Đồng chí Phạm Văn Vương, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Thủy điện Hòa Bình hiện nay tuy không còn là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam nhưng hàng năm vẫn có sản lượng điện lớn nhất cả nước, có vai trò quan trọng phát triển KT-XH với các nhiệm vụ chính mang tính tổng hợp là chống lũ, phát điện, tưới tiêu và đảm bảo giao thông đường thủy. Mặt bằng Công trình thủy điện Hòa Bình trải dài trên diện tích 170 ha, không kể việc quản lý kỹ thuật công trình hồ chứa với diện tích 20.000 ha. Thiết bị công nghệ được lắp đặt từ cao độ + 162 m - 23,5 m so với mực nước biển. Tua bin, máy phát, máy biến áp của 8 tổ máy và hệ thống các thiết bị phụ trợ được lắp đặt trong hầm sâu với tổng diện tích chiều dài các đường hầm trong tổ hợp công trình ngầm gần 20 km. Môi trường làm việc của CB-CNV có nhiều yếu tố nguy hiểm, nguy cơ mất an toàn cao như trong hầm sâu, trên cao và gần thiết bị mang điện… Từ những đặc điểm trên, việc đảm bảo tuyệt đối an toàn được Công ty xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình sản xuất.
Những năm qua, công tác ATVSLĐ luôn được Công ty coi là nhiệm vụ hàng đầu. Song song với xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh, hàng năm, Công ty xây dựng Kế hoạch ATVSLĐ theo đúng quy định của Bộ LĐ-TB&XH, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu về ATVSLĐ-PCCN cho người lao động để thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của đơn vị đã đề ra. Riêng năm 2016, Công ty đầu tư trên 5,5 tỷ đồng thực hiện kế hoạch ATVSLĐ. Để quản lý tốt vấn đề này, Công ty đã thành lập Hội đồng ATVSLĐ gồm 7 thành viên; 1 phòng Kỹ thuật an toàn gồm 2 cán bộ chuyên trách làm công tác ATVSLĐ; 1 trạm y tế bao gồm 1 bác sỹ, 1 y sỹ, 1 y tá để đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung của công tác ATVSLĐ và chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Bên cạnh đó, Công ty thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên gồm 34 người. Thành lập lực lượng chữa cháy tại chỗ gồm 72 người. Công ty đã ban hành các quy trình vận hành, nội quy làm việc với từng máy, thiết bị, từng vị trí làm việc và giám sát thực hiện nghiêm chỉnh các quy định trong quy trình. Với hệ thống các văn bản theo ISO và các quy định về an toàn được thực hiện bài bản hơn.
Bên cạnh đó, Hội đồng Bảo hộ lao động đã phối hợp chặt chẽ với BCH Công đoàn Công ty duy trì thường xuyên các hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người lao động về tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ - PCCN. Các nhóm đối tượng đều được Công ty huấn luyện ATVSLĐ theo quy định của Nghị định số 44/2016/NĐ-CP. CB-CNV Công ty được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân đầy đủ, đúng quy định, đảm bảo chất lượng. Thực hiện tốt công tác PCCN, hàng năm, cảnh sát PCCC&CNCH tỉnh phối hợp với Công ty xây dựng phương án chữa cháy tổng hợp; diễn tập phương án chữa cháy kho lưu trữ với sự tham gia của hơn 100 người, đạt kết quả tốt. Công ty đã thành lập Ban chỉ đạo công tác PCCC dưới sự chỉ huy của đồng chí Giám đốc. Tại các đơn vị cũng thành lập 10 tổ chữa cháy với 72 CB-CNV tham gia. Các thiết bị PCCC được trang bị đầy đủ. Công tác y tế, môi trường, đời sống và chăm sóc sức khoẻ cho người lao động được đảm bảo. Thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động như sửa chữa nhà xưởng, trang bị thiết bị hoặc sáng kiến áp dụng biện pháp khoa học công nghệ để giảm thiểu tai nạn lao động các yếu tố có hại cho người lao động...
Đồng chí Phạm Văn Vương khẳng định: Nhờ chú trọng thực hiện công tác ATVSLĐ - PCCN, trong những năm gần đây, Công ty không để xảy ra tai nạn lao động, không có người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp, không xảy ra cháy, nổ do chủ quan, môi trường lao động ngày càng cải thiện, cảnh quan công trình xanh - sạch - đẹp.
HL