Hình thức sân khấu hóa là nét mới trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại huyện Mai Châu. (Ảnh chụp tại Hội thi tìm hiểu về pháp luật năm 2018 ở xã Ba Khan).
Mai Châu là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống, địa bàn rộng, địa hình đồi, núi chia cắt nên nhận thức về pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế. Những năm qua, công tác TTPBGDPL luôn được phòng Tư pháp huyện phối hợp với các ngành, đoàn thể chú trọng. Đồng chí Hà Công Định, chuyên viên phòng Tư pháp huyện cho biết: "Hằng năm, phòng tổ chức các hội nghị tuyên truyền pháp luật đến cơ sở, hình thức chủ yếu là thông qua các hội nghị. Năm 2017 đã tổ chức hội nghị ở 10 xã, thu hút trên 600 lượt người tham gia. Tuy nhiên, hình thức tuyên truyền còn khá khô khan, chưa thu hút được đông đảo người dân tham gia, đối tượng tiếp cận chủ yếu là phụ nữ và trẻ em nên hiệu quả đem lại chưa cao. Năm 2018, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện, công tác TTPBGDPL đã có sự đổi mới, đặc biệt về hình thức tuyên truyền, đó là sân khấu hóa. Đến nay, hình thức này đã đem lại những hiệu quả thiết thực, tạo sức hút lớn đối với bà con”.
Hình thức sân khấu hóa được làm điểm ở xã Nà Mèo, sau đó tổ chức ở các xã: Ba Khan, Tân Sơn và Noong Luông. Đồng chí Hà Công Định cho biết: Xuất phát từ tình hình thực tế ở địa phương, Mai Châu chú trọng tuyên truyền về các Luật: Hôn nhân và gia đình, Tư pháp - Hộ tịch, Phòng chống ma túy, An toàn giao thông, Phòng chống bạo lực gia đình. Với hình thức sân khấu hóa, các đội thi phải tìm hiểu kiến thức về các Bộ luật, đồng thời, tập luyện các tiểu phẩm về những chủ đề này để tham gia hội thi. Những năm trước đây, việc tổ chức hội nghị tuyên truyền thường diễn ra vào buổi sáng hoặc buổi chiều, không thu hút được nhiều người dân tham gia. Còn hình thức sân khấu hóa được tổ chức vào buổi tối nên có những hộ cả nhà cùng đến xem. Qua các hội thi được tổ chức ở các xã: Tân Sơn, Nà Mèo, Noong Luông và Ba Khan, đã có trên 1.000 người tham gia ở mọi lứa tuổi, tầng lớp. Từ việc tổ chức các hội thi, nhiều "hạt nhân” đã được phát hiện, họ trở thành tuyên truyền viên nòng cốt góp phần đưa kiến thức pháp luật và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo người dân.
Công tác phối hợp với các cấp, các ngành và đoàn thể được thực hiện thường xuyên. Đầu năm nay, UBND huyện Mai Châu phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức hai hội nghị ở xã Hang Kia, Pà Cò, thu hút 140 lượt người nghe, 150 tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật được phát miễn phí. Tổ chức 34 cuộc tuyên truyền miệng ở các xã, thi trấn, thu hút hơn 3.000 lượt người nghe. Phối hợp với Công an huyện Mai Châu mở hội nghị tuyên truyền pháp luật tại địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật năm 2018 ở xã Xăm Khòe. Ngoài ra, các tổ hòa giải cơ sở ngày càng được kiện toàn, hoạt động hiệu quả, từ đầu năm đến nay có 16/17 vụ việc được hòa giải thành công.
"Với những hiệu quả đem lại, hình thức tuyên truyền sân khấu hóa tiếp tục được triển khai để nâng cao nhận thức của người dân về kiến thức pháp luật. Để nâng cao hiệu quả trong công tác TTPBGDPL, Phòng Tư pháp sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn với các ngành, đoàn thể. Trong những tháng cuối năm, chúng tôi xây dựng kế hoạch để tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật ở 1 - 2 xã, tập trung ở những địa bàn khó khăn”, đồng chí Hà Công Định, chuyên viên phòng Tư pháp huyện Mai Châu cho biết.
Viết Đào
(HBĐT) - Ngày 12/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.