Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và duy trì các mô hình CLB pháp luật với nhiều tên gọi khác nhau tùy theo tổ chức thành lập như CLB: phòng - chống tội phạm, thanh niên với pháp luật, phụ nữ với pháp luật, nông dân với pháp luật, chi hội phụ nữ không có người thân vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, phòng - chống bạo lực gia đình, phòng - chống tệ nạn xã hội… Trong đó, điển hình như Tỉnh Đoàn Hoà Bình tổ chức, duy trì hoạt động hiệu quả của các CLB với trên 6.000 đoàn viên, thanh niên tham gia như: CLB Phòng, chống tệ nạn xã hội của thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn); CLB Hôn nhân và gia đình tại xã Dũng Phong, xã Bình Thanh (Cao Phong)...
Bên cạnh đó, trên địa bàn các huyện Tân Lạc, Kim Bôi..., mô hình các CLB pháp luật của phụ nữ, thanh niên đã đi vào hoạt động ổn định, trong đó, năm 2018, các CLB pháp luật trên địa bàn huyện Tân Lạc đã tổ chức 60 buổi sinh hoạt với 1.308 lượt thành viên tham gia.
CLB phát luật đã thu hút đông đảo người dân đủ mọi lứa tuổi, thành phần tham gia... Ngoài tuyên truyền các luật về dân sự, hình sự, đất đai, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới… cho nhân dân, các CLB còn tập trung tuyên truyền các lĩnh vực pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Đồng chí Bùi Thị Thảo, Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Tân Lạc cho biết: "Sau mỗi buổi sinh hoạt CLB pháp luật, các thành viên sẽ phổ biến lại cho người dân bằng nhiều hình thức thông qua các buổi sinh hoạt của chi hội nông dân, chi hội phụ nữ, chi đoàn thanh niên. Từ đó, những năm gần đây, nhận thức pháp luật của người dân trên địa bàn huyện được nâng lên đáng kể, tình trạng tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân hạn chế nhiều”.
Thông qua các CLB, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn tỉnh được nâng cao rõ rệt. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả các CLB pháp luật mang lại, vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ hiện nay là các CLB được xây dựng, tổ chức, hoạt động theo quy định, hướng dẫn riêng của từng ngành nhằm phục vụ cho các mục đích hoạt động của từng chương trình, đề án khác nhau. Bên cạnh đó, nhiều CLB pháp luật có phương thức, hoạt động tương tự nhau nên nhiều nội dung sinh hoạt trùng nhau, ảnh hưởng đến hiệu quả chung hoặc gây tình trạng lãng phí nguồn lực...
Để các CLB pháp luật trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả, cần phải tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trong đó, chú trọng áp dụng các hình thức sinh động, dễ hiểu, phát triển các mô hình hiệu quả, phù hợp với đối tượng, địa bàn và nhu cầu của nhân dân. Đồng thời, tổ chức hội nghị trao đổi đa chiều, các hội thi, cuộc thi, đặc biệt là thi tìm hiểu các bộ luật có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội; quan tâm việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng nhạy cảm, đặc thù, có nguy cơ vi phạm cao.
Đặc biệt, các CLB pháp luật cần chú trọng hướng về cơ sở, các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kết hợp giữa giáo dục pháp luật với giáo dục văn hóa, đạo đức, lối sống. Bên cạnh đó, cần khuyến khích, thu hút, huy động và tạo điều kiện để những người đã, đang công tác trong các cơ quan pháp luật tham gia sinh hoạt CLB pháp luật để định hướng thảo luận, giải đáp pháp luật, tư vấn hỗ trợ người dân tháo gỡ qua các vụ việc, tình huống cụ thể.
Hoàng Hường
(Sở Tư pháp)
Nguyên Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc và Trưởng ban tài chính của Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí đã nhận gần 60 tỉ đồng tiền chi lãi ngoài từ Ngân hàng Oceanbank.