Chăm sóc sức khoẻ không đúng cách trong những ngày trời trở lạnh không những làm giảm chất lượng sống mà còn tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, vi rút… xâm nhập cơ thể gây bệnh. Dưới đây là một số sai lầm phổ biến, được ghi nhận từ thực tế thăm khám bệnh.

 

Trời lạnh không nên uống nhiều nước?

 

Vào mùa lạnh cơ thể ít ra mồ hôi nên ta ít có cảm giác khát nước. Vì vậy dễ xảy ra tình trạng uống không đủ nước so với nhu cầu cơ thể. Thêm vào đó là tâm lý hạn chế uống nước để tránh đi tiểu nhiều lần, nhất là với những người già.

 

Thật ra, dù trời lạnh hay nóng thì cơ thể mỗi người vẫn cần uống nước đầy đủ để bảo đảm cơ thể hoàn thành tốt các chức năng sinh lý. Nếu nước không được cung cấp đủ sẽ dẫn đến một số rối loạn trong cơ thể, đặc biệt uống nước quá ít dễ có nguy cơ bị sỏi niệu, táo bón...

 

Hãy căn cứ vào màu của nước tiểu, nếu chúng có màu vàng là thiếu nước, cần bổ sung. Ngoài ra, cũng nên đa dạng hoá các loại nước uống như dùng nước đun sôi để nguội, nước trà, nước ép trái cây để tạo sự ngon miệng và duy trì đủ lượng nước cần thiết.

 

Hơ tay, chân lên quạt sưởi, bếp lửa… để ấm thân?

 

Cách này có thể giúp tay chân trở nên ấm hơn trong mùa lạnh. Tuy nhiên sự dễ chịu đó chỉ mang tính tạm thời khi còn ngồi cạnh bên quạt sưởi, bếp lửa… sau đó thì đâu lại vào đấy.

 

Tốt nhất không nên chọn cách làm ấm này vì có thể khiến da tay, da chân khô nẻ, tê cứng, kém linh hoạt… do hiện tượng tụ máu. Thay vào đó, có thể xoa xoa hai tay vào nhau cũng cho tác dụng dễ chịu tương tự.

 

Mặc đồ thoáng mát ra ngoài tập thể dục?

 

Nhiều người có quan niệm khi tập thể dục sẽ khiến cơ thể nóng lên và ra rất nhiều mồ hôi, do đó không nên mặc áo dày, che kín người. Thực tế là mặc phong phanh sẽ khiến người tập rất dễ bị nhiễm lạnh khi cơ thể chưa kịp vận động.

 

Vì vậy, nếu tập ngoài trời vào mùa lạnh, vẫn nên mặc quần áo dài tay, đi giày, mang vớ. Khi tập, cơ thể nóng lên, lúc đó có thể cởi bớt áo. Buổi sáng tập thể dục nên khởi động 15 phút trong nhà cho ấm người rồi mới mở hé cửa, đứng nép vào một bên cho gió lùa qua rồi mới đi ra, vừa tập vừa cởi bớt áo sau.

 

Tập xong nên uống 200ml nước hãy nghỉ, điều hoà hơi thở. Không nên tắm nước lạnh ngay sau tập vì dễ cảm lạnh và xảy ra các tai biến. Ngưng tập ngay khi chóng mặt, thấy khó chịu, ra mồ hôi nhiều bất thường... Nếu bỗng dưng nhức đầu, có cảm giác quay, có hiện tượng quên, rối loạn cảm xúc... cần đi bệnh viện khám ngay.

 

Ăn nhiều rau quả tươi sẽ bị lạnh bụng?

 

Quan điểm này không đúng vì bổ sung vitamin hợp lý trong mùa lạnh là điều rất cần thiết. Do cơ thể ta không tổng hợp được vitamin nên rất cần cung cấp thông qua thức ăn, đồ uống, dược phẩm. Nhất là với người ăn kiêng, người mới qua cơn bạo bệnh, phụ nữ có thai... rất dễ bị thiếu vitamin nên càng cần bổ sung.

 

So với nấu chín, rau quả tươi đương nhiên có nhiều vitamin hơn, cần thiết cho việc tăng cường sức đề kháng mùa lạnh như vitamin A, B, C (càrốt, cà chua, giá đậu, bí đỏ, bí xanh, ớt, cải xanh, cải bẹ, cam, chanh…)

 

Khi ngủ, trùm kín nguyên người để chống lạnh?

 

Không ít người cho rằng trùm kín chăn từ chân lên tới đầu khi ngủ vào mùa lạnh thì khỏi sợ rét, ngủ sẽ ngon hơn. Đây là suy nghĩ chưa đúng vì khi trùm kín như vậy khí CO2 thở ra sẽ lẩn quẩn trong khoảng không bé nhỏ, số lượng mỗi lúc một nhiều, cộng thêm chất khí có hại cho cơ thể không phát tán rộng sẽ khiến khó thở, và thấy mệt khi tỉnh giấc. Đặc biệt với trẻ con sẽ rất dễ gây ngộp thở, suy hô hấp… Tốt nhất chỉ nên trùm kín chăn lên đến ngực hoặc cổ, nếu chưa ấm nên thay đổi chăn có độ ấm nhiều hơn, thay vì là kéo chăn lên phủ đầu.

 
Tăng sức đề kháng cho những người dễ nhiễm lạnh
 

Trẻ em: khi thời tiết đột ngột thay đổi từ nóng sang lạnh, trẻ em rất dễ bị mắc bệnh cảm cúm với các biểu hiện viêm đường hô hấp trên, viêm mũi, viêm mũi họng, viêm thanh quản, khí phế quản. Để phòng tránh phải giữ ấm cho trẻ khi trời chuyển lạnh: mặc quần áo ấm, khi cho trẻ đi ngoài đường nhớ mang vớ và đeo thêm khẩu trang để giữ ấm cơ quan hô hấp. Ngoài ra, cũng nên cho trẻ chích ngừa bệnh cúm. Cho trẻ uống sữa, ăn các chất dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng như: đạm (thịt, cá, đậu hủ...), vitamin C (rau xanh và trái cây), vitamin A (gan, trứng...), chất sắt, kẽm có nhiều trong hải sản...

 

Người già: để đủ năng lượng và có sức đề kháng tốt trong mùa lạnh, người cao tuổi nên ăn nhiều bữa (ăn thêm bữa phụ vào lúc 9 giờ sáng, 3 giờ chiều), chủ yếu là các thực phẩm lỏng dễ tiêu như: xúp, cháo, canh... Rau xanh các loại cần được cắt nhuyễn để hệ tiêu hoá đỡ hoạt động nhiều. Cũng cần dùng thêm sữa, bột ngũ cốc các loại: bột đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ, đậu nành, mè… vừa dễ tiêu, vừa có nhiều năng lượng, khoáng chất, sinh tố.

 

Sản phụ: để giúp bà bầu khoẻ mạnh, cần bổ sung sinh tố từ các loại rau, quả tươi. Cần lưu ý dùng các món ăn có chứa thực phẩm tăng cường đề kháng dễ tiêu hoá, như có nhiều gia vị gừng, tiêu, hành, tỏi...

 

                                                                                    Theo DanTri

 

 

Các tin khác


Yêu cầu đình chỉ ngay bếp ăn khiến 350 công nhân nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm

Liên quan đến vụ việc 350 công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc) nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm, tối 14/5, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể của công ty này.

Bộ Y tế hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam

Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo với các biến chủng phụ mới tiếp tục được ghi nhận. Bộ Y tế vừa có hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao...

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể - Bài cuối: Siết chặt quản lý để đảm bảo an toàn cho người dân

Theo báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam, hết năm 2023, số lượng nhà hàng, quán cà phê ở nước ta đạt mốc trên 300.000 chưa kể các quán ăn nhỏ lẻ, xe kéo. Việc quản lý an toàn thực phẩm ở các cửa hàng, thực phẩm đường phố, hàng rong rất khó khăn. Đặc biệt, nhiều cơ sở kinh doanh sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không ngày sản xuất, hạn sử dụng. Vì vậy, việc siết chặt quản lý khâu đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là nguồn gốc hàng hóa cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn bao giờ hết.

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể - Bài 1: Nguy cơ thường trực

Thời gian gần đây, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra liên tiếp tại các địa phương trên cả nước, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, thậm chí có người đã tử vong.

Lấy dị vật nằm trong phổi bệnh nhân suốt 25 năm

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vừa tiến hành lấy dị vật trong phổi của bệnh nhân suốt 25 năm bằng kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm có gây mê. Hiện tại, sức khoẻ của bệnh nhân tạm ổn định và đang được tiếp tục điều trị, chăm sóc. 

Những lá thư khen ngợi - lời tri ân của người bệnh đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhận được nhiều thư khen của người bệnh và người nhà bệnh nhân đối với đội ngũ y, bác sỹ, điều dưỡng. Những lá thư cảm ơn mộc mạc, lời tri ân chân tình là động lực giúp đội ngũ y, bác sỹ vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực, quyết tâm hơn trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục