Trên phạm vi cả nước hiện đang trong giai đoạn mùa hè nắng nóng, mưa nhiều, đồng thời là cao điểm du lịch hè với nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao. Do đó, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm rất lớn, nhất là bệnh sởi và một số bệnh dự phòng.


Nhân viên trạm y tế xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng, Hà Nội) tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Ngày 9/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có Công điện số 840/CĐ-BYT gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè năm 2024, trong đó nêu: Thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, hiện nay một số dịch bệnh lưu hành trong nước như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi đang có xu hướng gia tăng, đồng thời cũng ghi nhận rải rác các trường hợp mắc một số bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng bằng vaccine.

Để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm mùa hè năm 2024, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chính quyền các cấp và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, nhất là các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trong giai đoạn mùa hè; chỉ đạo tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương, đơn vị về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. 

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị y tế trên địa bàn tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế; thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm, xác định tác nhân gây bệnh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Viện Pasteur chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và tổ chức các chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng bệnh. 

Các Sở Y tế thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch và khuyến khích việc tiêm vaccine phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai. 

Sở Y tế các địa phương đảm bảo tổ chức tốt thu dung, cách ly, điều trị tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng, tử vong; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân, các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh và cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về các biện pháp phòng lây nhiễm cho bệnh nhân và người chăm sóc bệnh nhân. 

UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín, uống sôi; phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng; tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, các hoại động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước với thông điệp "Mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng, bọ gậy” tại hộ gia đình; thực hiện thông thoáng nơi ở, nơi làm việc và khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.... Cùng với đó, xây dựng các sản phẩm, thông điệp truyền thông về các biện pháp phòng bệnh phù hợp với phong tục, tập quán, ngôn ngữ của từng địa phương và tổ chức bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo chí, truyền hình. 

Các Sở Y tế cần rà soát, đảm bảo sẵn sàng công tác hậu cần, thuốc, thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ; tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực trong giám sát, phát hiện, điều tra người mắc bệnh, tác nhân gây bệnh, các biện pháp xử lý ổ dịch, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực và chăm sóc người mắc bệnh. 

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông, báo chí, hệ thống truyền thông cơ sở và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và các khuyến cáo phòng bệnh cho người dân. 

UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với ngành Y tế hướng dẫn và tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ; thực hiện tốt truyền thông học đường về phòng, chống dịch và tiêm vaccine phòng bệnh và công tác y tế trường học để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. 

UBND các tỉnh tiếp tục chỉ đạo tăng cường phối hợp giữa ngành Y tế, ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương các cấp để triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dại và các bệnh lây truyền từ động vật sang người.


Theo TTXVN

Các tin khác


Tâm lý chủ quan gây ra những cái chết thương tâm vì bệnh dại

Mùa hè thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh nhất. Bệnh dại hoàn toàn có thể phòng tránh nhưng nhiều người chủ quan không đi tiêm phòng sau khi bị chó cắn dẫn đến tử vong. Trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay số người tử vong vì bệnh dại tăng mạnh.

Phẫu thuật mắt thành công cho người bệnh đến từ đất nước Lào 

Một bệnh nhân nam người Lào vừa được phẫu thuật mắt lấy lại ánh sáng thành công tại khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình. Theo người nhà bệnh nhân, đây là niềm mong đợi, niềm vui lớn đối với gia đình.

Bé 7 tuổi được phát hiện nhiễm sán dây chuột

Bác sĩ giải thích, có thể cháu bé đã nuốt phải trứng sán dây nhỏ có trong ngũ cốc đã nấu sẵn, các loại thực phẩm, nước uống...

Tiểu ban phòng, chống HIV/AIDS triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024

Tiểu ban phòng, chống HIV/AIDS vừa tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024.

Tập trung hoàn thành dự án đầu tư các trung tâm y tế tuyến huyện

Dự án đầu tư 3 trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện tại Lạc Sơn, Yên Thủy và TP Hòa Bình có vai trò quan trọng tăng cường năng lực cho các cơ sở y tế, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) ngày càng cao của người dân. Đây là dự án quan trọng sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phải hoàn thành trong năm 2024. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, chủ đầu tư đang phối hợp các đơn vị liên quan, chỉ đạo nhà thầu khẩn trương thi công, phấn đấu đưa dự án vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư.

Huyện Yên Thủy: Một người tử vong vì chó dại cắn

Theo thông tin từ xã Đoàn Kết (Yên Thủy), ngày 15/6, bà B. T. D, sinh năm 1952, trú tại xóm Đồng Lạc, xã Đoàn Kết đã tử vong vì vi rút dại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục