Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo, tờ trình, dự thảo NQ trình tại kỳ họp. Cụ thể: Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022; báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2022; báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Các dự thảo tờ trình, NQ về: Xin ý kiến danh mục và mức vốn đề xuất bố trí cho các dự án từ nguồn vốn ngân sách T.Ư thực hiện chương trình phục hồi và phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hòa Bình; kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 sang năm 2022 nguồn ngân sách địa phương; bổ sung danh mục khởi công mới và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 tỉnh Hòa Bình; phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng trường, lớp học tại các xã Văn Sơn, Tuân Đạo, Quý Hòa (Lạc Sơn), nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại của JICA (Nhật Bản); phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng trường PTDTBT TH&THCS Tân Mai, huyện Mai Châu, nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại của JICA (Nhật Bản); phê duyệt chủ trương đầu tư dự án giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh và phát triển cơ sở hạ tầng lĩnh vực giáo dục - đào tạo (xây dựng mới trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ); chương trình phát triển nhà ở tỉnh đến năm 2030; bãi bỏ Nghị quyết số 219/2019/NQ-HĐND, ngày 11/12/2019 về quy định việc thưởng vượt dự toán thu điều tiết đối với khoản thu tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ tài sản.
Cho ý kiến vào các dự thảo báo cáo, tờ trình, dự thảo NQ, các đại biểu đề nghị đơn vị soạn thảo nghiên cứu số liệu trong các báo cáo đảm bảo tính thống nhất, logic và đồng nhất; cần bổ sung đánh giá sâu hơn về một số chỉ số trong phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm như tình hình hoạt động của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19, giá xăng dầu, giá vật tư tăng cao, các chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, xử lý rác thải và ô nhiễm môi trường...
Các đại biểu nhất trí cần thiết phải ban hành các NQ. Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát căn cứ pháp lý, các quy hoạch, kế hoạch của T.Ư, của tỉnh để xây dựng NQ tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các văn bản trước đó và sát với thực tế địa phương. Đối với dự thảo NQ về chương trình phát triển nhà ở, đại biểu đề nghị giải trình làm rõ nguồn lực thực hiện chương trình, đánh giá nhu cầu thực, định hướng, quy hoạch của tỉnh, tránh chạy theo nhu cầu của nhà đầu tư...
Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban KT-NS đồng tình, nhất trí với ý kiến thảo luận của các đại biểu và đánh giá cao nội dung giải trình của cơ quan soạn thảo. Trao đổi cụ thể từng dự thảo NQ, đồng chí đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ căn cứ pháp lý, thông tin, số liệu trong các dự thảo NQ đảm bảo tính thống nhất; đặc biệt, tính toán kỹ nguồn lực, đánh giá tác động, tính khả thi của các dự án khi xây dựng NQ phê duyệt bổ sung danh mục đầu tư công trung hạn.
ĐH