Đồng hành cùng nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng các sản phẩm OCOP, từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân (HND) huyện Mai Châu tích cực triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ hội viên nông dân (HVND). Qua đó góp phần nâng tầm những nông sản thế mạnh của địa phương, xây dựng thương hiệu nông sản, tăng thu nhập cho HVND.


Sản phẩm trà Thành Ngạnh của Hợp tác xã Hương Xuân, xã Mai Hịch được trưng bày tại Phiên chợ vùng cao tỉnh Hoà Bình năm 2023 tổ chức tại thị trấn Mai Châu (MaiChâu).

Thịt lợn đen Mường Pa của Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi lợn đen Mường Pa, xã Bao La là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Để mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa, đảm bảo nguồn hàng cung cấp ra thị trường, HTX đã liên kết với 147 hộ vệ tinh. Ông Hà Thế Nhiên, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT HTX cho biết: Để đảm bảo chất lượng và nguồn hàng cung cấp cho thị trường, HTX thực hiện liên kết với các hộ vệ tinh tại các xã trong huyện gồm: Bao La, Cun Pheo, Xăm Khòe. Các hộ vệ tinh phải nghiêm chỉnh chấp hành những quy định của HTX về con giống, quy trình chăm sóc. Bên cạnh đó, với sự đồng hành của tổ chức GNI và các cấp HND huyện, nông dân cũng như các hộ vệ tinh được bồi dưỡng kiến thức sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tăng thu nhập. 

Nhận thức rõ vai trò của nông dân trong thực hiện Chương trình OCOP, các cấp HND huyện Mai Châu thường xuyên tuyên truyền cho cán bộ, hội viên về mục tiêu, ý nghĩa chương trình, giúp nông dân hiểu rõ, nắm bắt được chương trình để chủ động tham gia. Cùng với đó, xây dựng các dự án vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) để phát triển sản phẩm tiềm năng cho các nhóm, hộ hội viên vay. Hiện Hội quản lý tổng số Quỹ Hỗ trợ nông dân trên 4,97 tỷ đồng cho 137 hộ vay. Đồng thời, Hội phối hợp 3 ngân hàng (Chính sách xã hội, NN&PTNT, Bưu điện Liên Việt) hỗ trợ trên 5.200 hộ HVND vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ gần 336 tỷ đồng.

Nhằm giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, Hội phối hợp đưa sản phẩm OCOP của huyện, nông sản do nông dân sản xuất tham gia các hội chợ, triển lãm được tổ chức tại huyện, tỉnh và những chương trình do Trung ương HND Việt Nam tổ chức. Tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh, năm 2023, các cấp Hội phối hợp với các ngành, tranh thủ các nguồn lực tổ chức 10 lớp đào tạo nghề cho 345 lượt HVND tham gia. Phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế tập thể, toàn huyện thành lập mới được 5 HTX; hướng dẫn thành lập mới 6 tổ hợp tác, nâng tổng số toàn huyện có 54 tổ hợp tác. Duy trì 6 mô hình kinh tế tập thể đang hoạt động hiệu quả về dệt thổ cẩm, chăn nuôi lợn đen, nuôi cá dầm xanh, cá trắm, cá chép...

Với sự nỗ lực của HVND trong toàn huyện, sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương cũng như các cấp HND, đến nay toàn huyện có 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, gồm: du lịch homestay bản Lác, chủ thể HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp và dịch vụ du lịch xóm Lác, xã Chiềng Châu; du lịch cộng đồng Hang Kia, chủ thể HTX dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia, xã Hang Kia; thổ cẩm dệt tay, chủ thể HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch bản Lác Mai Châu, xã Chiềng Châu; quà tặng từ thổ cẩm, chủ thể HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu, xã Chiềng Châu. Ngoài ra, còn có các sản phẩm thế mạnh được gắn sao OCOP khác là: rượu Láu Siêu xã Mai Hạ, quần áo thổ cẩm Chiềng Châu, thịt lợn đen Mường Pa - xã Bao La, vịt cổ xanh Mường Hịch - xã Mai Hịch, cùng nhiều sản phẩm có tiềm năng lớn để phát triển, nhân rộng như khoai sọ Sơn Thủy, tỏi tía Thành Sơn, ngô nếp Thung Khe... 

Đồng chí Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch HND huyện Mai Châu cho biết: Nhằm quảng bá thổ cẩm Mai Châu và tiêu thụ các sản phẩm nông sản chất lượng, sản phẩm OCOP của địa phương, HND huyện phối hợp duy trì gian hàng thổ cẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao và nông sản an toàn tại bản Lác, xã Chiềng Châu. Thời gian tới, HND huyện tiếp tục phối hợp các ngành, đơn vị, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị giải bài toán về kinh phí trong triển khai Chương trình OCOP; quan tâm phát triển sản phẩm có thương hiệu theo chuỗi giá trị, dựa trên thế mạnh của từng địa phương. Đồng thời, tiếp tục quan tâm chỉ đạo thành lập các HTX, tổ hợp tác, vì đây là nền móng để xây dựng các sản phẩm OCOP.


Thu Hằng

Các tin khác


Huyện Tân Lạc có 9 sản phẩm OCOP

Trên địa bàn huyện Tân Lạc hiện có 19 tổ hợp tác và 32 HTX đang hoạt động hiệu quả.

Xã Phú Cường xây dựng sản phẩm OCOP khoai lang

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần thúc đẩy nông dân tích cực lao động, tăng gia sản xuất, tạo ra những sản phẩm cho năng suất cao, chất lượng tốt. Hưởng ứng chương trình, nông dân xã Phú Cường (Tân Lạc) đã, đang đẩy mạnh xây dựng, phát triển thương hiệu khoai lang bản địa, hình thành vùng sản xuất tập trung, từ đó giúp nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục