Sau Đại hội XII của Đảng, bộ máy Chính phủ được kiện toàn (tháng 4/2016) đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải đối diện với những khó khăn, phức tạp, trong đó sự cố môi trường lớn nhất từ trước đến nay, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều tỉnh thành như Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế…
Bên cạnh đó, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu gây thiệt hại nặng nề; nhất là hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, bão lũ lịch sử ở miền Trung; dịch tả lợn châu Phi năm 2019.
Đặc biệt, từ đầu năm 2020 trở lại đây, đại dịch COVID-19 đã khiến sản xuất kinh doanh đình trệ; hàng triệu lao động thiếu, mất việc làm, giảm sâu thu nhập; hoạt động văn hóa, xã hội và đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng…
"Ta bắn chỉ thiên quá nhiều, không trúng vào ai cả, bây giờ phải bắn có địa chỉ, không thể nói xong là xong việc. Ngay ngày hôm nay phải thành lập tổ công tác theo dõi kết luận của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng thực hiện đến đâu. Vấn đề an toàn thực phẩm cơ chế đến đâu, thực hiện đến đâu thì phải kiểm tra. Hay việc thực hiện chỉ đạo dừng khai thác gỗ từ rừng tự nhiên như thế nào, vụ chặt gỗ rừng Pơ mu ở Quảng Nam đã khởi tố được cá nhân, tổ chức nào chưa? Hay tòa nhà 8B Lê Trực Hà Nội xử lý đến đâu, tại sao? Không lẽ giữa Thủ đô như vậy, hai nhiệm kỳ Chính phủ xử lý không được”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại phiên họp Chính phủ Thường kỳ đầu tiên của nhiệm kỳ 2016- 2021.
Với phương châm: Kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân, bên cạnh việc chú trọng xây dựng, hoàn thiện "thể chế, thể chế và thể chế”, tháng 8/2016, Thủ tướng quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Yêu cầu được Thủ tướng nêu ra đối với Tổ công tác là phải khắc phục tình trạng "bắn chỉ thiên”, "trên bảo dưới không nghe”, bảo đảm tất cả các nhiệm vụ giao phải thực hiện nghiêm túc, không để chậm trễ, bỏ sót việc. Lãnh đạo Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến công tác "lên rừng, xuống biển” làm việc với địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở, chỉ đạo cụ thể, kịp thời tháo gỡ nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách.
Với sự vào cuộc quyết liệt của Tổ công tác, tình trạng "một thanh sôcôla phải cõng... 13 giấy phép”, hay tình trạng "trên rải thảm, dưới rải định”; kiểm tra liên ngành chồng chéo đã được khắc phục, góp phần cải tiến lề lối, phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước, loại bỏ tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng vặt…
Năm 2020, ngay khi đại dịch COVID- 19 xuất hiện ở Trung Quốc, vào chiều mùng 3 Tết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp để chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch với tinh thần bảo vệ sức khỏe người dân là quan trọng nhất.
Nhấn mạnh tinh thần "chống dịch như chống giặc", Thủ tướng yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cao nhất để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.
Nói về biến "biến cố” lớn chưa từng có tiền lệ, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP kể: Ngay từ những ngày đầu Thủ tướng đã ra các chỉ lệnh chưa từng có như "chống dịch như chống giặc”, toàn quân, toàn dân phải tham gia việc này…. Rồi hàng loạt các biện pháp như đóng cửa biên giới, đóng cửa đường mòn, lối mở, tạm dừng các chuyến bay tới Trung Quốc, Nhật bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu.
Tiếp đó, với Chỉ thị 15, 16, Thủ tướng yêu cầu giãn cách xã hội, cách ly xã hội… Đây đều là những vấn đề không đơn giản và chưa từng có tiền lệ. "Nếu chúng ta không có những quyết định mạnh mẽ ngay từ đầu thì có lẽ bây giờ chúng ta không thể lường hết được điều gì sẽ xảy ra”, ông Dũng nói.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam là một trong nước khống chế được đại dịch và thực hiện có hiệu quả "mục tiêu kép”. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 6,8%; bình quân 2016 - 2020 đạt 5,99%, cao hơn 5,91% của giai đoạn 2011 - 2015, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.Năm 2020, quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với 2015, đạt trên 340 tỷ USD.
Đặc biệt, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, việc thực hiện đột phá chiến lược về về kết cấu hạ tầng đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều dự án quan trọng đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều tuyến đường kết nối liên vùng, liên tỉnh như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Cao Lãnh, Vàm Cống... Hiện đang đầu tư mới 654 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam, các tuyến cao tốc kết nối các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)…
Từ một vị Thủ tướng hành động quyết liệt vì lợi ích của đất nước, của nhân dân, nay được bầu làm Chủ tịch nước, đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng, ông hứa sẽ không ngừng tu dưỡng đạo đức, phẩm chất, tận tâm, tận lực, trách nhiệm, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước được hiến pháp và pháp luật quy định.
Đồng thời phối hợp, cộng tác chặt chẽ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; gần gũi, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân; đồng thời mong nhận được sự ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của cả hệ thống chính trị, đồng bào, chiến sỹ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài để hoàn thành tốt nhất trọng trách được giao.
Nhắc lại, trong toàn bộ nhiệm kỳ vừa qua, "con tàu Việt Nam ta đã vượt qua một hải trình dồn dập, đầy bão tố”, tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói rằng: "Những thành tựu chúng ta giành được không chỉ được đo bằng con số GDP được tạo ra mà còn là những giá trị xã hội vô hình không thể tính hết, đó còn là tinh thần đoàn kết, thi đua yêu nước, lòng quả cảm nhân hậu và tình người, sự bền bỉ và ái quốc trong Nhân dân chúng ta. Không chỉ tài lực, vật lực mà còn cả thiên thời, địa lợi và nhân hòa cùng tạo nên những nguồn sức mạnh cộng hưởng đem lại sự phát triển bền vững, thịnh vượng cho đất nước chúng ta”.
Theo Chủ tịch nước, vinh dự mà chúng ta có được hôm nay là vinh dự trong trách nhiệm gắn với hành động và lập trường vững chắc - những điều đã hun đúc nên ý chí, tính cách và tinh thần cách mạng Việt Nam. Thực tế, khó khăn không phải là thứ sinh ra để làm chùn bước chân của chúng ta, nó là bài kiểm tra tinh thần nhẫn nại và ý trí vươn lên của chúng ta, làm cho kết quả đạt được của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn và ý nghĩa sâu sắc hơn, xứng đáng là món quà truyền thừa cho con cháu chúng ta trong tương lai.
Theo tân Chủ tịch nước, trên chuyến hải trình sắp tới, con tàu Việt Nam ta sẽ còn gặp phải những con sóng dữ và nhiều ngọn gió lớn, đó là khi có cả những thời cơ và thách thức đan xen. Song ông tin rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với bản lĩnh và trí tuệ của con người Việt Nam, với sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, đất nước ta nhất định sẽ vượt qua mọi sóng to, gió cả để đến bến bờ bình an và hạnh phúc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội XIII của Đảng.
Trong đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh, tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, nâng cao niềm tin của người dân đồng lòng hành động xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
"Cha ông ta đã làm nên những trang sử hào hùng, được viết bằng mồ hôi và xương máu của biết bao thế hệ. Chúng ta có niềm tin mãnh liệt rằng: tiếp nối truyền thống hào hùng sẽ có nhiều chương sử mới viết tiếp những kỳ tích tiến lên giàu mạnh, hùng cường của đất nước ta, và dân tộc ta”, tân Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước gửi lời đến đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài: "Đảng và Nhà nước ta luôn sát cánh cùng Nhân dân để mùa màng thêm bội thu, để sản xuất, kinh doanh luôn thành công, để những dòng sông luôn tuôn chảy mát lành, để những trẻ em luôn có những giấc mơ và hoài bão vươn xa, để những cụ già sống trọn phần đời thật ý nghĩa, hạnh phúc và để thúc đẩy tinh thần cho những con người đang khát khao cống hiến, sáng tạo”.