(HBĐT) - Mệt mỏi, thở gấp, ho nhiều, tức ngực..., đó là tình trạng thường gặp của nhiều bệnh nhân hậu Covid-19. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều người mắc phải các chứng rối loạn tâm thần hậu Covid. Theo các chuyên gia khuyến cáo, mặc dù không phải là hiện tượng phổ biến nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người bệnh.


Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Cao Phong khám, tư vấn điều trị hậu Covid-19 cho người bệnh.

Tổn thương phổi do hậu Covid-19

Chị Trần Thu Tr. (36 tuổi), phường Tân Hòa (TP Hòa Bình) mắc Covid-19 khỏi bệnh gần 1 tháng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chị liên tục khó thở, hụt hơi, đêm hay bị mất ngủ, mệt mỏi. Chị Tr. quyết định đi khám hậu Covid-19. Sau khi chụp Xquang, chị Tr. bàng hoàng khi bác sỹ cho biết chị có biểu hiện xơ, trắng phổi và rối loạn tâm thần hậu Covid-19. Cũng giống như chị Tr., anh Đinh Anh T. ở huyện Cao Phong rất chịu khó luyện tập thể thao, chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, sau khi mắc Covid-19, anh thường thấy khó thở và thở khò khè. Sau khi thăm khám, bác sỹ cho biết anh bị tổn thương phổi khá nặng, nguyên nhân vì trước đó anh có tiền sử hút thuốc lá, vì vậy ảnh hưởng của Covid-19 lên phổi càng nghiêm trọng hơn.

Trường hợp như chị Tr., anh T. hiện khá phổ biến và đang có xu hướng gia tăng tại nhiều địa bàn. Theo bác sỹ Chu Thị Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), hậu Covid-19, những biểu hiện thường gặp ở người bệnh như: Triệu chứng về hô hấp (khó thở, ho khan kéo dài, hụt hơi); tâm lý lo lắng, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi. Có người sốt nhẹ, đau cơ, rụng tóc, đánh trống ngực, rối loạn nội tiết, hạn chế các hoạt động thể lực. Cũng có trường hợp xuất hiện rối loạn tiêu hóa, ăn không ngon miệng, chán ăn, tiêu chảy, buồn nôn…

Đặc biệt, theo các chuyên gia y tế, hậu Covid-19 thường gây tổn thương phổi nghiêm trọng, nhất là đối với nhóm người có bệnh nền như tăng huyết áp, mạch vành, đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá, bệnh thận, hô hấp…; nhóm người từ 60 tuổi trở lên. Nhóm người này có thể có nhiều bệnh đồng mắc chưa khởi phát nhưng sau khi mắc Covid-19 có thể thúc đẩy tình trạng nặng hơn. Nhóm người phải nhập viện khi mắc Covid-19 bị suy hô hấp, phải can thiệp thở oxy, sốt cao phải nhập viện…

Rối loạn tâm thần hậu Covid-19

Cùng với việc bị tổn thương phổi nghiêm trọng, nhiều bệnh nhân mắc hậu Covid-19 thường đối mặt với những rối loạn tâm thần. Trong đó, phổ biến nhất là tình trạng mất ngủ, khó ngủ, đau đầu và hay quên. Chị Nguyễn Thị L. ở phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) mới trở về từ bệnh viện sau một thời gian điều trị hậu Covid-19 cho biết: Sau khi khỏi Covid-19, tôi thường xuyên trải qua những cơn đau đầu kinh khủng, buổi tối không ngủ được, tôi đã dùng một số loại thực phẩm chức năng nhằm bổ não, tăng cường lưu thông máu, tuy nhiên tình trạng đau đầu không suy giảm. Buổi tối, tôi thường xuyên không ngủ được và liên tục có cảm giác ong ong trong đầu. Sau khi đi khám, bác sỹ buộc tôi phải tạm thời nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng nhọc, tránh suy nghĩ nhiều và không nên ngồi quá lâu trước máy tính.

Cũng như chị L., nhiều người cho biết luôn cảm thấy mệt mỏi, sức khỏe suy giảm trí nhớ và khó tập trung sau giai đoạn bị ho, khó thở hậu Covid-19. Theo bác sỹ Thanh Liêm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh): Qua khám hậu Covid-19 tại bệnh viện trong thời gian vừa qua, bên cạnh các triệu chứng về đường hô hấp, ho nhiều, tổn thương phổi thì các biểu hiện về rối loạn thần kinh cũng khá nhiều, phổ biến nhất là tình trạng lo âu, trầm cảm, mất ngủ... Các rối loạn tâm thần này có nguyên nhân trực tiếp do nhiễm virus SARS-CoV-2 hoặc gián tiếp do tâm lý căng thẳng trong đại dịch. Như mệt mỏi kéo dài do không ngủ đủ hoặc ngủ không ngon giấc, hoặc hội chứng sương mù não, suy giảm nhận thức.

Vì vậy, theo các bác sỹ khám hậu Covid-19, tầm soát các vấn đề có thể ảnh hưởng sức khoẻ của bệnh nhân sau khi mắc là điều cần thiết. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai và đưa vào hoạt động Phòng khám, tư vấn điều trị hội chứng hậu Covid-19. Tại đây, bác sỹ phân loại khám theo biểu hiện từng người bệnh để có các chỉ định. Bên cạnh đó, bác sỹ cũng khuyến cáo khi người bệnh gặp vấn đề căng thẳng cần có phương pháp cân bằng cuộc sống. Như tăng cường khoảng thời gian giao tiếp với xã hội, ngủ đủ giấc, cải thiện chất lượng giấc ngủ, dần hình thành các bài tập thể dục, hoạt động thể thao giúp máu lưu thông, để giấc ngủ tốt hơn. Đồng thời đảm bảo chế độ ăn lành mạnh cung cấp cho cơ thể những chất dinh dưỡng cần thiết để trở lại sức khỏe tốt. Tránh sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu. Với những trường hợp nặng cần tư vấn trực tuyến hoặc trực tiếp của chuyên gia tâm thần để có được lời khuyên, liệu pháp tâm lý điều trị phù hợp.

Phương Linh


Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục