(HBĐT) - Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, diện mạo huyện Cao Phong đã có nhiều đổi thay tích cực, huyện đã xây dựng được 5/12 xã đạt chuẩn NTM. Dự kiến, đến năm 2025 sẽ có 7 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã NTM kiểu mẫu.
Hệ thống đường giao thông nông thôn xã Dũng Phong (Cao Phong) được đầu tư xây dựng cơ bản đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân.
Dũng Phong là xã đầu tiên được công nhận đạt chuẩn NTM của tỉnh. 10 năm trước, khi chưa thực hiện xây dựng NTM, xã gặp nhiều khó khăn về mọi mặt. Các tiêu chí khi khảo sát chỉ đạt 11/19 tiêu chí; thu nhập bình quân đạt 16,5 triệu đồng/ người/năm; tỷ lệ hộ nghèo trên 23%; hệ thống cơ sở hạ tầng (CSHT) đạt 50%. Trước những khó khăn đó, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh, huyện, Đảng bộ và chính quyền xã đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, thay đổi nhận thức và huy động sự đồng thuận của người dân. Với tổng nguồn vốn xây dựng NTM 38,6 tỷ đồng, chính quyền và người dân cùng chung sức xây dựng hạ tầng nông thôn, các mô hình phát triển kinh tế, đời sống văn hóa... Về xã Dũng Phong ngày nay, diện mạo NTM hiện hữu ở ngay trên những con đường thôn, xóm, hệ thống CSHT khang trang. Đến nay, thu nhập bình quân toàn xã đạt 40 triệu đồng/người/ năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,2%. Các phong trào VH-VN, TD-TT được quan tâm, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bà con.
Khi bắt tay vào xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền xã Tây Phong gặp không ít khó khăn khi xây dựng NTM đúng thời điểm cắt giảm đầu tư công. Hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH chưa đồng bộ, hạ tầng giao thông chưa đảm bảo gây khó khăn trong việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân địa phương, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của BCĐ Chương trình MTQG về xây dựng NTM và Văn phòng Điều phối Chương trình NTM của huyện, sau 8 năm nỗ lực, xã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận là xã về đích NTM năm 2018. Hệ thống CSHT được đầu tư đáp ứng nhu cầu người dân. Các khu dân cư được trồng hoa và cây xanh tô điểm thêm cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp...
Sau 10 năm triển khai xây dựng NTM, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, bộ mặt nông thôn huyện Cao Phong có nhiều thay đổi tích cực, thể hiện qua sự phát triển đồng đều về KT-XH, văn hóa, ANTT luôn được giữ vững. Đến nay, toàn huyện đã có 93,62 km đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn; 90,11km đường trục thôn, 74,97km đường ngõ xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa; 28,65km đường trục chính nội đồng đạt chuẩn. Toàn huyện đã xây mới, sửa chữa và nâng cấp 28 công trình trường học; xây mới, nâng cấp 32 công trình nhà văn hóa xã, thôn. Dự kiến đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 48,9 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,67%, trên 93% người dân sử dụng nước sạch.
Đồng chí Hồ Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: Ngay từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, Huyện ủy, HĐND và UBND huyện đều coi đây là chương trình trọng điểm, phải quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Mọi công việc phải được đưa ra bàn bạc rộng rãi, công khai minh bạch, có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cấp. Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền huyện và các xã tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nâng cao chất lượng 19 tiêu chí của các xã NTM và hoàn thành các tiêu chí huyện NTM theo hướng bền vững, tạo đột phá trong phát triển KT-XH, nâng cao đời sống của người dân; tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; bố trí nguồn kinh phí, huy động các nguồn lực xã hội hóa để nâng cấp hạ tầng nông thôn; phấn đấu đến năm 2030 có 100% xã đạt chuẩn NTM, huyện đạt chuẩn NTM.
Thu Hằng