Ông Phạm Khắc Thường, xóm 3, xã Tử Nê (Tân Lạc) đã gặt hái được thành công nhờ đưa cây bưởi đỏ lên đồi.
Từ khi cây bưởi đỏ lên ngôi, bộ mặt nông thôn ở xã Tử Nê (Tân Lạc) đã "thay da, đổi thịt”, nhiều gia đình trở nên khá giả. Trước đây, bưởi chỉ được trồng ở vườn nhà, những vùng đất bằng phẳng. Thế nhưng, 6 năm trước, ông Phạm Khắc Thường, ở xóm 3 đã nảy ra ý tưởng được coi là "lạ đời”, đó là phá đồi keo, đồi mía để trồng bưởi. "Sau khi đi bộ đội 3 năm, tôi xuất ngũ, trở về quê lấy vợ rồi lập nghiệp. Trước khi gắn bó với cây bưởi, vợ chồng tôi có nhiều năm chạy chợ, buôn bán. Tuy nhiên, công việc vất vả sớm tối chỉ đảm bảo cuộc sống gia đình, không có tích lũy. Sau nhiều năm ra Cao Phong buôn cam, tôi nhận thấy cây trồng này rất tiềm năng. Sẵn có đất đồi nhiều năm trồng keo, mía trắng nhưng hiệu quả không cao nên tôi bàn với gia đình đầu tư trồng cam. Khi đó, gia đình nhờ một người trồng cam ở Cao Phong vào xem đất và tư vấn giúp. Tuy nhiên, chất đất không thực sự phù hợp. Thời điểm đó, cây bưởi đỏ đang đem lại những hiệu quả kinh tế cao nên tôi nảy ra ý tưởng, đưa cây trồng này lên đồi”, ông Thường nhớ lại.
Để thực hiện được ý tưởng đó, ông Thường cùng gia đình phải múc đồi, đầu tư xây dựng bể nước tưới cho cây. Số tiền đầu tư cho 3 ha bưởi rất lớn, vợ chồng ông phải vay ngân hàng. Và rồi, cây không phụ người, những cây bưởi lớn dần từng ngày. Sau 2 năm, rồi 3 năm, những triền đồi đã được phủ kín sắc xanh. Trong thời gian chăm cây, chờ ngày hái quả, ông Thường chiết, ghép cành để bán giống. Hàng vạn cành giống bán ra thị trường đã giúp ông có được thu nhập để lấy ngắn, nuôi dài. Còn giờ đây, vườn bưởi đã bước sang tuổi thứ 6 và đem những quả ngọt trên cả sự mong đợi. Vụ năm ngoái, vườn bưởi sai trĩu quả, gia đình ông Thường đã thu về trên 700 triệu đồng.
Ngoài vườn bưởi ở xóm 3, ông Thường còn đầu tư trồng thêm 1 ha bưởi đỏ và 2 ha cam lòng vàng ở xóm Cú (Tử Nê). Đến nay, vườn đã được 2 năm tuổi và phát triển tốt. Để chăm sóc vườn bưởi tốt nhất, ông Thường đã đầu tư công nghệ tưới nước phun sương tự động. "Cây bưởi không kén đất, tuy nhiên, phải đảm bảo nguồn nước tưới để giữ độ ẩm cho đất. So với bưởi trồng ở vùng thấp thì bưởi trên đồi tán thấp, cây nhỏ hơn, quả cũng nhỏ hơn. Tuy nhiên, vỏ quả bưởi rất mỏng, múi màu đỏ đậm và ngọt nên thương lái rất ưa chuộng”, ông Thường cho biết thêm.
Kể từ khi đưa cây bưởi lên đồi, ông Thường đã tạo việc làm thường xuyên cho không ít lao động địa phương. ông Bùi Văn Thêm, xóm Cụ, xã Thanh Hối (Tân Lạc) là một trong số đó. "Vườn bưởi nhà anh Thường thì quá đẹp rồi. Bây giờ, ở trên Tử Nê cũng như Thanh Hối, hầu như nhà nào có đồi cũng chuyển sang trồng bưởi. Nhờ anh Thường đi tiên phong mà bà con đã học theo và có được nguồn thu nhập ổn định”, ông Thêm chia sẻ.
Với mong muốn đưa bưởi đỏ Tân Lạc vươn xa, có thương hiệu và đem lại hiệu quả kinh tế lâu dài, năm 2017, ông Thường cùng một số hộ trồng bưởi đã liên kết thành lập HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc. Hiện, HTX có 9 thành viên, tổng diện tích bưởi 30 ha. Đây là HTX đầu tiên của tỉnh triển khai công nghệ sơ chế, bao gói sản phẩm bưởi đỏ. "Từ khi thành lập HTX, đầu tư máy sơ chế mẫu mã quả bưởi đẹp hơn. Chúng tôi đã liên kết và đưa quả bưởi đỏ đến tiêu thụ tại một số siêu thị tại Hà Nội. Nhờ đó giá bưởi cũng cao hơn so với bán đại trà. Sắp tới, HTX sẽ nỗ lực mở rộng vùng sản xuất, nâng cao chất lượng để có hiệu quả bền vững”, ông Thường chia sẻ.
Với ý tưởng táo bạo, dám nghĩ, dám làm, ông Phạm Khắc Thường được các sở, ngành của tỉnh mời tham gia nhiều hội nghị chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu sản phẩm. ông là một trong những tấm gương tiêu biểu được đề nghị UBND tỉnh tặng bằng khen trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Viết Đào