Nông dân xã Chiềng Châu (Mai Châu) phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa.
Tại huyện Mai Châu, qua theo dõi phát hiện sâu cuốn lá nhỏ xuất hiện và gây hại, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn, các xã, thị trấn chủ động theo dõi đồng ruộng để kịp thời xử lý các ổ bệnh. Đồng chí Lê Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Mai Châu cho biết: Để phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, bà con cần tăng cường kiểm tra ruộng lúa, phát hiện sâu cuốn lá gây hại để sớm phun trừ kịp thời. Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại, bảo vệ thiên địch. Kiểm tra đồng ruộng khi mật độ sâu cao từ 20 con/m2 trở lên tiến hành phun trừ bằng một số loại thuốc như: Vi-BT, Bitadin WP, Voliam Targo 063SC… Phun thuốc theo nguyên tắc "4 đúng”, nồng độ và liều lượng phun theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì. Sau khi phun trừ nếu gặp trời mưa cần phải phun lại.
Theo thống kê của Chi cục TT&BVTV tỉnh, hiện sâu cuốn lá nhỏ tiếp tục gây hại tại các huyện: Lạc Sơn, Mai Châu, Yên Thủy, Lạc Thủy, TP Hòa Bình với tổng diện tích nhiễm 447ha, tăng so với kỳ trước (kỳ trước 347ha).
Để bảo vệ năng suất lúa vụ mùa năm 2023 và hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu cuốn lá nhỏ gây ra, Sở NN& PTNT ban hành Công văn số 2067/ SNN-TTBVTV, ngày 2/8 về việc tập trung phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa mùa năm 2023. Theo đó, đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn cấp huyện tăng cường bám sát cơ sở, tham mưu cấp tốc văn bản chỉ đạo phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ. Phối hợp cơ quan truyền thông thông tin kịp thời tình hình sâu cuốn lá nhỏ hại tại các khu vực cụ thể để nông dân biết, chủ động biện pháp phòng chống kịp thời, hiệu quả. Huy động tối đa lực lượng cán bộ tăng cường cho cơ sở để hỗ trợ công tác chỉ đạo sản xuất và phun phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ càng sớm càng tốt.
Về biện pháp phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, Sở NN&PTNT khuyến cáo: Đối với diện tích lúa mùa sớm - chính vụ (tại các huyện: Yên Thủy, Lạc Thủy, Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Sơn, TP Hòa Bình) có trưởng thành vũ hóa rộ từ cuối tháng 7 thì thời điểm phun phòng trừ tốt nhất ngay từ đầu tháng 8.
Đối với diện tích mùa chính vụ - muộn (tại các huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong) có trưởng thành vũ hóa rộ từ ngày 5 - 15/8, thời điểm phun trừ tốt nhất từ ngày 15 - 25/8. Đặc biệt quan tâm đến diện tích lúa ôm đòng - trỗ bông, tập trung phun phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ có mật độ 20 con/m2 trở lên để bảo vệ bộ lá đòng; đối với những diện tích có mật độ sâu cao cần thiết phải phun kép 2 lần, phun lần 2 cách lần 1 từ 3 - 5 ngày.
Các đơn vị thuộc sở tăng cường công tác điều tra phát hiện, dự báo sớm, chính xác thời điểm phát sinh, cao điểm gây hại của các đối tượng dịch hại chính; hướng dẫn biện pháp xử lý cụ thể, phù hợp cho từng đối tượng; xây dựng các mô hình phòng trừ, mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, kết hợp với chương trình đào tạo nghề cho nông dân...
Đồng chí Vũ Thị Anh Đào, Chi cục phó Chi cục TT&BVTV tỉnh cho biết: Để nâng cao hiệu quả phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, các địa phương cần phối hợp cơ quan truyền thông thông tin kịp thời về tình hình sâu cuốn lá nhỏ hại tại khu vực cụ thể để nông dân biết, kịp thời có biện pháp phòng trừ. Trong những trường hợp cần thiết, đề nghị các huyện, thành phố chủ động trích ngân sách dự phòng để hỗ trợ vật tư, phương tiện giúp nông dân phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, tránh lây lan bùng phát trên diện rộng.
Thu Hằng