Cán bộ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ trao đổi kinh nghiệm nâng cao chất lượng công tác tham mưu giúp cấp uỷ triển khai công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
Việc ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU đã cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ để thực hiện công tác KT, GS phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Qua đó tạo được sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, thống nhất ý chí, hành động và nâng cao chất lượng, hiệu quả của cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác KT, GS. Cùng với đó, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh uỷ có nhiều đổi mới trong việc lãnh đạo quán triệt, sửa đổi, ban hành các văn bản theo sự chỉ đạo của T.Ư về công tác KT, GS; chỉ đạo và thực hiện nghiêm việc xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra toàn khóa và hàng năm; thực hiện KT, GS những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra vi phạm, các vấn đề cán bộ, đảng viên, nhân dân, dư luận quan tâm theo hướng tất cả các vi phạm đều phải có người chịu trách nhiệm để xử lý theo quy định.
Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU và Quyết định số 387-QĐ/TU, chất lượng các mặt công tác KT, GS của Đảng có nhiều chuyển biến. Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) các cấp đã kịp thời quán triệt, triển khai các văn bản của T.Ư, đặc biệt đã ban hành mới nhiều văn bản, hướng dẫn nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác KT, GS. Số lượng các cuộc KT,GS năm sau cao hơn năm trước, nội dung tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, những vấn đề bức xúc cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm... Năm 2021, BTV Tỉnh uỷ đã tiến hành kiểm tra đối với 20 tổ chức Đảng (TCĐ) và 4 đảng viên; giám sát chuyên đề đối với 8 TCĐ và 6 đảng viên; cấp uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ và cấp uỷ cơ sở kiểm tra 1.084 đảng viên, 645 TCĐ. Số lượng tăng so với năm trước, chất lượng bảo đảm yêu cầu. TCĐ, đảng viên vi phạm đều được xem xét thi hành kỷ luật bảo đảm đúng quy định. Đặc biệt, UBKT các cấp đã tham mưu giúp cấp uỷ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 1 TCĐ và 7 đảng viên trong việc lãnh đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy định về lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tài chính, ngân hàng; đầu tư xây dựng cơ bản. Từ đó chỉ rõ những những hạn chế, khuyết điểm, yêu cầu TCĐ và các đồng chí được kiểm tra nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Đồng chí Đinh Văn Hùng, Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh uỷ cho biết: Nghị quyết số 09-NQ/TU đã giúp nhận thức của các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc cấp ủy, cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác KT, GS được nâng cao. Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác KT, GS của Đảng bộ tỉnh được nâng lên rõ rệt. Các cuộc KT, GS bảo đảm đúng quy trình, phương pháp, phương châm, qua đó chỉ rõ những ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân để kịp thời uốn nắn, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm của TCĐ, cán bộ, đảng viên, chủ động ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm từ trong nội bộ và ngay từ cơ sở; chú trọng khâu thẩm tra, xác minh kết luận rõ đúng, sai, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân và kịp thời xem xét, xử lý kỷ luật Đảng các trường hợp vi phạm tới mức phải thi hành kỷ luật.
Nhằm nâng cao chất lượng công tác KT, GS, trên cơ sở cụ thể hoá chủ trương, định hướng của T.Ư, cơ quan UBKT Tỉnh uỷ đã triển khai đề tài khoa học về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với TCĐ và đảng viên ở Đảng bộ tỉnh, bắt đầu thực hiện từ năm 2023. Hoà Bình là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai giải pháp cụ thể về nâng cao chất lượng công tác KT, GS trong tình hình mới. Bên cạnh đó, Đảng bộ tỉnh đang cụ thể hoá chiến lược KT, GS của Đảng đến năm 2030. Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, TCĐ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác KT, GS, kỷ luật Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, sự đoàn kết, thống nhất và giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, kiên quyết xử lý suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực trong Đảng và hệ thống chính trị. Thực hiện KT, GS theo phương châm giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng; các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm; việc thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; kê khai tài sản, thu nhập... Mở rộng giám sát trên tất cả các địa bàn, lĩnh vực; chú trọng vào những nơi nội bộ có biểu hiện mất đoàn kết, dư luận xã hội quan tâm; nâng cao tính chủ động để kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm từ sớm, từ xa. Chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nhất là kiểm tra dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời, triệt để, đồng bộ các TCĐ, đảng viên có vi phạm. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh.
Lê Chung