(HBĐT) - Đó là chỉ đạo của Sở NN& PTNT sau khi đoàn công tác của Sở đi kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp của các địa phương tại thời điểm này và nhận thấy: Do ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài từ ngày 15 - 26/7, tiến độ sản xuất vụ mùa, hè thu của hầu hết các địa phương đều bị chậm so với kế hoạch. Cùng với nhiều diện tích đang còn để trống, có nhiều diện tích vừa mới gieo trồng đã bị thiệt hại do ngập úng nên buộc phải gieo trồng lại. Chính vì thế, yêu cầu đặt ra từ nay đến trước ngày 15/8 là: Khẩn trương khôi phục diện tích bị thiệt hại do mưa lũ, đồng thời đẩy nhanh tiến độ sản xuất các loại cây trồng, nhất định không được bỏ đất trống trong toàn vụ sản xuất.


Mặc dù bắt đầu vụ mùa khá muộn so với các địa phương khác nhưng nhờ cấy tập trung nên đến giữa tháng 7, huyện Lạc Sơn đã gieo cấy trên 90% tổng diện tích lúa mùa theo kế hoạch đề ra. Vừa cấy xong, mạ chưa kịp bén rễ thì mưa lũ kéo đến. Mưa liên tiếp mấy ngày với lưu lượng nước lớn nhất từ đầu năm đến nay. Cánh đồng khắp nơi ngập trong biển nước, nhất là tại các xứ đồng thuộc vùng Cộng Hòa, vùng Đại Đồng, vùng huyện và các địa bàn ven sông, suối.

Cũng như các xóm trong khu vực, thay thế cho màu xanh mơn mởn của mạ non mấy hôm trước, đến ngày 17/7, toàn bộ các khu ruộng vùng trũng của xã Yên Phú đều bị chìm trong dòng nước đục ngầu. Mấy nghìn m2 ruộng của nhà chị Bùi Thị Dành, xóm Bái cũng ngập nặng. Chị Dành kể: Nước dâng lên cao, các hộ phải huy động hết máy bơm để bơm nước cứu lúa nhưng nước quá nhiều, tiêu úng không kịp. Đến khi nước rút thì ruộng cũng tan hoang. Do ngập úng, mạ thối hàng loạt. Bà con phải nhổ bỏ đi những cây bị thối rễ, giữ lại những phần còn khôi phục được. May mắn như ruộng nhà chị phải cấy dặm lại khoảng 1/3. Các hộ khác phải cấy dặm nhiều hơn. Nhiều hộ mất trắng chỉ biết xót xa nhìn những vạt ruộng thâm đen phải nhổ bỏ hết để cấy lại hoàn toàn.


Cán bộ Sở NN&PTNT tìm hiểu tình hình thiệt hại sau mưa lũ của nông dân tại xã Liên Vũ (huyện Lạc Sơn).

Trên phạm vi toàn tỉnh, mức độ thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với trồng trọt được xác định ở mức cao nhất là thời điểm đến hết ngày 21/7. Theo thống kê của Chi cục TT&BVTV: Từ ngày 15-21/7, toàn tỉnh có khoảng 769 ha lúa mùa bị thiệt hại mức 30-70%; trên 1.735 ha bị thiệt hại trên 70%. Ngoài ra, có trên 110 ha cây công nghiệp và ăn quả, khoảng 1.187 ha ngô, cây màu khác bị thiệt hại. Đến ngày 22/7, ngay sau khi nước rút, các địa phương đã tích cực khôi phục sản xuất nhưng thiệt hại mưa lũ gây ra đã làm chậm đáng kể tiến độ sản xuất vụ mùa, hè thu. Đến ngày 26/7, các địa phương đều bị chậm tiến độ mặc dù trước đó, tiến độ đã được đẩy nhanh và cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra.

Qua kiểm tra sản xuất tại các địa phương những ngày vừa qua, đoàn công tác của Sở NN&PTNT nhìn nhận: Sau mưa lũ, đến cuối ngày 25/7, các địa phương đã tích cực huy động nhân lực, vật lực để khôi phục sản xuất nông nghiệp bằng nhiều biện pháp. Kết quả là nhiều diện tích lúa mùa bị thiệt hại nặng đã được khôi phục bằng cách cấy dặm hoặc cấy lại hoàn toàn. Đối với các diện tích cây trồng khác, bà con nông dân đã được cán bộ chuyên ngành hướng dẫn thực hiện các biện pháp chăm sóc sau ngập úng. Theo đó đã khẩn trương khơi thông dòng chảy giúp thoát nước cho vườn cây, xới phá váng, bón phân cho cây màu ngay khi thời tiết thuận lợi, giúp cây nhanh hồi phục, sinh trưởng, phát triển tốt…

Ghi nhận những nỗ lực này, lãnh đạo Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo các biện pháp cấp bách cần tập trung thực hiện trong thời gian từ nay đến trước ngày 15/8. Cụ thể, đối với sản xuất lúa, cần chủ động tiêu úng cho diện tích lúa bị ngập, rửa lá làm sạch bùn ngay sau khi nước rút, đồng thời tiến hành làm cỏ, sục bùn, tăng cường chăm sóc, bón phân giúp cây lúa nhanh hồi phục. Với những diện tích lúa mới cấy bị vùi lấp không có khả năng phục hồi, cần khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, làm đất ngay sau khi nước rút để gieo cấy lại. Những nơi còn mạ dự phòng có thể sử dụng để cấy lại. Những nơi không còn mạ dự phòng có thể sử dụng một số giống lúa cực ngắn ngày như TH3-5, Việt lai 20, Việt lai 24, MĐ... để gieo xạ. Lưu ý chỉ cấy lại nếu đảm bảo hoàn thành trước ngày 5/8. Nếu không đảm bảo thời vụ này, cần chủ động chuyển đổi sang trồng các cây màu ngắn ngày hoặc cây trồng làm thức ăn chăn nuôi.

Khuyến cáo thời vụ sản xuất không còn nhiều, đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PNTT nhấn mạnh: Đối với cây lúa, thời vụ gieo cấy cho phép đến ngày 5/8. Do đó, từ nay đến trước ngày 5/8, các địa phương cần khẩn trương khôi phục diện tích lúa mùa, huy động tối đa mạ dự phòng để cấy dặm, cấy bù diện tích bị thiệt hại, phấn đấu hoàn thành kế hoạch về diện tích với tổng diện tích toàn tỉnh gần 23,5 nghìn ha. Đối với các loại cây màu, tuy có khung thời vụ dài hơn (đến ngày 15/8) nhưng các địa phương không nên vì thế mà chủ quan. Bởi từ nay đến thời điểm 15/8 có thể xuất hiện những diễn biến bất thường về thời tiết và dịch bệnh, ảnh hưởng bất lợi đến tiến độ sản xuất. Chính vì thế, yêu cầu đặt ra từ nay đến trước ngày 15/8 là tập trung làm đất, chuẩn bị sẵn sàng vật tư, giống và phân bón để gieo trồng các loại cây màu trong khung thời vụ tốt nhất. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là công tác phòng - chống thiên tai đối với sản xuất trồng trọt nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung. Trong điều kiện khó khăn chồng chất khó khăn, đề nghị các địa phương quyết tâm hoàn thành kế hoạch gieo trồng vụ mùa, hè thu, nhất định không được bỏ đất trống trong toàn vụ sản xuất.


                                                                      Thu Trang


Các tin khác


Tập huấn kỹ năng viết tin, bài cho Báo điện tử

(HBĐT)- Trong 2 ngày 25 - 26/7, tại Hà Nội, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) đã tổ chức khóa bồi dưỡng nghiệp vụ "Kỹ năng viết tin, bài cho Báo điện tử” cho 21 học viên đến từ các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Nhà báo Nguyễn Thúy Hoa, Trưởng ban hợp tác quốc tế của Đài Tiếng nói Việt Nam là giảng viên của khóa học.

Mưa lớn cảnh báo lũ quét, sạt lở đất trên khu vực tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hòa Bình, do chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua giữa khu vực Nam đồng bằng, sáng sớm nay (27/7), tỉnh Hòa Bình đã có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Điển hình như: xã Tiến Sơn (Lương Sơn) 90mm; Xuân Phong (Cao Phong) 78mm; Thanh Hà (Lạc Thủy) 77mm; TP Hòa Bình 60mm; Mường Khến (Tân Lạc) 54mm.

Huyện Đà Bắc: Còn nhiều vi phạm tái lấn chiếm hành lang giao thông

(HBĐT) - Tình trạng cứ dẹp được một thời gian lại bị lấn chiếm, chưa giải quyết được tái lấn chiếm hành lang giao thông một cách quyết liệt và triệt để là những vấn đề đang diễn ra sau 2 năm triển khai Năm An toàn giao thông ở huyện Đà Bắc.

Cảnh báo lũ quét và sạt lở đất ở nhiều nơi trong tỉnh

(HBĐT) - Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hòa Bình cho biết: Do chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua giữa khu vực Nam đồng bằng, trong ngày 25/7, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã có mưa, có nơi mưa vừa (Kim Bôi 35 mm; Yên Thuỷ 26 mm; Tân Lạc 22mm/ 6 giờ).

Bắc Bộ có mưa lớn diện rộng, các tỉnh miền núi đề phòng lũ quét

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Bắc Bộ nên ngày 25/6 khu vực này và Thanh Hóa đã có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to với lượng mưa phổ biến 20-40mm, có nơi trên 50mm như Sìn Hồ (Lai Châu) 54mm, Vạn Yên (Sơn La) 59mm, Yên Châu (Hòa Bình) 54mm, Bảo Hà (Lào Cai) và Hà Nam 87mm...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục