Công ty TNHH Bandai Việt Nam, 100% vốn đầu tư Nhật Bản (Khu công nghiệp bờ trái sông Đà, TP Hòa Bình) sản xuất, kinh doanh ổn định, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc với các đối tác, tổ chức trong và ngoài tỉnh để tăng cường hợp tác xúc tiến đầu tư (XTĐT). Trung tuần tháng 7 vừa qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan tổ chức hội nghị XTĐT, thương mại và du lịch (TM&DL) tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan. Đây là hội nghị XTĐT TM&DL đầu tiên của tỉnh tại Thái Lan, thu hút sự tham dự và quan tâm của nhiều tổ chức, hiệp hội của Thái Lan. Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan Sanan Angubolkul khẳng định, việc tổ chức sự kiện là hoạt động rất có ý nghĩa của các cơ quan chức năng 2 nước nhằm tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch, nông nghiệp và các lĩnh vực khác tại tỉnh Hòa Bình.
Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành cho rằng, hội nghị không chỉ mang ý nghĩa quảng bá, thu hút đầu tư vào tỉnh Hòa Bình mà còn đóng góp thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại giữa tỉnh Hòa Bình và Thủ đô Bangkok nói riêng, đóng góp cho sự phát triển hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Thái Lan nói chung.
Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao các doanh nghiệp, nhà đầu tư Thái Lan về tiềm lực tài chính, kinh nghiệm hoạt động và sự tuân thủ pháp luật, sản phẩm sản xuất có chất lượng cao, hiện đại. Tỉnh Hòa Bình mang đến thông điệp, định hướng phát triển trong thời gian tới, bao gồm thu hút đầu tư dự án FDI vào các lĩnh vực: chế biến, chế tạo sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; du lịch sinh thái và dịch vụ, cơ sở hạ tầng; các ngành công nghệ cao thân thiện với môi trường. Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện các doanh nghiệp Thái Lan và Việt Nam đã chia sẻ, giới thiệu về định hướng và nhu cầu đầu tư, sản phẩm, dịch vụ du lịch... góp phần thúc đẩy giao thương, hợp tác kinh tế, du lịch và văn hóa giữa tỉnh Hòa Bình và Thủ đô Bangkok cũng như giữa hai quốc gia Việt Nam - Thái Lan.
Cũng trong tháng 7, đoàn đại biểu của tỉnh đã sang thăm và làm việc với tỉnh Tuv, nước Mông Cổ trên các lĩnh vực nhằm tăng cường hợp tác để doanh nghiệp hai bên trao đổi, nghiên cứu, liên doanh, hợp tác. Các doanh nghiệp của tỉnh mong muốn hợp tác trong lĩnh vực du lịch, xuất khẩu đồ gỗ, hàng hóa nông sản như dược liệu, tinh dầu, cam, bưởi... sang thị trường Mông Cổ và nhập khẩu thịt dê, cừu, ngựa, các sản phẩm, nguyên liệu từ lông và da thú.
Có thể nói, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, thu hút đầu tư và huy động nguồn lực phát triển KT-XH. Quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa tỉnh và các nước ngày càng được mở rộng, đổi mới, mang lại hiệu quả thiết thực. Tỉnh đã, đang thực hiện các cam kết và thỏa thuận quốc tế đã ký với các địa phương nước ngoài như: tỉnh Luông Pha Băng, tỉnh Hủa Phăn (Lào), tỉnh Tuv (Mông Cổ), thành phố Gimje, tỉnh Jeollabuk và quận Ulju, thành phố Ulsan (Hàn Quốc). Các thỏa thuận quốc tế được ký kết giữa tỉnh Hòa Bình và các đối tác nước ngoài đều đảm bảo tuân thủ quy định hiện hành về ký kết thỏa thuận hợp tác quốc tế; phù hợp với định hướng phát triển KT-XH và chủ trương mở rộng hợp tác quốc tế của tỉnh; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đối ngoại trên lĩnh vực phát triển thương mại như: Mời các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham dự đoàn giao dịch thương mại tại Úc; diễn đàn hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu; hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; đoàn giao dịch xúc tiến thương mại và diễn đàn giao thương tại Tokyo, Nhật Bản; diễn đàn thương mại Việt Nam - Campuchia...
Hoạt động kinh tế đối ngoại góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có 65 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó, nhóm hàng điện tử 17 doanh nghiệp, nhóm dệt may 20 doanh nghiệp, nhóm hàng kim loại 2 doanh nghiệp, nhóm hàng nông sản 9 doanh nghiệp và nhóm hàng hóa khác 17 doanh nghiệp. Toàn tỉnh có 731 dự án, gồm 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 608 triệu USD, 694 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 201.791,4 tỷ đồng. Các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc triển khai dự án đầu tư đều sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đóng góp tích cực cho giá trị xuất khẩu, ngân sách Nhà nước và giải quyết việc làm cho lao độngđịa phương.
Hiện, toàn tỉnh có 12 chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA (8 dự án đang triển khai thực hiện, 4 dự án đang vận động). Tổng mức đầu tư các chương trình, dự án trên 12.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh có 39 chương trình, dự án phi chính phủ nước ngoài cam kết viện trợ 31,77 triệu USD từ 16 tổ chức phi chính phủ, cơ quan hợp tác phát triển, nhà tài trợ, chủ yếu triển khai ở các vùng điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn, tập trung vào các lĩnh vực: phát triển nông thôn tổng hợp, y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội...
Quán triệt các chủ trương, quan hệ đối ngoại của Đảng, tỉnh chủ động thiết lập quan hệ, tăng cường hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để vận động, kêu gọi các nguồn đầu tư, viện trợ, đẩy mạnh hoạt động XTĐT, tăng cường quảng bá nâng cao hình ảnh, vị thế của Hòa Bình với bạn bè trong nước và quốc tế.