Ngày 26/7, tại tỉnh Hòa Bình, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức Hội nghị Tăng cường phòng chống bệnh dại khu vực miền Bắc. Tham dự có đại diện lãnh đạo các Vụ/Cục, Viện thuộc Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng 140 đại biểu của 28 tỉnh phía Bắc.
Quang cảnh hội nghị.
Tính đến ngày 21/7, cả nước ghi nhận 57 ca tử vong do dại tại 29/63 tỉnh, thành phố, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2023. Khu vực miền Bắc ghi nhận 18 ca tử vong tại 13 tỉnh, thành và gần 100.000 người phải điều trị dự phòng bệnh dại do bị chó, mèo cắn.
Cũng theo báo cáo của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, 100% số ca tử vong dại là do không đi tiêm vắc xin phòng dại. Trong đó, nguyên nhân chủ quan cho rằng chó nhà cắn, tại thời điểm cắn chó bình thường chiếm 43,8%; tỷ lệ dùng thuốc nam điều trị bệnh dại chiếm 16,4%; không hiểu biết về bệnh dại chiếm 11%; không có tiền để đi tiêm phòng chiếm 8,2%; trẻ nhỏ bị chó cắn không nói với gia đình chiếm 5,5% và không rõ nguyên nhân chiếm 13,7%.
Theo đại diện Sở Y tế tỉnh Hoà Bình, 6 tháng đầu năm, tỉnh ghi nhận 3 trường hợp tử vong do dại tại 2 huyện: Lạc Sơn (2 ca) và Yên Thuỷ (1 ca). Tất cả các trường hợp tử vong đều bị chó nghi dại cắn và không đến cơ sở y tế để khám, tư vấn, tiêm vắc xin phòng dại. Về tình hình tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên người, tại Hoà Bình có 34 điểm tiêm vắc xin dại (trong đó có 9 điểm tiêm công lập, 25 điểm tiêm tư nhân trên địa bàn các huyện, thành phố). Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã tiêm vắc xin phòng, chống dại cho 2.933 người, tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong thời gian tới, Hoà Bình tiếp nhận và triển khai tiêm miễn phí vắc xin phòng bệnh dại cho các đối tượng là người nghèo, trẻ dưới 6 tuổi là người dân tộc thiểu số từ nguồn hỗ trợ miễn phí 500 liều vắc xin phòng bệnh dại của Công ty Cổ phần y tế Đức Minh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về các biện pháp phối hợp để khống chế bệnh dại; tăng cường củng cố hệ thống tiêm phòng dại; đẩy mạnh công tác truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để không còn tình trạng chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận; vận động người dân tiêm phòng dại đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y… cung ứng vắc xin ở người và động vật; giải pháp truyền thông, tiêm phòng cho đàn chó, quản lý đàn chó để giảm số người bị cắn và giảm số ca tử vong trên người; ưu tiên các giải pháp trọng tâm để thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng được nghe các báo cáo tham luận của các đơn vị về công tác phòng chống bệnh dại trên người; công tác phân phối, cung ứng vắc xin dại cho người; phòng chống bệnh dại trên động vật…
Hồng Dung
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)