Mặc dù nhà trường, xã hội liên tục thông tin, tuyên truyền, cảnh báo về tác hại của thuốc lá (THCTL); đưa ra những quy định nghiêm ngặt về việc cấm sử dụng thuốc lá các dạng trong học sinh. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận học sinh, trong đó có cả học sinh nữ lén lút sử dụng thuốc lá hoặc thuốc lá điện tử (TLĐT) sau khi rời cổng trường...
Một nữ sinh mặc đồng phục trường THPT "vô tư” ngồi hút thuốc lá tại khu vực cổng Trường THCS Hữu Nghị, thành phố Hoà Bình (ảnh chụp hồi 11h10’ ngày 19/5/2025).
Không còn là cảnh báo
11h10’ một ngày trung tuần tháng 5/2025, một nhóm học sinh nam, nữ khoác trên mình bộ đồng phục của một trường trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn TP Hoà Bình ngồi túm tụm tại một quán bán đồ ăn vặt ở cổng Trường trung học cơ sở (THCS) Hữu Nghị. Không rõ có chuyện gì bực tức mà một nữ sinh vừa văng tục, vừa phì phèo điếu thuốc một cách thuần thục trước sự ái ngại của những phụ huynh đến đón con tan học. Theo một số người dân, quán bán hàng ăn vặt này là "điểm hẹn”, nơi tụ tập của nhiều nhóm học sinh THCS, THPT trên địa bàn. Không chỉ tụ tập khi tan trường mà nhiều học sinh, chủ yếu là học sinh THPT ở một số trường xung quanh khu vực thường xuyên có mặt tại đây cả vào thời điểm đang trong giờ học, các em tự do chửi bậy, thậm chí tự do hút thuốc lá, TLĐT.
Trong quá trình thực hiện chương trình tuyên truyền pháp luật về phòng, chống THCTL, TLĐT tại một số trường TH&THCS trên địa bàn huyện Yên Thủy, lực lượng chức năng ghi nhận, phát hiện nhiều học sinh đang và từng sử dụng thuốc lá hoặc TLĐT, trong đó có cả học sinh lớp 2. Từ thực tế đó, các cơ quan chức năng của huyện đã khảo sát thực trạng sử dụng thuốc lá, TLĐT trong học sinh tại 14 trường học trên địa bàn huyện. Qua khảo sát ghi nhận trên 300 thanh thiếu niên (TTN), học sinh từng sử dụng thuốc lá hoặc TLĐT, trường hợp nhỏ nhất chỉ mới 7 tuổi.
Hiện nay, chưa có thống kê số học sinh trên địa bàn tỉnh đã và đang sử dụng thuốc lá, TLĐT. Nhưng nhiều cơ sở giáo dục ghi nhận vụ việc học sinh sử dụng thuốc lá, TLĐT. Việc này thường diễn ra lén lút ở ngoài khuôn viên nhà trường. Do vậy, nhiều trường hợp sử dụng thuốc lá, TLĐT trong thời gian dài không bị phát hiện.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn của tỉnh, việc sử dụng thuốc lá, nhất là TLĐT đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, đặc biệt đối tượng học sinh. Còn theo đánh giá của cơ quan y tế, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới, tỷ lệ hút thuốc trong giới trẻ đang gia tăng, tuổi bắt đầu hút thuốc ngày càng trẻ hóa. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá, TLĐT trong học sinh từ 15 - 17 tuổi là 2,6%; học sinh từ 13 - 15 tuổi là 3,5%.
Đừng để mọi chuyện trở nên quá muộn
Một thực tế đáng buồn là nhiều trường hợp học sinh hút thuốc lá, TLĐT xuất phát từ việc thấy bố, mẹ hay người lớn trong gia đình hút thuốc đã tò mò hút thử. Từ việc hút thử trở thành thói quen lúc nào không hay. Như trường hợp của em Bùi T.T (sinh năm 2012) ở xã Lạc Lương (Yên Thủy), từ việc thấy bố sử dụng thuốc lá đã tò mò, lén lút dùng thử, đến nay Bùi T.T đã có thời gian dài sử dụng thuốc lá, TLĐT.
Ngoài ra, nhiều học sinh ban đầu do bạn bè rủ rê, bản tính tò mò, thích khám phá nên bị lôi kéo thử hút rồi dẫn đến việc sử dụng thường xuyên, thậm chí bị nghiện. Theo các chuyên gia y tế, nếu sử dụng thuốc lá, TLĐT trong thời gian dài, các em sẽ giảm sự chú ý, thay đổi tính cách và có nhiều hành động bất thường. Trong đó, ảnh hưởng nhiều nhất là suy giảm khả năng học tập, nhiều trường hợp bị ngộ độc.
Bên cạnh tác hại có thể nhìn thấy rõ nét còn có những hậu quả, tác động lớn đến xã hội. Một trong số đó là khi sử dụng thuốc lá, TLĐT, học sinh gồm cả nam và nữ thường tập trung thành một nhóm và cùng sử dụng. Từ việc hút thuốc chung dễ dẫn đến hình thành các hội nhóm kín trên mạng xã hội (MXH). Từ đây, nhiều vấn đề xã hội, mâu thuẫn nảy sinh tác động tiêu cực đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội. Minh chứng là nhiều trường hợp TTN, học sinh đã thành lập, tham gia các hội nhóm trên MXH nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Điển hình như vụ 14 TTN, học sinh trên địa bàn huyện Yên Thủy kết bạn trên các hội nhóm MXH có hành vi đi xe lạng lách, nẹt pô, nhặt vỏ chai ném vào người đi đường. Hay như ngày 22/4/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã xác minh, làm rõ một nhóm 29 đối tượng cư trú tại các xã, phường, thị trấn thuộc huyện Cao Phong và TP Hoà Bình (17 đối tượng từ đủ 16 - 20 tuổi, 12 đối tượng dưới 16 tuổi, có 17 đối tượng đã bỏ học, một số còn đi học nhưng đều là học sinh cá biệt) sử dụng xe mô tô không biển kiểm soát mang theo hung khí là dao, kiếm, súng bắn đạn bi sắt di chuyển với tốc độ nhanh, lạng lách, đánh võng trên nhiều tuyến đường của tỉnh, có hành vi chặn đánh người dân gặp trên đường...
Từ thực tế trên, để chủ động phòng ngừa, nâng cao nhận thức về THCTL, TLĐT trong cuộc sống cũng như trong môi trường học đường, mỗi gia đình cần phối hợp với nhà trường trong việc quản lý, giáo dục con em từ môi trường học đường đến môi trường xã hội; kịp thời phát hiện, giáo dục con em, không để bị bạn xấu rủ rê, lôi kéo sử dụng thuốc lá, TLĐT. Đồng thời, các cơ sở giáo dục đẩy mạnh hơn nữa việc trang bị cho học sinh kiến thức về THCTL, tuyên truyền, giáo dục thông qua các hoạt động ngoại khóa, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích thu hút học sinh tham gia, từ đó tránh xa thuốc lá và những thú vui không lành mạnh. Đặc biệt, cần xây dựng môi trường xã hội, môi trường học đường không khói thuốc với sự tham gia tích cực của học sinh...
Vũ Phong
Là tỉnh miền núi với đặc thù văn hóa cộng đồng chặt chẽ, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đang được triển khai sâu rộng, huy động sự tham gia của toàn xã hội. Không chỉ dừng lại ở việc ban hành các quy định hành chính, tỉnh đang từng bước xây dựng một phong trào rộng khắp, từ cơ quan, đơn vị đến từng khu dân cư, gia đình.
Mỗi mùa hè đến, nỗi lo về tai nạn đuối nước ở trẻ em lại thường trực. Nguyên nhân chính trẻ em bị đuối nước tử vong là do trẻ không biết bơi, thiếu kỹ năng và kiến thức an toàn trong môi trường nước. Vì vậy, dạy bơi cho trẻ em không chỉ là một hoạt động thể thao, mà còn là giải pháp hiệu quả để phòng tránh tai nạn đuối nước, giúp trẻ biết cách tự bảo vệ bản thân khi gặp tình huống nguy hiểm. Thời gian qua, nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh tích cực tổ chức các lớp dạy bơi nhằm trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ; đồng thời mang lại cho các em một mùa hè bổ ích, an toàn, lành mạnh.
Nghiên cứu mới ở Đức cho thấy mạng xã hội đang âm thầm bào mòn sức khỏe tinh thần người trẻ. 1/3 thanh thiếu niên có dấu hiệu nghiện, nhiều người thừa nhận cảm thấy kiệt sức và lo âu.
Được ví như "dâu trăm họ”, đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh ngày đêm âm thầm chăm sóc, động viên từng bệnh nhân vượt qua nỗi đau bệnh tật. Họ chính là "ngọn đèn nhỏ” sưởi ấm niềm tin, là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu trong hành trình hồi sinh của người bệnh.
Chiều 19/5, Bộ Y tế cho biết, hiện nay trên thế giới đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng tại một số quốc gia như Brazil, Anh, Thái Lan… Tại Việt Nam, từ đầu năm 2025 đến nay ghi nhận rải rác 148 trường hợp mắc COVID-19 tại 27 tỉnh, thành phố và không có ca tử vong.
Chiều 19/5, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh phối hợp Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh tỉnh tổ chức chương trình bàn giao tài trợ giải pháp thanh toán viện phí bằng tài khoản và thiết bị hiển thị QR.