Người lao động xã Phú Vinh (Tân Lạc) tìm hiểu thông tin thị trường lao động, việc làm từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và doanh nghiệp tuyển dụng.
Tỉnh đã và đang triển khai các giải pháp phát triển thị trường lao động nhằm tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng, phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ từ T.Ư, thúc đẩy phát triển KT-XH, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, đảm bảo kết nối thị trường lao động trong tỉnh với thị trường lao động các tỉnh phía Bắc và cả nước.
Năm 2022, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 19.000 lao động, đưa 720 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; gần 17.700 lao động được tuyển sinh học nghề; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 59,23%, trong đó 23,81% có bằng cấp, chứng chỉ. 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 7.641 lao động, đạt 47,7% kế hoạch năm; có 385 lao động được tuyển chọn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 128% kế hoạch năm; tuyển sinh đào tạo gần 2.800 người trình độ trung cấp, sơ cấp, dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng; thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho 3.143 người với số tiền chi trả gần 46,2 tỷ đồng.
Cùng thời gian này, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường phối hợp với các địa phương tổ chức phiên giao dịch việc làm, trong đó cung cấp nhiều thông tin về thị trường lao động đến đối tượng trong độ tuổi lao động, học sinh, sinh viên các trường THPT, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn. Các trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Hoà Bình, Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Hoà Bình, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyển sinh, chất lượng đào tạo, triển khai các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục nghề nghiệp, rà soát nhu cầu đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên cho lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó góp phần tăng số lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tạo việc làm tốt hơn, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động và đầu tư phát triển giao dịch việc làm, hệ thống thông tin thị trường lao động.
Đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Để phấn đấu đạt và vượt mục tiêu giải quyết việc làm, nâng cao trình độ, chất lượng lao động và giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp năm 2023, đồng thời đáp ứng mục tiêu phát triển thị trường lao động những năm tiếp theo, bên cạnh thực hiện chính sách pháp luật đồng bộ, tỉnh tổ chức triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ tạo việc làm, đào tạo nghề, thông tin thị trường lao động, kế hoạch hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động cho các nhóm lao động đặc thù (người khuyết tật, lao động dân tộc thiểu số, lao động khu vực nông thôn…); hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động thông qua xây dựng, tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên mới tốt nghiệp; tập huấn, nâng cao kỹ năng cho người lao động trong quá trình làm việc; nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm; tổ chức chương trình hướng nghiệp đa dạng cho học sinh, sinh viên; kết nối, truyền tải, chia sẻ dữ liệu nguồn nhân lực việc làm nhằm kịp thời cung cấp các thông tin thiết yếu đến với người dân. Mặt khác, tổ chức tốt các chính sách lao động, việc làm, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, người lao động về chính sách lao động việc làm, xuất khẩu lao động, BHXH;tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp chính quyền, đặc biệt là cấp cơ sở với doanh nghiệp trong việc tuyển lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động đặc thù, nhất là phát triển thị trường lao động khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số…
Bùi Minh