Cun Pheo là xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện Mai Châu. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và người dân đã phát huy nội lực, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, qua đó đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Nông dân xóm Pheo, xã Cun Pheo (Mai Châu) đầu tư mô hình chăn nuôi bò sinh sản nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Xã có 4 xóm, 559 hộ với 2.438 nhân khẩu, bà con chủ yếu sản xuất nông nghiệp và trồng rừng. Năm 2023, giá trị sản xuất đạt 63,2 tỷ đồng, đạt 101,1% kế hoạch, bằng 113,7% so với năm 2022, trong đó, nông lâm nghiệp, thủy sản đạt 27,8 tỷ đồng, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng 18,6 tỷ đồng, thương mại - dịch vụ 16,8 tỷ đồng.
Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, xã quan tâm công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ năm 2020 đến nay, xã phối hợp các cơ quan chuyên môn của huyện mở 25 lớp đào tạo nghề cho lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo, nhờ đó góp phần nâng cao kiến thức, trình độ, tay nghề và nâng tỷ lệ lao động của xã được đào tạo lên 30%. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền xã luôn tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án giảm nghèo để triển khai hiệu quả đến bà con. Với những hộ thiếu vốn, UBND xã chỉ đạo rà soát, xác định rõ nhu cầu vay vốn và phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, tổng dư nợ NHCSXH do các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội xã nhận ủy thác đạt gần 16 tỷ đồng.
Anh Hà Văn Tùng, xóm Pheo cho biết: Trước đây, gia đình tôi là hộ nghèo của xã. Đầu năm 2021, tôi mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ NHCSXH để chăn nuôi lợn thương phẩm và gà bản địa. Không chỉ được hỗ trợ vay vốn, tôi còn được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gà nên mô hình kinh tế phát huy hiệu quả. Từ khi chăn nuôi đến nay, gia đình có nguồn thu hơn 100 triệu đồng/năm, đời sống kinh tế theo đó cũng dần ổn định hơn, vươn lên thoát nghèo trở thành hộ khá.
Trên địa bàn xã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, tiêu biểu như mô hình chăn nuôi lợn bản địa của hộ gia đình Hà Văn Tùng, xóm Pheo; mô hình VAC của hộ gia đình Hà Thị Nga, xóm Mượt; mô hình kinh doanh tạp hóa của ông Khà Văn Việt, xóm Cun… Việc phát triển các mô hình sản xuất đã góp phần tạo việc làm, đem lại nguồn thu nhập từ 150 - 300 triệu đồng/hộ/năm sau khi trừ chi phí, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm dần theo từng năm. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 25,9 triệu đồng, đạt 103,6% kế hoạch.
Ông Hà Văn Tăng, Trưởng xóm Táu Nà cho biết: Xóm hiện còn 15 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo. Xóm luôn đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững và các chương trình vay vốn tín dụng ưu đãi để người dân nắm rõ, hiểu được mục đích, ý nghĩa của công tác giảm nghèo, quan tâm công tác đào tạo nghề, tạo điều kiện cho người dân đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Tính đến cuối năm 2023, toàn xã còn 164/559 hộ nghèo (chiếm 29,3%), 198/559 hộ cận nghèo (chiếm 35,4%). Trong năm xã thực hiện chiến dịch Toàn dân tham gia làm đường giao thông nông thôn đã nạo vét, khơi thông cống rãnh được 7,8km; phát quang hai bên đường 15,2km; khơi thông các tuyến đường làng, ngõ xóm với 950 ngày công… Hiện xã duy trì 4 đội văn nghệ, 4 đội bóng đá, 4 đội bóng chuyền; có 935/2.438 người tập thể thao thường xuyên... Đến hết năm 2023 xã đạt 16/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đạt 84,2% chỉ tiêu huyện giao; 435/559 hộ đạt gia đình văn hóa; 3/4 khu dân cư văn hóa.
Đồng chí Lò Văn Thiên, Chủ tịch UBND xã Cun Pheo cho biết: Xác định giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng năm, cấp ủy, chính quyền xã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế. Đồng thời triển khai, tuyên truyền sâu rộng công tác giảm nghèo trong nhân dân, phân công các thành viên Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã phụ trách công tác giảm nghèo của từng thôn, xóm.
Hoàng Anh
(Thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu)
Đời sống của người dân trên địa bàn xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) dựa vào nông nghiệp là chính. Để trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả, tác động đến công cuộc giảm nghèo bền vững và phát triển KT-XH, cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể xã chú trọng tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời quan tâm công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững (GNBV) đã tạo sự chuyển biến toàn diện ở các xóm, xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trên địa bàn huyện Cao Phong. Với việc thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), chính sách an sinh xã hội gắn với GNBV, trung bình mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 3,58%, cao hơn so với kế hoạch đề ra là 3%/năm.
Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã Yên Phú (Lạc Sơn) ước đạt 52 triệu đồng, hộ nghèo giảm còn 7,55%, hộ cận nghèo 9%. Người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần giảm nghèo bền vững.
Tuy xuất phát điểm khó khăn nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân, xã Đa Phúc (Yên Thủy) đã gặt hái được thành công trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân.
Mới đây, tại ngày hội Đại đoàn kết (ĐĐK) toàn dân tộc khu dân cư phố Côm, thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn), Ủy ban MTTQ huyện đã phối hợp cấp ủy, chính quyền thị trấn bàn giao nhà ĐĐK cho hộ bà Bùi Thị Kiên và hộ ông Bùi Văn Thức thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Chương trình có ý nghĩa quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống.
Nhiều năm nay, tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị hỗ người nghèo tiếp cận, thụ hưởng các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững (GNBV). Thông qua lồng ghép các nguồn lực, diện mạo nông thôn, đời sống người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh từng bước cải thiện.