy hiệu quả đầu tư, cơ sở vật chất đạt chuẩn; đảm bảo điều kiện giảng dạy, học tập và nuôi dưỡng học sinh.

Từ sự quan tâm, đầu tư cho giáo dục vùng khó khăn mà hiện nay, cơ sở vật chất ngành Giáo dục trên địa bàn tỉnh khá đồng đều, toàn tỉnh hiện có 84,6% phòng học kiên cố. Đặc biệt, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia chiếm 50%; số lượng trường chuẩn quốc gia thuộc các xã vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn ngày càng tăng; một số xã vùng khó khăn đã có trường chuẩn quốc gia mức độ II. Đây là tiền đề quan trọng để giáo dục vùng khó khăn bắt kịp với giáo dục vùng thuận lợi. Từ đó nâng cao dân trí, phát triển KT – XH, giữ vững AN – QP, cải thiện đời sống cho người dân vùng cao, sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.


 Dương Liễu

Các tin khác


Sắp công bố sách tiếng Anh có tác giả là người Việt Nam

TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, Vụ đang hoàn thiện quy trình công bố sách giáo khoa tiếng Anh theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây là sách giáo khoa tiếng Anh do tác giả là người Việt Nam biên soạn.

Tuyệt mật thông tin thí sinh thi THPT quốc gia năm 2020

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo lần 2 về Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT 2020. Điểm thay đổi đáng lưu ý là việc tăng giám sát ở khâu tổ chức thi và tuyệt mật về thông tin thí sinh.

Ban Khuyến học (Bộ CHQS tỉnh): Đơn vị tiêu biểu trong công tác khuyến học

(HBĐT) - Đại tá Quách Đăng Phú, Phó Chính ủy, Trưởng Ban Khuyến học (Bộ CHQS tỉnh) cho biết: Những năm qua, Ban Khuyến học luôn quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch công tác khuyến học hàng năm trong LLVT tỉnh. Ban Khuyến học cũng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh hoạt động công tác khuyến học, khuyến tài, phấn đấu bám sát các tiêu chí để xây dựng cơ quan thành đơn vị học tập.        

Cuộc thi Robotics dành cho học sinh THPT toàn quốc

Ngày 7/1, đã diễn ra Lễ Khai mạc Vietnam STEAM Challenge 2020. Đây là cuộc thi Robotics dành cho học sinh THPT trên toàn quốc, với tổng giải thưởng cực lớn, lên đến hơn 2 tỷ đồng.

Cô giáo trẻ người Dao với quyết tâm vượt khó

(HBĐT) - Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông đồng bào dân tộc Dao ở xã vùng cao huyện Đà Bắc, Bàn Thị Dung đã không ngừng nỗ lực để hoàn thành ước mơ trở thành cô giáo. Yêu trẻ, khát khao gắn bó với nghề, đã có thời gian Dung xin tình nguyện giảng dạy không nhận lương. Vượt qua khó khăn, cô giáo Bàn Thị Dung là tấm gương cho tinh thần vươn lên và cống hiến cho nghề giáo, được phụ huynh, đồng nghiệp trường mầm non Tu Lý A (Đà Bắc) tin yêu, quý mến.

Khuyến khích thí sinh ứng tuyển trước Kỳ thi THPT quốc gia

Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vừa công bố Đề án tuyển sinh đại học năm học 2020-2021.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục