(HBĐT) - "Tại nơi đây, tròn 60 năm trước, cũng một ngày giữa tháng 8 nắng đẹp như hôm nay, Bác Hồ kính yêu đã về thăm nhà trường. Tôi nhớ rõ, khi Bác đứng đây nói chuyện với toàn trường, lớp chúng tôi được xếp thứ tự đứng ở phía tay phải của Bác, gần vị trí bây giờ đang trồng cây vú sữa… Khi đó, chúng tôi xúc động lắng nghe từng lời Bác dạy, đến bây giờ vẫn vẹn nguyên ký ức trong tim…” - bà Đinh Thị Biên, cựu học sinh khóa 5 của trường Thanh niên lao động Xã hội chủ nghĩa (TNLĐ XHCN) Hòa Bình tự hào kể lại trong ngày trở về thăm trường cũ, nay là di tích lịch sử văn hóa Địa điểm Bác Hồ về thăm Trường TNLĐ XHCN Hòa Bình, xã Yên Mông (TP Hòa Bình).


Hai bà Đinh Thị Biên (bên trái) và Nguyễn Thị Lương xúc động ôn lại kỷ niệm được gặp Bác tại khuôn viên di tích Địa điểm Bác Hồ về thăm trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình.

Bà Đinh Thị Biên sinh năm 1942, nay 80 tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn. Bà là cựu học sinh khóa 5 của trường TNLĐ XHCN Hòa Bình. Nhập học ngày 15/2/1962 thì 6 tháng sau, tức ngày 17/8/1962, bà Biên cùng toàn thể nhà trường vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và nói chuyện.  

Cùng quê Tu Lý (nay thuộc thị trấn Đà Bắc) và cùng học khóa 5 với bà Biên còn có bà Nguyễn Thị Lương (sinh năm 1941). Hai người bạn học khi xưa, nay là hai cụ già tóc bạc, lưng còng dắt tay nhau về thăm trường cũ nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm trường (17/8/1962 - 17/8/2022). Ngày trở về thật sự ý nghĩa nên có hàng trăm cựu cán bộ, giáo viên và học sinh đã trở về thăm lại trường xưa. Hòa trong dòng người đông vui, có rất ít người là cựu học sinh như bà Biên và bà Lương may mắn được gặp Bác ngay tại khuôn viên này 60 năm trước. Thế nên ngày trở về, cả 2 người đều cảm thấy lâng lâng, vừa tự hào vừa xúc động, những ký ức 60 năm trước lại ùa về…

Bà Nguyễn Thị Lương xúc động kể: Khi Bác Hồ nói chuyện với toàn trường, lớp tôi được xếp vị trí khá gần nên tôi có thể nhìn rõ Bác. Bác mặc bộ quần áo lụa màu nâu, chân đi đôi dép  cao su, tay Bác cầm chiếc mũ màu trắng. Bác rất hồng hào và nhanh nhẹn, râu tóc bạc phơ như một ông tiên... Chúng tôi chăm chú nghe từng lời của Bác. Tôi vẫn đinh ninh lời Bác nhấn mạnh: Mục đích của nhà trường là dạy cho thanh niên vừa học tập vừa lao động để trở về phục vụ nông thôn, phục vụ hợp tác xã. Do vậy phải học những nghề, những ngành có quan hệ đến sản xuất nông nghiệp, đến nông thôn, cần gì thì học nấy…

Đối với cả bà Biên và bà Lương, ký ức tốt đẹp nhất trong cuộc đời chính là được gặp Bác, được trực tiếp nghe Bác nói chuyện tại khuôn viên trường TNLĐ XHCN Hòa Bình. Cuộc gặp đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần để sau đó, cả 2 đều phấn đấu vừa học tập vừa lao động. Ngay tại mái trường này, ngày 26/11/1964, bà Nguyễn Thị Lương đã vinh dự được kết nạp Đảng. Còn bà Đinh Thị Biên thì ngay sau khi ra trường và trở về địa phương lao động sản xuất cũng vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi 24 tuổi. "Có được kết quả đó là bởi vì chúng tôi thấm nhuần lời Bác dạy, phải học tập tốt, lao động tốt, cố gắng mãi, tiến bộ mãi” - bà Biên tự hào cho biết.

Tại lễ dâng hương kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm, đồng chí Quách Thắng Cảnh, Hiệu trưởng trường PT DTNT THPT tỉnh đã ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của nhà trường, gắn với sự kiện đầy tự hào mang tên Bác. Đồng chí nhấn mạnh: Ngày 17/8/1962, trường TNLĐ XHCN Hoà Bình được đón Bác Hồ về thăm. Đây là niềm vinh dự vô cùng to lớn đối với cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường. Bác Hồ đã có buổi nói chuyện với hơn 400 cán bộ lãnh đạo tỉnh, huyện, xã và 1.200 cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường. Tại đây, Người đã để lại bút tích tặng nhà trường: "Fải: Học tập tốt, lao động tốt. Cố gắng mãi, tiến bộ mãi”.

Lời Bác dạy 60 năm trước đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động của nhà trường trong suốt quá trình xây dựng và phát triển. Trong 30 năm hoạt động (1958 - 1990) với mô hình "vừa học vừa làm”, các thế hệ thầy và trò trường TNLĐ XHCN Hòa Bình đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, trở thành mô hình nhà trường điển hình được nhân rộng trên phạm vi toàn quốc. Trong giai đoạn này, trường đã vinh dự được đón nhận danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động (29/8/1985). Giai đoạn từ năm 1991 đến nay, trường PT DTNT THPT tỉnh đã kế thừa và phát huy truyền thống, tiếp tục có những đóng góp tích cực, nhất là về nguồn nhân lực cho sự phát triển của quê hương.

Được biết, năm 2008, địa điểm Bác Hồ về thăm trường TNLĐ XHCN Hòa Bình được UBND tỉnh cấp Bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Để bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, năm 2012, UBND TP Hòa Bình đã tu bổ, tôn tạo di tích. Công trình được khánh thành trong dịp chào mừng kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ về thăm Trường TNLĐ XHCN Hòa Bình (17/8/1962 - 17/8/2017). Hiện nay, bút tích của Bác Hồ khi về thăm trường TNLĐ XHCN Hòa Bình được lưu giữ trong sổ vàng lưu niệm của di tích, đồng thời, trân trọng khắc ghi trên tấm bia đá đặt tại khuôn viên: "Fải: Học tập tốt, lao động tốt. Cố gắng mãi, tiến bộ mãi”.

Thu Trang

Các tin khác


Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nơi ghi dấu sâu đậm hình ảnh Bác Hồ

Huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang - cội nguồn cách mạng, nơi ghi dấu sâu đậm hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Những năm qua, phát huy truyền thống cách mạng, ghi nhớ lời dạy của Bác, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Sơn Dương luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn xây dựng quê hương ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng lên. Nơi ghi dấu sâu đậm hình ảnh Bác Hồ

Huyện Mai Châu nêu gương học tập và làm theo Bác Hồ

(HBĐT) - Nêu cao tinh thần tự giác nêu gương, giải quyết hiệu quả công việc theo chức trách, nhiệm vụ được giao là cách học và làm theo Bác từ nhiều năm nay của cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) ở Đảng bộ huyện Mai Châu trong thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị.

Hòa Bình vinh dự được đón Bác Hồ về thăm

(HBĐT) - Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ đã 4 lần về thăm tỉnh Hòa Bình. Lần đầu tiên, Bác về thăm đồn điền Chi Nê, xã Cố Nghĩa, nay là xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) ngày 21/2/1947. Lần thứ 2, Bác Hồ thăm trường Hợp tác hóa nông nghiệp của tỉnh ở bến Ngọc, Kỳ Sơn (nay là TP Hòa Bình) ngày 19/10/1958. Lần thứ 3, Bác Hồ thăm và làm việc tại trường Thanh niên lao động (TNLĐ) XHCN ngày 17/8/1962.

Ngành y tế học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(HBĐT) - Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi về huyện Yên Thủy. Mới đầu hè mà trời đã khá oi bức, thời điểm này cũng là giai đoạn chiến dịch cao điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em. Huyện được phân bổ 1.200 liều vắc xin Moderna (liều 0,25 ml). Ngay trong ngày đầu tiên, huyện đã triển khai tiêm được 1.178 liều theo phương châm "hiệu quả, đúng đối tượng theo quy định”. Hơn 2 năm vật lộn trong cuộc chiến chống Covid-19, cán bộ y tế tuyến cơ sở của huyện Yên Thủy cũng như toàn tỉnh luôn nêu cao tinh thần y đức, khắc sâu lời Bác dạy "Lương y như từ mẫu”, tận tụy với công cuộc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân. 

Hội thảo khoa học quốc gia "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"

Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhằm góp phần làm sáng rõ những giá trị khoa học-thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời đề xuất và làm rõ những định hướng và nhiệm vụ, giải pháp đột phá cần tập trung thực hiện để đẩy mạnh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng hiện nay.

Xã Vĩnh Đồng khắc sâu lời Bác dạy

(HBĐT) - Trong thư gửi các cụ phụ lão xã Vĩnh Đồng, châu Lương Sơn (nay là huyện Kim Bôi) tháng 5/1948, Bác căn dặn "Tôi mong rằng các cụ sẽ cố gắng đốc thúc con cháu hăng hái tham gia cuộc thi đua ái quốc, làm cho mọi người đủ ăn đủ mặc”. Khắc sâu lời Bác dạy, từ kháng chiến chống Pháp cho đến kháng chiến chống Mỹ và hòa bình lập lại, xây dựng đất nước phát triển hôm nay, Nhân dân xã Vĩnh Đồng không ngừng hăng hái thi đua, lao động sản xuất. Cánh đồng Mường Chanh, trung tâm xã Vĩnh Đồng luôn là vựa lúa có năng suất cao nhất tỉnh. Đến thăm Vĩnh Đồng những ngày tháng 5 nhớ Bác, trước mắt chúng tôi là xanh ngắt bãi bí, nương ngô trù phú. Bức thư Bác gửi cho các cụ phụ lão được lớp lớp thế hệ người dân Vĩnh Đồng nâng niu, gìn giữ như một bảo vật.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục