Thư xin việc kém hấp dẫn
Dù tự tạo hay tải đơn xin việc, CV và thư xin việc là hai thứ không thể thiếu. Nếu như CV trình bày chi tiết về các yếu tố như học vấn, kỹ năng, kinh nghiệm… thì thư xin việc là nơi bày tỏ nguyện vọng được đảm nhận vị trí đang tuyển dụng. Vậy điều quan trọng là cần truyền tải được nguồn năng lượng dồi dào tích cực, thái độ lạc quan và hào hứng với công việc ứng tuyển.
Tuy nhiên, một số ứng viên còn mắc sai lầm khi soạn một bức thư xin việc hời hợt, thiếu điểm nhấn hoặc không bộc lộ được hết nguồn "tài nguyên ưu tú” của mình. Chính điều này làm cho hồ sơ của bạn bị "chìm” giữa rất nhiều hồ sơ xin việc khác.
CV sơ sài, chung chung, thiếu cá tính
CV là "linh hồn” giúp bạn có được công việc mong muốn. Xác định như vậy cho thấy tầm quan trọng của CV khi truyền tải thông tin của bạn đến nhà tuyển dụng.
Vậy nhưng một số ứng viên thiếu kinh nghiệm (hoặc thiếu đầu tư) lại soạn một bản CV sơ sài, chung chung, thậm chí copy y nguyên các nguồn tham khảo nên không thể hiện được rõ nét sự đặc sắc riêng biệt của bản thân. Chính điều này làm cho nhà tuyển dụng không mấy ấn tượng với hồ sơ của bạn.
Để khắc phục sai lầm này, bạn nên chú trọng viết về ưu thế nổi bật của bản thân dựa trên phần mô tả trong tiêu chí tuyển dụng. Điều này sẽ giúp tạo được ấn tượng sâu và ngay tức thì khi nhà tuyển dụng đọc CV của bạn. Tránh viết lan man, chung chung với những câu chữ sáo rỗng, thiếu từ khóa.
Phần kinh nghiệm không mô tả công việc đảm nhận
Một số ứng viên khi viết mục kinh nghiệm CV chỉ đơn giản là liệt kê tên công ty, thời gian làm việc, vị trí. Đây có lẽ là một thiếu sót mà bạn nên lưu ý để tránh.
Nhà tuyển dụng thực sự quan tâm đến kinh nghiệm của ứng viên ở phần công việc đảm nhận hơn là thời gian và nơi làm việc. Bởi vì họ muốn biết bạn đã từng làm những nhiệm vụ nào, bạn đã học được những gì, có đủ năng lực (hoặc kỹ năng) đảm nhận công việc sắp tới hay không.
Vì vậy bạn nên chọn ghi rõ công việc, nhiệm vụ mà mình đã làm trước đây có liên quan nhất đến công việc ứng tuyển hiện tại thay vì liệt kê chung chung. Bên cạnh đó nên kèm theo kỹ năng hoặc thành tích bạn đã nỗ lực có được.
Hồ sơ xin việc không kèm theo dẫn chứng
Nếu bạn đã có kinh nghiệm làm việc và có những dự án, sản phẩm trong ngành thì nên chọn sản phẩm tốt nhất đính kèm với hồ sơ xin việc. Điều này sẽ giúp nâng "hiệu quả tiếp thị” bản thân hơn so với việc bạn chỉ gửi CV và thư xin việc.
Tuy nhiên, một số ứng viên đã thiếu sót khi không để ý điều này dẫn đến hồ sơ thiếu dẫn chứng, thiếu thuyết phục. Hơn thế, qua những sản phẩm, dự án bạn đã thực hiện, nhà tuyển dụng cũng sẽ nhận thấy được khả năng đặc biệt của bạn.
Hồ sơ không đáp ứng yêu cầu cơ bản
Nhà tuyển dụng không muốn mất thời gian vào những hồ sơ xin việc không đạt tiêu chí. Điều này cũng có nghĩa là chủ nhân của nó là ứng viên yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu cơ bản. Chẳng hạn có một số lỗi "ngớ ngẩn” mà ứng viên vẫn mắc phải như CV và thư xin việc viết có lỗi sai chính tả, không ghi rõ vị trí ứng tuyển, thiếu người nhận hồ sơ, câu cú dài dòng lan man… Chưa biết năng lực của bạn đến đâu nhưng nếu chuẩn bị một bộ hồ sơ xin việc thiếu chỉn chu thì cũng sẽ bị đánh giá là người cẩu thả, thiếu đầu tư và sau cùng là thiếu tôn trọng nhà tuyển dụng.
Hồ sơ xin việc chính là yếu tố quyết định bạn có nhận được cuộc gọi mời phỏng vấn từ nhà tuyển dụng hay không. Nếu muốn được tăng cơ hội, bạn nên tập trung đầu tư một bộ hồ sơ chuyên nghiệp và mang đậm dấu ấn cá nhân. Chúc bạn chinh phục nhà tuyển dụng thành công với những gợi ý trên đây.
Đặng Hảo