Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp BCĐ quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19. |
Phó Thủ tướng khẳng định, ngay khi xuất hiện ca lây nhiễm cộng đồng tại Hà Nam, toàn bộ hệ thống, đặc biệt các lực lượng phòng chống dịch tại nhiều địa phương đã tập trung truy vết, cách ly, khoanh vùng, vì vậy, mặc dù tình hình còn rất phức tạp, những ngày tới có thể thêm một số chùm ca bệnh, nhưng cơ bản đến nay vẫn đang được kiểm soát.
Đợt dịch này có nhiều yếu tố phức tạp hơn, vì có dấu hiệu đã có mầm bệnh trong cộng đồng, trong khi tiếp tục đón người nhập cảnh và không ngoại trừ nhập cảnh trái phép từ các nước đang có dịch. Hơn nữa, đã xuất hiện biến chủng virus mới lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn và nặng hơn. Chúng ta cần phải quyết tâm cao hơn, đặc biệt không để dịch bệnh thẩm thấu từ người nhập cảnh trái phép, không để dịch bệnh tấn công chúng ta từ cả 2 mũi.
Tại cuộc họp ngày 27/4, BCĐ quốc gia đã yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng rà soát, sẵn sàng phương án, kịch bản đối phó trong trường hợp có 30.000 người nhiễm để chủ động chuẩn bị các điều kiện cách ly, xét nghiệm, điều trị, nhất thiết không để bị động và quan trọng phải chủ động phòng, chống dịch không để tình huống, kịch bản đó xảy ra.
Thực hiện chỉ đạo của BCĐ quốc gia, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng đã rà soát các trung tâm cách ly của quân đội, dân sự, rà soát toàn bộ quy trình cách ly, bàn giao người hoàn thành giữa trung tâm cách ly và địa phương nơi người hoàn thành cách ly lưu trú hoặc làm việc.
Qua kiểm tra, rà soát, cho thấy, các quy định, quy trình đã đầy đủ. Tuy nhiên, vừa qua, nhiều nơi chưa thực hiện nghiêm túc quy định, quy trình mà BCĐ quốc gia và Bộ Y tế đã hướng dẫn, dẫn đến đợt bùng phát này.
Trước thực tế đó, BCĐ quốc gia đã chỉ đạo từ 0h ngày 4/5 tạm thời chưa cho về địa phương những người đã hoàn thành cách ly tập trung; giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm rà soát lại toàn bộ hệ thống hướng dẫn, có văn bản chỉ đạo đến tất cả các địa phương và các trung tâm cách ly trong cả nước, để bảo đảm người hoàn thành cách ly tập trung phải được bàn giao giữa cơ sở cách ly tập trung với địa phương nơi người hoàn thành cách ly tập trung về lưu trú hoặc làm việc để quản lý, bảo đảm theo dõi y tế sau cách ly tập trung.
Tăng cường giám sát cộng đồng
Đối với người hoàn thành cách ly tập trung, khi về địa phương nơi cư trú phải được chính quyền địa phương, cơ sở (mà nòng cốt là lực lượng y tế, công an) ký cam kết bàn giao cho từng gia đình hoặc doanh nghiệp, kèm theo hướng dẫn, phổ biến cho người hoàn thành cách ly các nghĩa vụ, trách nhiệm họ phải thực hiện, tuân thủ trong thời gian theo dõi y tế. Tuyệt đối không để tình trạng người đang trong thời gian theo dõi y tế sau cách ly tụ tập đông người, làm lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng.
Đối với các doanh nghiệp, đơn vị tiếp nhận chuyên gia đến làm việc, phải ký cam kết hướng dẫn, phổ biến, quản lý chuyên gia của doanh nghiệp, đơn vị mình.
Các trung tâm cách ly tập trung, các địa phương, các cá nhân đã hoàn thành cách ly tập trung, các doanh nghiệp có chuyên gia đã hoàn thành cách ly tập trung, căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế để thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm túc. Các trường hợp vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Phó Thủ tướng yêu cầu ngoài báo cáo chính thức của cơ quan y tế, chính quyền các cấp, cần phải tăng cường giám sát cộng đồng. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ có công cụ cần thiết để tiếp thu ý kiến góp ý, giám sát của báo chí, các nhà khoa học, kịp thời cung cấp thông tin cho BCĐ, Thủ tướng Chính phủ, để có biện pháp chấn chỉnh những nơi, những khâu chưa tốt đồng thời kịp thời biểu dương những điển hình tốt.
Thiết lập cơ chế giám sát các đối tượng nhập cảnh đến hết cách ly
Phó Thủ tướng yêu cầu kiện toàn và tái kích hoạt tổ thông tin đáp ứng nhanh của BCĐ quốc gia, làm nhiệm vụ giúp BCĐ, Bộ Y tế phân tích thông tin, dữ liệu, ý kiến chuyên gia; thiết lập cơ chế giám sát các đối tượng nhập cảnh, đối tượng cách ly trong suốt quá trình từ khi nhập cảnh đến hết giai đoạn cách ly, theo dõi y tế sau cách ly, đồng thời xác minh những thông tin khó mà bằng phương pháp truy vết thông thường không giải quyết được.
Tổng hợp các nguồn thông tin ngoài y tế để giúp hệ thống y tế xây dựng các kịch bản ứng phó, nhất là trong các hoàn cảnh đặc biệt như các đợt nghỉ lễ, các sự kiện văn hóa xã hội đặc biệt; xây dựng bản đồ an toàn COVID-19, thường xuyên đánh giá xếp hạng và xác định những điểm nguy cơ nhằm mục đích đưa ra cảnh báo sớm và đáp ứng nhanh ở các cấp độ khác nhau, làm cơ sở để các địa phương biết, phát huy nếu đã làm tốt hoặc hoàn thiện nếu làm chưa tốt.