Về nguyên tắc thi hành kỷ luật trong Đảng, Quy định số 22-QĐ/TW (QĐ 22) quy định rõ hơn về việc xét công nhận đảng viên chính thức đối với đảng viên bị xử lý kỷ luật: Đảng viên dự bị vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, khi hết thời hạn dự bị, chi bộ vẫn tiến hành xét công nhận đảng viên chính thức. QĐ 22 quy định trách nhiệm của cá nhân liên quan khi kỷ luật tổ chức Đảng (TCĐ): Khi kỷ luật một TCĐ phải xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với những đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu TCĐ.
Về thẩm quyền kỷ luật TCĐ, đảng viên, bổ sung thêm BTV đảng uỷ, UBKT cơ sở:
Đối với kỷ luật đảng viên: BTV đảng uỷ cơ sở quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong đảng bộ (kể cả đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp uỷ cùng cấp quản lý nhưng không phải cấp uỷ viên cùng cấp hoặc cán bộ thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý). UBKT đảng uỷ cơ sở quyết định hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong đảng bộ (kể cả cấp uỷ viên chi bộ, cấp uỷ viên đảng uỷ bộ phận, cán bộ thuộc diện cấp uỷ cùng cấp quản lý nhưng không phải cấp uỷ viên cùng cấp).
Đối với kỷ luật TCĐ: BTV cấp uỷ từ cấp cơ sở trở lên có quyền kỷ luật TCĐ cấp dưới theo quy định. UBKT các cấp quyết định hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo TCĐ trực thuộc cấp uỷ cấp dưới.
Về thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm pháp luật, QĐ 22 nêu rõ TCĐ có thẩm quyền chủ động, kịp thời kiểm tra, kết luận và xem xét xử lý đảng viên khi có các tài liệu của cơ quan thanh tra, kiểm toán cung cấp có vi phạm pháp luật. Cụ thể: "Đảng viên bị khởi tố, truy tố hoặc bị tạm giam hoặc do cơ quan thanh tra, kiểm toán cung cấp nội dung vi phạm pháp luật thì TCĐ có thẩm quyền chủ động, kịp thời kiểm tra, kết luận và xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên có vi phạm đến mức phải xử lý, không chờ kết luận hoặc tuyên án của toà án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán; không cần quyết định cho đảng viên, cấp ủy viên trở lại sinh hoạt mới xem xét, xử lý kỷ luật. Sau khi có bản án hoặc quyết định của tòa án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán, nếu thấy cần thiết, TCĐ có thẩm quyền kỷ luật, xem xét lại việc kỷ luật Đảng đối với đảng viên đó”.
Đảng viên chính thức vi phạm nghiêm trọng đến mức phải khai trừ thì phải kỷ luật khai trừ, không áp dụng biện pháp xóa tên, không chấp nhận việc xin ra khỏi Đảng.
QĐ 22 bổ sung thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với cấp uỷ, BTV cấp uỷ. Cụ thể: Cấp uỷ, BTV cấp uỷ, UBKT có nhiệm vụ giải quyết tố cáo đối với TCĐ và đảng viên thuộc phạm vi quản lý của cấp uỷ cùng cấp. Đồng thời, bổ sung thẩm quyền của TCĐ trong việc giải quyết tố cáo đối với các trường hợp cán bộ về hưu bị tố cáo trong thời gian đang đương chức: Trường hợp đảng viên là cấp uỷ viên các cấp hoặc cán bộ thuộc diện cấp uỷ các cấp quản lý đã nghỉ hưu, nếu bị tố cáo vi phạm khi đang công tác thì thẩm quyền giải quyết tố cáo được thực hiện như đang đương chức.
Về nguyên tắc giải quyết tố cáo so với Quy định số 30-QĐ/TW, QĐ 22 bổ sung thêm nội dung: Nếu đơn tố cáo giấu tên, mạo tên nhưng rõ địa chỉ, đối tượng và nội dung tố cáo thì TCĐ có thẩm quyền nắm tình hình để làm cơ sở kiểm tra, giám sát (KTGS) đối với TCĐ, đảng viên bị tố cáo.
Về giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng (KLĐ), QĐ 22 bổ sung thẩm quyền giải quyết khiếu nại KLĐ đối với UBKT, BTV cấp uỷ cơ sở: Việc giải quyết khiếu nại KLĐ được tiến hành từ UBKT, BTV cấp uỷ hoặc cấp uỷ từ cấp cơ sở trở lên.
Về thẩm quyền chuẩn y, thay đổi hoặc xoá kỷ luật, QĐ 22 bổ sung thêm đối với cấp uỷ, BTV cấp uỷ và UBKT cơ sở. Cụ thể: UBKT đảng uỷ, BTV đảng uỷ hoặc đảng uỷ từ cấp cơ sở trở lên có thẩm quyền chuẩn y, thay đổi hoặc xoá bỏ hình thức kỷ luật đối với đảng viên, TCĐ do TCĐ cấp dưới quyết định.
QĐ 22 bổ sung về công tác KTGS của các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp uỷ (tại Điều 5); các Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn (tại Điều 6) và chi bộ (tại Điều 7); về trình tự, thủ tục, phương pháp tiến hành giải quyết khiếu nại KLĐ (tại Điều 27).
Ngoài những nội dung cơ bản đã nêu trên, QĐ 22 còn được chỉnh sửa, lược bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các quy định, quy chế, quy trình về KTGD, thi hành KLĐ nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, cải tiến, đổi mới phương pháp, kỹ năng, quy trình công tác KTGS, KLĐ, bảo đảm khách quan, dân chủ, đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, khả thi, khắc phục cơ bản những hạn chế, vướng mắc khi triển khai thực hiện công tác KTGS trong nhiệm kỳ XII, đồng thời đảm bảo việc KLĐ nghiêm minh, kịp thời, chính xác.
Hoàng Nam An
(Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy)