Trại gà của tổ hợp tác xóm Đam, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) nuôi thả kết hợp, sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Người dành nhiều tâm huyết cho sự phát triển lớn mạnh của THT xóm Đam phải kể đến anh Bùi Văn Linh (sinh năm 1988) với vai trò tổ trưởng. Hơn 30 tuổi, anh Linh đã có hàng chục năm gắn bó với ruộng vườn từ cấy lúa, trồng mía, trồng ngô, nuôi lợn và giờ là gây dựng trại gà. Anh Linh cho biết: Cách đây gần 4 năm, nhận thấy thị trường sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gà bản địa có nhiều triển vọng, tôi đã đi tìm hiểu, học tập cách làm của các hộ sản xuất trong, ngoài xã trước khi quyết định chọn hướng phát triển mô hình gà bản địa thương phẩm, khởi điểm nuôi thử với số lượng 200 con. Trên diện tích đất sản xuất của gia đình, tôi xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi kiên cố, đảm bảo yếu tố vệ sinh môi trường và không làm ảnh hưởng đến khu dân cư. Việc sản xuất chăn nuôi ở những ngày đầu dù đã tính toán kỹ, cẩn trọng từ khâu chọn nguồn giống, thức ăn, vắc xin phòng bệnh nhưng vẫn không tránh khỏi yếu tố thời tiết bất lợi làm ảnh hưởng dẫn đến hao đầu con. Đổi lại, nhờ chất lượng gà ngon, bán được giá nên mô hình nuôi thử gà thương phẩm vẫn đảm bảo có lãi. Điều này giúp tôi thêm niềm tin phát triển và nhân rộng mô hình.
Cùng thời điểm năm 2016, một số hộ thành viên tiêu biểu khác ở xóm Đam cũng khởi nghiệp chăn nuôi gà là hộ anh Dương Văn Tiềm, Bùi Văn Èm, Bùi Văn Vi. Hồi mới thành lập THT, nhóm hộ chủ yếu trồng mía, rau. Sau khi tìm hiểu thị trường thấy có khả năng tiêu thụ và sinh lời chuyển hẳn sang đầu tư chăn nuôi. Về phương pháp kỹ thuật, các thành viên THT chủ yếu tự học hỏi qua bạn bè, người thân, trên sách báo, internet... Ở giai đoạn mới khởi nghiệp, các hộ tận dụng diện tích đất đồi khoảng 2 ha với quy mô nhỏ (tổng đàn của THT mới khoảng 3.000 con/lứa). Gà được chăn thả kết hợp vừa sử dụng thức ăn hỗn hợp, ăn cám ngô, rau, vừa nuôi nhốt, thả tự do lên đồi.
Cùng tham gia sinh hoạt trong THT, tổ trưởng là người quản lý, phân công công việc hàng ngày cho các thành viên. Đồng thời, các thành viên trong tổ phát huy tinh thần học hỏi, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau sao cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ thuận lợi, suôn sẻ. Theo tổ trưởng Bùi Văn Linh, về giống, các hộ thành viên mua chung một điểm cung cấp giống là trại gà giống có uy tín lâu năm của huyện Lạc Thủy. Nhóm sử dụng chung cám và thuốc thú y của công ty dưới hình thức bán trả chậm. Về máy móc, công nghệ, các thành viên tự đầu tư trang trại. Tổng tài sản hiện có khoảng 800 triệu đồng, trong đó 400 triệu đồng là tài sản cố định (đất và trang trại), 400 triệu đồng là tài sản lưu động (giống gà và thức ăn).
Đồng tâm hiệp lực để cùng phát triển, các hộ thành viên THT xóm Đam không chỉ trợ giúp nhau về kỹ thuật mà còn ở khâu giống, vốn, kinh nghiệm, liên kết thị trường tiêu thụ. Qua kênh tổ chức Hội Nông dân, các thành viên được tập huấn hướng dẫn sản xuất sạch, kỹ thuật và phòng chống dịch bệnh đảm bảo vệ sinh môi trường và sức khỏe người tiêu dùng. Nhờ uy tín, chất lượng sản phẩm luôn được các thành viên THT đặt lên hàng đầu nên trong thời gian qua, giá bán sản phẩm do THT sản xuất ra khá ổn định, dao động 75.000 - 80.000 đồng/kg. Tổ cũng xây dựng kế hoạch sản xuất chung để cung cấp cho thị trường đều đặn, không để tình trạng lúc sản phẩm khan hiếm, lúc lại ế đọng, dư thừa.
Với mùa vụ kinh doanh tập trung chủ yếu vào tháng 4, tháng 9 và vào vụ Tết, các thành viên trong nhóm phát triển sản lượng gà căn cứ kế hoạch đã định ra. Hình thức tiêu thụ qua khách buôn và người mua tự tìm đến chiếm khoảng 90%, 10% còn lại được bán cho khách lẻ hoặc đám cưới. Toàn THT có 15 trại gà, bình quân mỗi trại duy trì nuôi từ 1.500 - 2.000 con/lứa, mỗi năm xuất 4,6 - 4,7 vạn con. Trong quá trình phát triển, THT vẫn còn nhiều khó khăn về nguồn vốn, chủ yếu từ vay mượn, xoay sở để đầu tư cho sản xuất, đầu ra sản phẩm phụ thuộc vào thị trường tự do. Để vững vàng trên bước đường cùng khởi nghiệp, các thành viên trong tổ mong muốn thời gian tới được hỗ trợ các điều kiện cần và đủ để phát triển lên hợp tác xã, áp dụng các quy trình, tiêu chuẩn chăn nuôi gà thương phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, có lô gô, tem nhãn nhận diện để khẳng định thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng lòng tin của người tiêu dùng. Mặt khác, THT được tiếp cận, tham gia các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để tạo nên giá trị chăn nuôi bền vững.
Bùi Minh