Đồng chí Đinh Ngọc Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Trong công tác tuyên truyền, giáo dục, Sở đã đổi mới nội dung, hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, tập trung vào các nhóm có nguy cơ cao. Cụ thể như học sinh, sinh viên, học viên các trường học; thanh, thiếu niên ở những địa bàn có diễn biến phức tạp về tệ nạn xã hội, nhất là ở các khu vực giáp ranh, vùng sâu, xa... Sở tổ chức 1 hội nghị tuyên truyền, 2 buổi tọa đàm giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm tại trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật cho gần 1.000 sinh viên và thanh, thiếu niên trên địa bàn; 2 hội nghị tuyên truyền cho 120 cán bộ, tuyên truyền viên cấp thôn bản xã Kim Truy, Cuối Hạ (Kim Bôi); phát hành 500 cuốn "Vì bình yên đất Mường”, gần 10.000 tờ rơi đến các xã, phường, thị trấn.
Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống mại dâm của tỉnh đã kiểm tra 40 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm. Phối hợp với đội của các huyện: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Thủy, Kim Bôi kiểm tra 25 lượt cơ sở. Tổ chức 9 cuộc kiểm tra tại địa điểm công cộng, 5 cuộc triệt phá mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Qua kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 22 đối tượng gồm 8 người bán dâm, 8 người mua dâm, 5 chủ chứa, môi giới mại dâm. Từ đó, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân truy tố, xét xử 3 vụ, 3 bị can; nhắc nhở hành chính 23 cơ sở vi phạm.
Công tác xây dựng mô hình phòng, chống tệ nạn mại dâm, hỗ trợ pháp lý ở cơ sở được quan tâm. Hiện, toàn tỉnh duy trì mô hình phòng, chống tệ nạn mại dâm tại xã Thượng Cốc (Lạc Sơn); 7 mô hình trợ giúp pháp lý tại xã Mông Hóa (Kỳ Sơn), Trung Sơn (Lương Sơn), Lạc Thịnh (Yên Thủy), Sủ Ngòi (TP Hòa Bình), Hạ Bì, Bắc Sơn (Kim Bôi), Quý Hòa (Lạc Sơn). Duy trì sinh hoạt các CLB phòng, chống tệ nạn xã hội tại xã, phường, thị trấn, thành phần nòng cốt là Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, người hoạt động mại dâm, gia đình có người hoạt động mại dâm, phụ nữ bị buôn bán trở về. Tiếp tục duy trì các mô hình, cách làm hay như: "Mô hình xã, phường phòng ngừa, ngăn chặn phát sinh mới tệ nạn ma túy, mại dâm và cai nghiện, dạy nghề tạo việc làm, hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy, mại dâm”; "Nhóm nòng cốt tuyên truyền viên ở khu dân cư”...
Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH, sau 2 năm triển khai Quyết định số 361, ngày 7/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020, tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh chuyển biến tích cực, không để phát sinh các tụ điểm nóng gây bức xúc dư luận. Toàn tỉnh tiếp tục duy trì 151/210 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn mại dâm. Năm 2017, 173 người bán dâm có hồ sơ quản lý, giảm 34 người so với năm 2016.
Tuy nhiên, tệ nạn mại dâm vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp tại các các cơ sở kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, điểm massage và một số khu du lịch. Phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Bên cạnh hoạt động mại dâm trá hình tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, thời gian qua phát triển mạnh các hình thức mại dâm theo đường dây "gái gọi”, dịch vụ "sex tour”, môi giới mại dâm qua mạng internet... Đối tượng bán dâm thường xuyên thay địa bàn hoạt động và không có nơi cư trú ổn định nên khó kiểm soát. Thống kê năm 2017, toàn tỉnh có 340 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm và hơn 400 phụ nữ vắng mặt ở địa phương không xác định lý do, địa chỉ.
Để công tác phòng, chống mại dâm đạt kết quả, ngày 23/2/2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 25/KH-UBND về công tác phòng, chống mại dâm và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. UBND tỉnh yêu cầu tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, địa phương trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh xử lý các vi phạm và vấn đề liên quan. Lồng ghép với các chương trình, dự án, chính sách an sinh xã hội... Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm, mua bán người là nhiệm vụ hàng đầu.
Cẩm Lệ