Trước tình hình số ca mắc mới COVID-19 tăng nhanh, các phương án điều trị ca bệnh đã được các bệnh viện tăng cường để đáp ứng kịp thời các tình huống dịch.


Bệnh nhân COVID-19 nặng phải nhập viện tại Hà Nội. Ảnh: PV.

Dịch lan mạnh

Số ca mắc mới COVID-19 đang tăng "chóng mặt” những ngày gần đây. Riêng ngày 17/4 số ca mắc mới đã tăng vọt qua mốc 1.000 ca/ngày; ngày 16/4 cả nước cũng ghi nhận  716 ca mắc mới, ngày 15/4 ghi nhận 775 ca…

Đáng lo ngại, cùng với tăng nhanh số ca mắc mới, dù chưa ghi nhận thêm ca tử vong, nhưng số ca nặng cũng tăng dần theo. Theo số liệu của Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), ngày 16/4 số ca COVID-19 nặng tăng lên là 38 ca, ngày 17/4 có 14 ca nặng phải thở oxy…

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, là tuyến cuối về điều trị người bệnh COVID-19, từ tháng 4 đến nay, số ca COVID-19 điều trị tại đây đã tăng lên rõ rệt. Tính đến ngày 17/4, Bệnh viện tiếp nhận điều trị 146 ca COVID-19, trong đó có 21 ca có dấu hiệu chuyển nặng. Trong số các ca nặng hầu hết là người già trên 70 tuổi; đa phần có bệnh nền kèm theo như: Tiểu đường, huyết áp, lao, HIV, COPD, viêm gan, xơ gan… là những người có nguy cơ trở nặng cao khi mắc COVID-19. Để tránh quá tải, Bệnh viện đã phải thành lập đường dây nóng tư vấn, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới để phân tầng, chuyển bệnh nhân lên một cách phù hợp.

GS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Qua kết quả giám sát giải trình tự gen cho thấy, đến nay, các biến thể phụ phổ biến trên thế giới của virus SARS-CoV-2 đều đã ghi nhận tại Việt Nam. Trong đó, biến thể Omicron đã xuất hiện hơn 500 biến thể phụ khác nhau; có tốc độ lây lan nhanh.

Theo đó, với mục tiêu giai đoạn tới là giảm nhập viện, trở nặng, tử vong, tránh quá tải hệ thống y tế, giữ vững thành quả phòng chống dịch, cần tập trung bảo vệ đối tượng nguy cơ cao và lực lượng y tế tuyến đầu. 

Sẵn sàng các phương án điều trị người bệnh

Nhân định về số ca mắc COVID-19 đang tăng cao đột biến trong những ngày qua, ​Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Nguyễn Trung Cấp cho rằng: "Khu vực phía Bắc đang trong giai đoạn thay đổi giao mùa, điều kiện thời tiết này phù hợp với quy luật lây lan của bệnh do Corona virus nói chung và SARS-CoV-2 nói riêng. Do vậy, ca mắc có sự gia tăng khi có tác động của yếu tố thay đổi thời tiết. Cụ thể như hình thái thời tiết nóng trở lạnh đột ngột, gây ra các đợt cảm lạnh bùng phát. Chúng ta có thể hy vọng, diễn biến này tuân theo quy luật thông thường của virus gây cảm lạnh. Cùng với số ca mắc tăng cao là số ca nặng gia tăng theo. Tuy nhiên, trước mắt, chúng ta chưa quá lo ngại trước số ca mắc bùng phát đợt này”.

Theo đó, để sẵn sàng trước mọi tình huống dịch, Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng như tất cả các bệnh viện trên toàn quốc đều đã có sự chuẩn bị. Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả các bệnh viện đều phải xây dựng kế hoạch, chiến lược để đáp ứng với dịch bệnh ở các cấp độ khác nhau. Các bệnh viện đều đã có kế hoạch đáp ứng và có kinh nghiệm trước các tình huống sau khi trải qua đợt dịch kéo dài 3 năm qua.

Về công tác điều trị người bệnh COVID-19, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho biết: "Hiện Cục Quản lý Khám chữa bệnh đang phối hợp với các chuyên gia để rà soát lại hướng dẫn điều trị COVID-19; sắp tới, Hội đồng chuyên môn sẽ họp để rà soát, cập nhật lại hướng dẫn điều trị phù hợp với tình hình mới”

Về công tác sàng lọc tại bệnh viện, hiện vẫn duy trì chủ trương sàng lọc tại các khoa nguy cơ cao như hồi sức tích cực, lọc máu và hậu phẫu. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng COVID-19, cần xét nghiệm sàng lọc ngay để tách bệnh nhân ra khu vực riêng, tránh lây lan dịch bệnh.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp như hiện nay, để chủ động ứdng phó với tình hình dịch bệnh, bảo đảm thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả cho người bệnh COVID-19 nhằm phát hiện sớm tình trạng chuyển nặng, xử trí kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố các cơ sở y tế rà soát, đánh giá và khẩn trương triển khai công tác đáp ứng dịch bệnh.

Cụ thể, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị rà soát và cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 của tỉnh, của đơn vị theo nguyên tắc 4 tại chỗ; phân công số giường bệnh điều trị bệnh nhân COVID-19 cụ thể tới từng đơn vị; bố trí nhân lực để theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 khi có chỉ định nhập viện; dự trù thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phù hợp với các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 khi dịch bệnh có thể xẩy ra diễn biến phức tạp. Đồng thời, chủ động nâng cao năng lực điều trị đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

Đặc biệt, việc phối hợp với bộ phận điều phối oxy y tế của tỉnh, thành phố cũng phải triển khai để bảo đảm cung ứng oxy y tế cho nhu cầu điều trị người bệnh COVID-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Các cơ sở y tế cũng triển khai tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 cho nhân viên y tế; tăng cường hội chẩn tại bệnh viện, hội chẩn với tuyến trên để xin ý kiến về chuyên môn, hạn chế tối đa việc chuyển người bệnh lên tuyến trên. Đối với các ca bệnh vượt quá khả năng chuyên môn, khi chuyển viện phải hội chẩn, liên hệ với bệnh viện tuyến trên trước khi chuyển và bảo đảm an toàn đối với người bệnh chuyển viện.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở điều trị tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, đặc biệt tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi,…), khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật…. bảo đảm vệ sinh bệnh phòng, bố trí sắp xếp khoa phòng thuận tiện, phù hợp tình hình dịch.

Để tránh dịch lây lan rộng, Bộ Y tế cũng liên tục khuyến cáo người dân tuân thủ các biện pháp phòng bệnh  như: Thực hiện 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác...

Đặc biệt, với những người có nguy cơ cao dễ chuyển biến nặng và có nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19 như: Người cao tuổi, người có bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai... khi đến nơi đông người, môi trường ít thông thoáng nên đeo khẩu trang; đồng thời, phải tiêm chủng vaccine đúng lịch, đủ liều theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Cả nước có 1.892 ca Covid-19 mới

Ngày 29/4, Việt Nam ghi nhận 1.892 ca mắc Covid-19 mới, giảm hơn 1.000 ca so với ngày trước đó. Tuy nhiên, hôm nay số ca bệnh phải thở oxy tăng gấp đôi hôm qua, lên 122 ca.

TP Hồ Chí Minh: Tỷ lệ mắc COVID-19 có xu hướng tăng ở tất cả nhóm tuổi

Trong những ngày gần đây, số ca mắc mới và nhập viện do COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh liên tục tăng. Đáng lưu ý, tỷ lệ mắc COVID-19 có xu hướng gia tăng ở tất cả các nhóm tuổi và xuất hiện biến thể phụ của virus SARS-CoV-2. Nhiều người tỏ ra lo ngại nguy cơ xuất hiện một đợt dịch COVID-19 mới sau kỳ nghỉ lễ dài ngày sắp tới.

Ngày 21/4: Cả nước ghi nhận thêm 2.474 ca mắc COVID-19 mới

Theo Bản tin Bộ Y tế về tình hình chống dịch COVID-19, ngày 21/4, ghi nhận 2.474 ca mắc COVID-19 mới; có 206 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid – 19

(HBĐT) - Ngày 18/4/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 526/UBND-NVK về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid – 19.

Hà Nội lấy mẫu giải trình tự gen tìm biến thể mới của virus SARS-CoV-2

Hà Nội vừa lấy 10 mẫu bệnh phẩm của người bệnh để làm giải trình tự gen tìm biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục