Đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan tham gia cuộc gặp mặt. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đặc biệt quan tâm công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, với yêu cầu bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và đúng tiến độ, kế hoạch đã đề ra, chọn được những người xứng đáng vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu xây dựng các phương án, kịch bản chi tiết cho công tác bầu cử phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa bàn và diễn biến dịch COVID-19, nhất là đối với những người và vùng bị cách ly, giãn cách xã hội. Giữ vững an ninh, an toàn tuyệt đối trước, trong, sau bầu cử và yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bầu cử đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung và có chiều sâu; chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên không gian mạng.
Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức cuộc gặp gỡ giữa đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị liên quan và các cơ quan báo chí để cung cấp thông tin, giúp nhân dân biết, nắm rõ và yên tâm thực hiện quyền công dân của mình vào ngày 23/5 tới, đảm bảo cho cuộc bầu cử diễn ra tốt đẹp nhất, thành công nhất.
Các đại biểu tham dự và cung cấp thông tin tại buổi gặp:
- Bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia, Phó Trưởng Tiểu Ban Thường trực Tiểu Ban Nhân sự;
-Ông Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng Tiểu Ban Thường trực Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin tuyên truyền;
-Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người Phát ngôn Bộ Công an;
-Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Tổ trưởng Tổ công tác thường trực y tế phục vụ bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp.
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người Phát ngôn Bộ Công an. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Bốn thủ đoạn chống phá và nỗ lực bảo đảm an ninh của lực lượng công an
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an: Mỗi lần chúng ta có sự kiện trọng đại của đất nước như Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử Quốc hội hay các ngày kỷ niệm thống nhất đất nước 30/4, các thế lực thù địch luôn coi đó là cơ hội để chống phá Nhà nước.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cũng là dịp các thế lực thù địch lợi dụng chống phá, tập hợp lực lượng, nói xấu, bôi nhọ Đảng và Chính phủ.
Qua theo dõi thời gian vừa qua, Bộ Công an nhận thấy có một số thủ đoạn, phương thức mà các thế lực phản động, chống đối sử dụng.
Thứ nhất, công kích bôi nhọ nhiều đồng chí lãnh đạo các cấp, nhất là các đồng chí là ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, làm giảm sút lòng tin của nhân dân gây ảnh hưởng xấu hoạt động bầu cử.
Thứ hai, lợi dụng quá trình chuẩn bị về công tác nhân sự của hoạt động bầu cử để phát tán các thông tin theo hướng phân hoá thành phần nhân sự ứng cử đại biểu, trong Đảng và ngoài Đảng, nhằm gây chia rẽ nội bộ, gây nhiễu loạn thông tin, gây ra các dư luận trái chiều.
Thứ ba, sử dụng mạng xã hội để đăng tải nhiều đơn thư khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo, xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo các cấp, bịa đặt chính quyền đàn áp, bắt giam những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội, vu cáo chính quyền tước quyền bầu cử của người dân. Thậm chí có một số tổ chức phản động, cá nhân kêu gọi người dân thực hiện chiến dịch "không biết không đi bầu”, kích động không đi bầu cử, tẩy chay bầu cử.
Thứ tư, Bộ Công an, lực lượng công an đã phát hiện tổ chức khủng bố như Việt Tân xây dựng và tiến hành các chiến dịch quy mô lớn nhằm chống phá cuộc bầu cử, ý đồ tạo ra làn sóng phong trào để lôi kéo các đối tượng phản động chống đối trong nước tham gia tẩy chay bầu cử. Chúng đã thiết lập các trang mạng về bầu cử Quốc hội 2021 để phát tán thông tin, bài viết, video clip xuyên tạc. Nhiều tổ chức phản động, chống đối trong và ngoài nước ráo riết sử dụng các trang blog, mạng xã hội để đăng tải bài viết, video kích động kêu gọi biểu tình chống Đảng, Nhà nước trong dịp chuẩn bị tổ chức bầu cử và làm xói mòn lòng tin của người dân, cử tri vào Đảng, chính quyền.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Bộ Công an đã tổ chức đấu tranh, thực hiện đối sách đối với 124 đối tượng phản động, chống phá, phá hoại bầu cử; quản lý giám sát chặt chẽ 1.251 đối tượng phản động, chống đối, đấu tranh; phá rã 4 nhóm phản động, ngăn chặn 2 chiến dịch tuyên truyền chống phá cuộc bầu cử của bọn phản động lưu vong; thu giữ hàng trăm đầu tài liệu phản động; khởi tố, bắt 3 đối tượng vi phạm pháp luật chống phá bầu cử, khởi tố 11 đối tượng đưa tin xuyên tạc sự thật liên quan đến bầu cử trên không gian mạng, xử lý vi phạm hành chính về hành vi này đối với hàng trăm đối tượng.
Tính từ ngày 15/4 đến nay, lực lượng an ninh nội địa đã phá rã 3 nhóm phản động, truy tìm, triệu tập và khống chế vô hiệu hóa nhiều đối tượng, thu giữ hàng trăm đầu tài liệu phản động. Cục An ninh mạng đã đấu trang, vô hiệu hóa hơn 200 mục tiêu trên không gian mạng, gỡ bỏ 658 video clip có nội dung xuyên tạc cuộc bầu cử.
Về an ninh trật tự, lực lượng cảnh sát đã tổ chức điều tra làm rõ 1.472 vụ án, bắt 2.096 đối tượng phạm tội về trật tự an toàn xã hội, bắt 323 đối tượng truy nã, triệt phá 1.955 vụ, bắt 2.600 đối tượng phạm tội về ma túy, bắt 1.312 vụ, xử lý 7.158 đối tượng đánh bạc, góp phần tạo môi trường an ninh, an toàn phục vụ công tác tổ chức bầu cử.
Lực lượng chức năng của Bộ Công an cũng đã tiếp nhận, tra cứu 66.302 yêu cầu tra cứu về nhân sự, đảm bảo các trường hợp tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp theo đúng quy định của pháp luật về bầu cử. Lực lượng công an đã triển khai tổ chức đưa cán bộ công an làm nhiệm vụ tại 84.687 tổ bầu cử.
Ngoài ra, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 hiện nay, ngoài các thùng phiếu cố định, Bộ Công an còn chuẩn bị lực lượng, phương tiện, phương án để bảo vệ, tiến hành đảm bảo an ninh, an toàn cho các thùng phiếu phụ trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 xảy ra, lập phương án dự phòng.
Lực lượng an ninh mạng đã tấn công, vô hiệu hóa 1.191 mục tiêu trên không gian mạng, thường trực giám sát 300 trang mạng, 100 hội nhóm lớn, 65 kênh Youtube có hoạt động chống phá mạnh, ngăn chặn 3.666 trang mạng có nội dung xấu, độc có máy chủ ở nước ngoài.
Vì dịch bệnh COVID-19 nên lực lượng chống đối, các thế lực thù địch đã thay đổi phương thức tiến hành chống phá, trước đây bằng các phương thức, thủ đoạn truyền thống như đưa người về, câu móc trong ngoài, nay chúng triệt để lợi dụng không gian mạng, triệt để lợi dụng công nghệ thông tin để tiến công chống phá chúng ta. Đây là phương thức rất mới nên lực lượng an ninh ninh mạng sẽ phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình trong việc ngăn chặn thông tin xấu, độc.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế). Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Quy trình phòng, chống COVID-19 bảo đảm để cử tri an toàn thực hiện nghĩa vụ công dân
Thưa ông Lương Ngọc Khuê, công tác bảo đảm về phòng, chống dịch COVID-19 trong thời điểm hiện nay đã được thực hiện đến đâu để nhân dân yên tâm đi bầu cử vào ngày 23/5 tới đây?
Cục trưởng Lương Ngọc Khuê: Về công tác đảm bảo y tế phục vụ bầu cử, Bộ Y tế đã nhận thức đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng tiếp theo nhiệm vụ phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc vừa qua. Chúng tôi đã được Ủy ban Bầu cử quốc gia giao là một trong những thành viên của Tiểu ban An ninh trật tự và Y tế phục vụ cho công tác bầu cử.
Bắt đầu thực hiện nhiệm vụ, Bộ Y tế đã xây dựng ngay Kế hoạch số 538/KH-BYT ngày 22/4/2021 về công tác y tế, trong đó xây dựng các kế hoạch chi tiết để nhằm phục vụ cho bầu cử. Kế hoạch có 4 nội dung lớn cần tập trung chỉ đạo và chúng tôi đã báo cáo Hội đồng Bầu cử quốc gia và Tiểu ban An ninh trật tự và y tế bao gồm:
Tất cả cơ sở y tế trong cả nước chung tay với các cơ quan liên quan thực hiện bảo đảm vệ sinh môi trường; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch không để ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường thời gian trước, trong và sau cuộc bầu cử.
Rà soát lại việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh để xảy ra các vụ ngộ độc; phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm dịch trước và trong thời gian diễn ra bầu cử.
Đặc biệt, bố trí nhân lực sẵn có, khi cần có thể điều động ngay để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc các đối tượng tham gia bầu cử; các tổ y tế thường trực sẵn sàng cấp cứu ngay các cử tri, cán bộ trong Ban Tổ chức, phục vụ các tình huống bị tai nạn, cháy nổ…; sẵn sàng các đội cấp cứu lưu động trên các ô tô cứu thương; các bác sĩ cấp cứu, điều dưỡng, trang thiết bị cấp cứu.
Một nhiệm vụ lớn nhất, quan trọng nhất mà chúng tôi nhận thức là cuộc bầu cử lần này khác tất cả các cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp trước kia, đó là bầu cử triển khai trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đang đợt dịch thứ 4. Trong bối cảnh như vậy chúng ta phải triển khai tập trung phòng, chống dịch.
Tiếp theo kế hoạch này, chúng tôi triển khai các đợt tập huấn, hướng dẫn trên toàn quốc. Cụ thể, có 4 đợt tập huấn với 700 đầu cầu trên cả nước để triển khai các vấn đề này, kết hợp cùng với các biện pháp phòng, chống dịch khác.
Chúng ta biết hiện nay, các tỉnh như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Điện Biên hay Thủ đô Hà Nội đã có những diễn biến dịch phức tạp. Bệnh nhân COVID-19 đã xuất hiện nhiều nơi trong cộng đồng, trong đó có 2 tỉnh có con số hằng ngày có đến hàng chục, thậm chí là hơn một trăm ca nhiễm những ngày đầu.
Tất cả các tình huống này chúng ta đều chủ động có kế hoạch cùng các cơ quan chức năng vào cuộc. Ngành y tế là tuyến đầu nhưng ngoài ra còn có lực lượng công an, bộ đội, biên phòng, các cấp chính quyền để chúng ta chủ động chung tay thực hiện.
Đến nay, chúng tôi nhận định chúng ta đã triển khai các biện pháp đồng bộ, cơ bản làm chủ tình hình. Đặc biệt qua đợt triển khai chỉ đạo của Ủy ban Bầu cử quốc gia cũng như của lãnh đạo Bộ Y tế, đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn công tác.
Chúng tôi được tháp tùng các đồng chí lãnh đạo Bộ Y tế và các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành khác đi kiểm tra được gần 10 tỉnh. Ngay hôm qua (20/5) chúng tôi tháp tùng Bộ trưởng Bộ Nội vụ và hôm trước (19/5) đã tháp tùng lãnh đạo các bộ, ngành kiểm tra tại Thái Bình, Vĩnh Phúc, đã xuống tận tổ bầu cử và nơi cách ly trong bệnh viện.
Ngay trong kịch bản tổng thể, có các kịch bản tổ chức phòng ngừa trong điều kiện dịch bệnh ở tổ bầu cử nơi có dịch, nơi chưa có dịch và đặc biệt lưu ý các tổ cần phải tổ chức hòm phiếu phụ nơi cách ly, nơi có bệnh nhân F1, F2, đặc biệt nữa là đối với bệnh nhân F0.
Các bệnh viện hằng năm vẫn tổ chức bầu cử khi bệnh nhân ở đó nhưng năm nay khác là có bệnh nhân COVID-19. Những kịch bản này được xây dựng cụ thể, từ việc lưu ý cả những bệnh nhân nặng phải làm công tác tư tưởng, cần sự phối hợp của các thầy thuốc ở đó cùng với các lực lượng ở đó để bảo đúng các quy định của pháp luật về cách ly, đảm bảo được chuyên môn về y tế.
Cách đây 2 ngày, chúng tôi đã có báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để ban hành Công điện số 668/QĐ-BYT về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trước và trong thời gian bầu cử để một lần nữa nhắc nhở toàn bộ hệ thống y tế về vấn đề này.
Hôm kia (19/5), chúng tôi đã thành lập tổ công tác thường trực giải đáp tất cả các thắc mắc của các cơ sở y tế, các tổ thực hiện bầu cử ứng trực từ ngày 18/5 đến hết ngày bầu cử; thực hiện hướng dẫn công tác bầu cử trong tình trạng dịch COVID-19 đang căng thẳng để bảo đảm an toàn trước, trong và sau bầu cử.
Với trách nhiệm cơ quan thường trực, sau khi xây dựng kế hoạch, chúng tôi đã kiểm tra và có các công điện, triển khai thực tế. Đến nay có thể khẳng định các điểm bầu cử cơ bản chuẩn bị rất tốt về các điều kiện, nhân lực, nhất là quy trình phòng, chống COVID-19 để giúp người dân an toàn thực hiện nghĩa vụ cử tri cũng như tham dự Ngày hội toàn dân sắp tới.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Công tác nhân sự bài bản, khách quan, chặt chẽ, dân chủ
Cho đến giờ, mọi công tác chuẩn bị cho việc bầu cử vào ngày 23/5 tới đã sẵn sàng, xin hỏi bà Nguyễn Thị Thanh, chúng ta đã làm những việc gì để người dân yên tâm đi bầu cử?
Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Chỉ còn hơn 1 ngày nữa chúng ta sẽ tiến tới ngày bầu cử Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Cách đây 3 ngày, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có hội nghị toàn quốc rà soát công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử.
Tại Hội nghị, Chính phủ, các tiểu ban, các bộ, ban, ngành Trung ương đã nêu những vấn đề liên quan đến công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử, nhất là công tác chuẩn bị tại các địa phương. Chúng tôi rất phấn khởi, từ Trung ương tới các địa phương đều chung nhận định về công tác chuẩn bị trên mọi mặt: Từ nhân sự, tuyên truyền, lên kịch bản phòng chống dịch, đến nhiệm vụ về an ninh trật tự đã được triển khai bài bản, khoa học, chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các địa phương đều thể hiện sự quyết tâm rất cao. Mặc dù trong quy định của Luật Bầu cử có cho phép hoãn ngày bầu cử, nhưng tất cả các địa phương đều đồng lòng là đã sẵn sàng, không đề nghị hoãn bầu cử ở bất kỳ đơn vị nào.
Vấn đề nhân sự tại kỳ bầu cử này đã được triển khai bài bản, khách quan, chặt chẽ, dân chủ, đúng pháp luật và nhận được sự đồng tình của nhân dân, cử tri cả nước qua 3 lần hiệp thương, cũng như lấy ý kiến của cử tri nơi công tác, nơi cư trú đều đạt tỉ lệ tín nhiệm rất cao.
Trong quá trình diễn ra hiệp thương và các lần điều chỉnh của Hội đồng Bầu cử quốc gia, đã xử lý rất nghiêm túc những nhân sự không đủ điều kiện tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Điểm mới của việc thực hiện nhân sự lần này là sự phối hợp rất chặt chẽ của các cơ quan có liên quan, cụ thể là giữa Tiểu ban Nhân sự của Hội đồng Bầu cử quốc gia với Ban Tổ chức Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Công an, Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan. Đặc biệt là sự phối hợp của Ban Tổ chức Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Công an trong việc rà soát, xác minh hồ sơ, tiểu sử của nhân sự để phục vụ cho việc lựa chọn các ứng cử viên vào danh sách chính thức để cử tri cả nước lựa chọn những người tiêu biểu nhất, xứng đáng nhất đại diện cho mình tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Chúng tôi nhận thấy rằng công tác nhân sự nhiệm kỳ này đã thực hiện đảm bảo đầy đủ các nguyên tắc, sự lãnh đạo của Đảng, đúng quy định của pháp luật và nhận được sự đồng tình, ủng hộ và sự tham gia tích cực của cử tri. Trong đó, vai trò của nhân dân và cử tri trong việc tham gia đóng góp ý kiến cũng như giới thiệu, tín nhiệm các ứng cử viên đại diện cho mình tham gia đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp rất chặt chẽ, khách quan, dân chủ và đúng quy định pháp luật.
Về các công việc khác, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã rà soát tất cả các lĩnh vực như công tác tuyên truyền, công tác thành lập các tổ chức bầu cử cho đến việc niêm yết danh sách ứng cử viên và danh sách cử tri, cũng như hướng dẫn chi tiết việc niêm yết danh sách cử tri cũng như các tình huống có thể xảy ra trong cuộc bầu cử năm nay có sự biến động khác với các lần trước về phòng chống dịch. Hội đồng Bầu cử quốc gia đã hướng dẫn rất cụ thể cho các địa phương và cũng đồng tình cho 16 tỉnh tiến hành bỏ phiếu sớm ở một số điểm, cũng như một số lực lượng như quân đội và công an để tập trung phục vụ cho cuộc bầu cử ngày 23/5.
Qua tổng hợp, theo dõi, kiểm tra ở 53 tỉnh, thành phố cũng như phản ánh của các địa phương, tôi cho rằng với truyền thống, ý chí, nghị lực của dân tộc Việt Nam, mỗi khi có khó khăn thì tinh thần Việt Nam, ý chí Việt Nam, trí tuệ Việt Nam càng được khẳng định rõ. Năm nay cũng vậy, chúng ta bầu cử trong hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng tất cả các phương án cũng như tình hình diễn biến dịch ở Việt Nam đã được Tiểu ban An ninh trật tự và y tế, trực tiếp nòng cốt là Bộ Y tế, đã sẵn sàng. Bản thân tôi là Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia, đã theo dõi suốt quá trình diễn ra công tác chuẩn bị và tôi có niềm tin tất cả công tác của cuộc bầu cử này đã sẵn sàng. Hy vọng ngày 23/5 là Ngày hội non sông để chúng ta khẳng định trước nhân dân cả nước cũng như bạn bè thế giới ý chí của người dân Việt Nam luôn được thể hiện cao nhất trong những thời điểm khó khăn nhất.
Tôi tin tưởng cuộc bầu cử sẽ thành công và không thế lực thù địch nào có thể phá hoại cuộc bầu cử khi cả dân tộc Việt Nam đoàn kết, chuẩn bị sẵn sàng từ Trung ương đến địa phương và sự đồng thuận của nhân dân cả nước.
Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Công tác chuẩn bị đã hoàn toàn, cử tri hoàn toàn yên tâm
Thưa ông Hoàng Thanh Tùng, xin ông cho biết trong hoàn cảnh đặc biệt khi cả nước đang phòng, chống dịch và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thì công tác chuẩn bị và công tác tuyên truyền cho đến bây giờ đã chuẩn bị đến đâu và làm thế nào? Các địa phương phải lưu ý gì để làm tốt nhất công tác chuẩn bị cho Ngày hội non sông-Ngày bầu cử?
Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp ở một số địa phương và có một số thế lực phản động cũng tung tin kích động, xúi giục người dân không đi bỏ phiếu và nói rằng trong điều kiện như vậy đi bỏ phiếu không an toàn, nên ở nhà không đi bỏ phiếu.
Trước hết, phải khẳng định đây là luận điệu hết sức phản động, xuyên tạc sai trái nhằm phá hoại cuộc bầu cử, cản trở người dân thực hiện quyền và cũng là nghĩa vụ thiêng liêng là quyền bầu cử đã được Hiến pháp quy định.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các cơ quan Trung ương, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, các bộ ngành liên quan rất kịp thời có những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đề ra các biện pháp, quy định các tình huống cần thực hiện để đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra an toàn, đảm bảo cử tri đi bỏ phiếu an toàn, đảm bảo tất cả cử tri, kể cả những người đã được xác định dương tính với COVID-19 hay những người đang được cách ly do tiếp xúc gần (F1, F2) cách ly tại nhà, cách ly tại cơ sở cách ly tập trung hay đang được điều trị tại các bệnh viện, đều được thực hiện quyền bỏ phiếu của mình theo quy định của Hiến pháp.
Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng đã ban hành nhiều văn bản, như văn bản 234 ngày 13/4/2021; văn bản 214 ngày 8/5; văn bản 225 ngày 11/5 và một số văn bản khác để hướng dẫn cụ thể những công tác như rà soát, cập nhật danh sách cử tri đối với những người đang cách ly, đang chữa COVID-19; hay những phương án, tình huống tổ chức bỏ phiếu trong điều kiện phức tạp của dịch COVID-19 ở các địa bàn đang thực hiện các biện pháp như cách ly xã hội hay phong tỏa; hay bỏ phiếu ở những cơ sở cách ly tập trung… Tất cả đã có hướng dẫn rất chi tiết.
Bộ Y tế đã có kế hoạch 238, Công điện 668 ngày 16/5 tiếp tục hướng dẫn tăng cường các biện pháp y tế phòng, chống dịch trong tình hình cử tri đi bỏ phiếu. Bộ Nội vụ ngày 13/5 cũng có Công văn số 2135 hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử đối với cử tri đang thực hiện cách ly y tế trong điều kiện phòng, chống dịch. Theo các văn bản này, các tổ chức phụ trách bầu cử, tổ bầu cử, UBND cấp xã phải rà soát, cập nhật danh sách cử tri đối với người đang cách ly y tế tại các cơ sở cách ly tập trung, các địa bàn thực hiện cách ly xã hội hay phong tỏa để bảo đảm tất cả cử tri đủ điều kiện đều được thực hiện quyền bỏ phiếu của mình; các cơ quan hướng dẫn các địa phương tùy tình hình lập phương án tổ chức bỏ phiếu đảm bảo an toàn phòng, chống COVID-19; người tham gia công tác bầu cử, kể cả cử tri, thành viên các tổ bầu cử, đều được khai báo y tế, kiểm tra về thân nhiệt; thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế về phòng chống dịch.
Thành viên tổ bầu cử trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu bị nhiễm COVID-19 thì phải thay thế kịp thời. Các địa phương chuẩn bị sẵn sàng phương án nhân sự, trong trường hợp cần thiết phải có nhân sự thay thế thành viên tổ bầu cử để đảm bảo an toàn cho công tác bầu cử; các cơ quan có hướng dẫn cụ thể về trình tự quy trình bầu cử.
Đối với phòng bỏ phiếu cố định, khu vực bỏ phiếu cố định, đảm bảo người đã xác định bị nhiễm COVID-19 hoặc F1, F2 không đến bỏ phiếu tại phòng bỏ phiếu cố định. Đối với những người đang cách ly tại cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung, cách ly tại nhà, đang điều trị tại bệnh viện thì có phương án đem hòm phiếu phụ đến để những người này thực hiện quyền bỏ phiếu với những biện pháp sát khuẩn, khử khuẩn, trang thiết bị bảo hộ cho người tham gia mang hòm phiếu phụ đến nơi đó…
Ủy ban Bầu cử quốc gia hướng dẫn và yêu cầu tất cả các địa phương, nhất là tổ bầu cử, UBND cấp xã lên phương án, kế hoạch để chủ động điều tiết, phân bổ thời gian hợp lý cho công tác bỏ phiếu, cho ngày bỏ phiếu theo cụm dân cư, theo tổ dân phố, theo thôn, làng, cụm gia đình, tránh việc cử tri dồn đến bỏ phiếu tập trung ở một thời điểm quá đông.
Bộ Nội vụ cũng có hướng dẫn cụ thể, ví dụ tổ chức thành các đợt, mỗi đợt tổ chức thành 1 cụm dân cư để bỏ phiếu, mỗi đợt cách nhau 2 tiếng đồng hồ; hoặc ở các phòng bỏ phiếu cố định, cử tri phải thực hiện những bước cụ thể, ví dụ bắt đầu bỏ phiếu thì toàn bộ những người tham gia, thành viên tổ bầu của phải đo thân nhiệt kiểm tra xem có dấu hiện nhiễm COVID-19 hay không, chỉ khi an toàn thì mới bắt đầu bỏ phiếu.
Cử tri đến khu vực bỏ phiếu phải đi theo hàng, giữ khoảng cách giãn cách, mỗi người cách nhau 2 m, được đo thân nhiệt, khai báo y tế trực tiếp hoặc qua khai báo điện tử; bố trí nhân lực thực hiện công việc này với cử tri. Những cử tri nào qua đo thân nhiệt không thấy dấu hiệu gì bất thường thì mới khử khuẩn tay bằng dung dịch khử khuẩn rồi sau đó vào phòng tiếp đón để đưa thẻ cử tri và nhận phiếu bầu.
Quá trình nghiên cứu danh sách ứng cử viên, nghiên cứu tiểu sử cũng phải đảm bảo khoảng cách giữa người này với người kia. Việc viết phiếu cũng phải quy định cụ thể; cử tri viết phiếu mỗi người cách nhau 2 m hoặc phải có vách ngăn; quá trình viết phiếu không ai được đến gần, vừa bảo đảm quyền riêng tư khi cử tri việc viết phiếu cũng như bảo đảm an toàn phòng chống COVID-19. Cử tri viết phiếu xong phải khử khuẩn tay; khi bỏ phiếu thì người này cũng phải cách người kia 2 m; phòng bỏ phiếu đảm bảo đủ rộng rãi thoáng đãng, mở cửa sổ, bật quạt gió, có luồng cửa ra/vào riêng biệt để thực hiện các bước khi đi bỏ phiếu theo luồng nhất định, tránh tình trạng cử tri này tiếp xúc với cử tri kia.
Những quy định đã được hướng dẫn cụ thể và các tổ bầu cử đã được hướng dẫn kỹ công việc phải làm nhằm đảm bảo an toàn trong dịch COVID-19 và hướng dẫn cử tri thực hiện các biện pháp, nhất là 5K, trong quá trình bỏ phiếu. Đó là những hướng dẫn nghiệp vụ nhằm đảm bảo an toàn cho cử tri trong quá trình bỏ phiếu.
Đối với trường hợp đưa hòm phiếu phụ đến các khu cách ly tập trung, đến nhà có người đang cách ly tại nhà thì cũng phải thực hiện theo đúng quy định của ngành y tế cũng như quy định về nghiệp vụ để đảm bảo an toàn cho thành viên tổ bầu cử.
Đến giờ phút này, có thể nói tất cả các địa phương đã tổ chức tập huấn rất kỹ, tất cả các tổ bầu cử và UBND các cấp ở cơ sở đã chuẩn bị sẵn sàng mọi tình huống, mọi kế hoạch cho việc tổ chức bỏ phiếu trong ngày bầu cử thành công, an toàn, đáp ứng yêu cầu phòng chống COVID-19 nghiêm ngặt.
Về công tác tuyên truyền, thời điểm hiện nay là thời điểm tập trung cao độ trong công tác tuyên truyền bầu cử. Chúng ta đã tiến hành tuyên truyền nhiều tháng nay rồi, về rất nhiều khía cạnh, nhằm phản ánh ý nghĩa quan trọng của cuộc bầu cử, vai trò của người dân trong việc thực hiện quyền tham gia lựa chọn những người thực sự xứng đáng, thực sự tiêu biểu để tham gia vào các cơ quan đại diện như Quốc hội và HĐND các cấp.
Nội dung tập trung tuyên truyền về quyền, nghĩa vụ của cử tri: Bầu cử không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của cử tri bằng lá phiếu của mình lựa chọn người đại diện cho mình, nói lên tiếng nói của mình tại các cơ quan như Quốc hội và HĐND. Vấn đề này cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ. Tuyên truyền cụ thể về quy trình thủ tục, các bước tiến hành bỏ phiếu; các biện pháp phòng chống COVID-19 khi đi bỏ phiếu; một mặt để người dân biết và thực hiện đúng, mặt khác để người dân yên tâm khi đi bỏ phiếu, không có việc nhiễm bệnh khi đi bỏ phiếu.
Hình thức tuyên truyền về các vấn đề nói trên thì ngoài các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình, phát thanh, cần thông qua hai kênh nữa là mạng xã hội theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông và hệ thống loa đài ở cơ sở, loa phường, xã có ý nghĩa tốt để tổ chức phát thanh giới thiệu về tiểu sử, danh sách ứng cử viên. Tuyên truyền trực tiếp về công tác bầu cử thường xuyên, liên tục, nhất là về việc bố trí thời gian cho cử tri theo cụm dân cư trong ngày bầu cử để người dân biết họ đi bầu cử vào thời điểm nào và thực hiện đúng, qua đó đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.
Tóm lại, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử ngày 23/5 sắp tới đến giờ phút này cơ bản đã hoàn tất. Tất cả mọi phương án, tình huống về tổ chức bầu cử trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã được tính toán kỹ lưỡng, tập huấn kỹ lưỡng để thực hiện nghiêm túc.
Cử tri có thể hoàn toàn yên tâm về việc mình đi bỏ phiếu an toàn, không bị lây nhiễm bệnh nếu thực hiện đúng theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng./.
(HBĐT) - Chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử tại huyện Mai Châu được tiến hành chu đáo, bảo đảm đúng quy định, quy trình để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân.
(HBĐT) - Hỏi: Việc kiểm phiếu được tiến hành như thế nào?