Chợ tự phát ở một khu phố phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) gây mất mỹ quan đô thị.
Đối với công tác quản lý đất đai, đồng chí Đinh Văn Hòa, Giám đốc Sở TN&MT khẳng định: Việc quản lý đất đai tại đô thị trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua luôn được quan tâm thực hiện sâu sát. Đến nay, đã thực hiện việc xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính đối với toàn bộ 210 xã, phường, thị trấn, trong đó có 8 phường tại TP Hòa Bình và 11 thị trấn tại 10 huyện. Hoàn thành việc lập bản đồ hành chính khu vực đô thị đối với 8 phường và 7 xã thuộc TP Hòa Bình. Việc khảo sát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất được thực hiện toàn bộ đối với 8 phường và 11 thị trấn trên địa bàn tỉnh. Việc lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất được thực hiện chung đối với cấp huyện của 10 huyện và TP Hòa Bình theo quy định của pháp luật đất đai. Riêng việc điều tra, đánh giá tài nguyên đất chưa thực hiện được do nguồn ngân sách địa phương còn hạn hẹp. Việc giao đất, cho thuê đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; điều tra xây dựng bảng giá đất... luôn được đề xuất điều chỉnh hàng năm. Tỉnh ta cũng đã và đang tiếp cận việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai trên mạng internet. Hiện, thị trấn Mường Khến và 23 xã của huyện Tân Lạc đã thực hiện xong và đang tiếp tục triển khai tại thị trấn Hàng Trạm và 12 xã của huyện Yên Thủy.
Về tiến trình quy hoạch đô thị, đồng chí Quách Cao Sơn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm. Ngay từ năm 2013, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) trên địa bàn tỉnh. Hiện, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cấp huyện đang được UBND các huyện, thành phố rà soát bổ sung, hoàn thiện để tổ chức thẩm định, trình duyệt. Thực tế, việc quy hoạch đất đai ở các huyện, thành phố mới chỉ dừng lại ở quy hoạch chung, chưa có quy hoạch chi tiết. Về chất lượng quy hoạch cơ bản là tốt, nhưng quản lý quy hoạch thì chưa đảm bảo, đây là điểm vướng ở tất cả 11 huyện, thành phố. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu kinh phí để cắm mốc quy hoạch dẫn đến việc người dân tự cơi nới, xây dựng, phá vỡ quy hoạch. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng thường xuyên bị điều chỉnh (theo quá trình thu hút đầu tư phát triển KT-XH). Quá trình điều chỉnh xảy ra tình trạng lệch pha như: quy hoạch xây dựng sau không liên kết hoàn toàn với quy hoạch trước; quy hoạch ngắn hạn chưa phù hợp hoàn toàn với quy hoạch trung và dài hạn...
Theo phân tích của đại diện các sở, ngành hữu quan và lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, tính đến thời điểm hiện tại, việc tạo diện mạo mới cho đô thị vẫn đang hết sức khó khăn. Để thực hiện tốt các mục tiêu trong Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030, đại diện các cơ quan chức năng, các huyện, thành phố có chung đề nghị: UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị (bao gồm TP Hòa Bình và các thị trấn). Trong đó, lưu ý công tác chấp hành pháp luật về quy hoạch đô thị, quản lý, sử dụng đất. Thực hiện các chính sách, pháp luật về đất đai đô thị phải phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt. Quản lý chặt chẽ việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Khắc phục tình trạng quy hoạch chạy theo dự án. Một mặt, bố trí ngân sách để triển khai quy hoạch các đô thị (thành phố, thị trấn) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thuộc trách nhiệm của ngân sách Nhà nước. Tăng cường năng lực quản lý Nhà nước của các cơ quan quản lý quy hoạch, có chính sách thu hút nguồn lực đầu tư và quản lý đầu tư theo quy hoạch. Chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật về đất đai. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân lấn chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích, chậm đưa đất vào sử dụng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất sai quy định, hủy hoại đất. Tập trung giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai thuộc thẩm quyền của địa phương, đặc biệt là những vụ việc phức tạp, kéo dài. Không để phát sinh các vụ việc phức tạp mới hoặc xảy ra điểm nóng về tranh chấp đất đai... Những đề xuất này mang theo kỳ vọng sẽ tạo nên diện mạo mới cho TP Hòa Bình và các thị trấn của 10 huyện trên địa bàn tỉnh trong tương lai.
Thúy Hằng
(HBĐT) - Từ ngày 28-31/5, Văn phòng điều phối chương trình MTQG xây dựng NTM tổ chức lớp tập huấn cho 100 học viên là các chủ thể, cơ sở SX-KD tham gia chương trình OCOP năm 2019 của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.