Sáng 2/10, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc
Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng điều hành Phiên
khai mạc.
Mở đầu Hội nghị, Trung ương dành một phút tưởng niệm Ủy viên Trung ương Đảng,
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; các nạn nhân đã bị thiệt mạng trong các
đợt thiên tai, hỏa hoạn.
Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương sẽ bàn và cho
ý kiến kết luận về các vấn đề: Tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước
năm 2023, kế hoạch năm 2024; kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024
- 2026 và lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới; tổng kết 10 năm thực hiện
Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn
2012 - 2020; tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về phát
huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công
bằng, dân chủ, văn minh; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa
X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về
Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; quy hoạch Ban Chấp hành Trung
ương Đảng khóa XIV và một số vấn đề quan trọng khác.
Xác định rõ ràng, đúng đắn những quan điểm phát triển
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn
mạnh, Hội nghị Trung ương lần này xem xét, quyết định nhiều vấn đề trọng đại,
phức tạp, nhạy cảm, có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ
chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII từ nay đến hết nhiệm kỳ.
Việc Trung ương xem xét, cho ý kiến về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách
nhà nước năm 2023 - 2024 được đặt trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục có
nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ, khó
khăn, thách thức nhiều hơn, lớn hơn so với thời cơ, thuận lợi và so với dự báo,
đã ảnh hưởng tiêu cực, rất nặng nề đối với việc triển khai thực hiện các mục
tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương nghiên cứu thật kỹ Tờ trình và
các Báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ, tập trung thảo luận, phân tích sâu
những đặc điểm nổi bật của năm 2023, làm rõ những kết quả đã đạt được, hạn chế,
yếu kém còn tồn tại, khó khăn, vướng mắc phải giải quyết, thách thức phải tiếp
tục vượt qua. Đồng thời, chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài
học kinh nghiệm; dự báo những khả năng, tình huống sắp tới, trước hết là từ nay
đến cuối năm 2023 và năm 2024 với tinh thần thật sự khách quan, toàn diện.
Tổng Bí thư lưu ý những khó khăn, hạn chế đã và sẽ phải đối mặt như: Kinh tế vĩ
mô ổn định chưa vững chắc do phải chịu nhiều áp lực từ thị trường nước ngoài.
Thị trường tài chính - tiền tệ, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh
nghiệp còn khó khăn, tiềm ẩn rủi ro. Hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống
của người lao động trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn. Sức chống chịu của doanh
nghiệp bị bào mòn sau đại dịch COVID-19. Một số cơ chế, chính sách, quy định
của pháp luật chậm được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hoặc chưa được thực hiện
nghiêm minh. Một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai, đùn đẩy, né tránh giải
quyết công việc thuộc thẩm quyền. Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở
một số địa bàn còn tiềm ẩn phức tạp...; xác định rõ ràng, đúng đắn những quan
điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu cơ bản,
quan trọng và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của những tháng còn lại của năm 2023
và cho năm 2024; trong đó có sự cần thiết, đúng đắn của việc thực hiện chế độ
tiền lương mới từ ngày 1/7/2024.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các chính sách xã hội
Về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về
một số vấn đề chính sách xã hội, Tổng Bí thư nêu rõ, trong 10 năm qua, đất nước
ta đã phát triển, đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, thể hiện ngày
càng rõ tính ưu việt của Chế độ ta. Kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển ổn định
và hài hòa hơn. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên mọi miền đất
nước được nâng lên. Việt Nam là một quốc gia đi đầu trong việc giảm nghèo, thực
hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và các mục tiêu phát triển bền vững
của Liên hợp quốc. Các chính sách xã hội không ngừng được hoàn thiện, từng bước
nâng cao chất lượng, mức hỗ trợ, mở rộng diện bao phủ theo hướng công bằng,
tiến bộ, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, cơ bản bảo đảm an sinh của người dân
theo quy định của Hiến pháp; thực hiện tốt chính sách ưu đãi và tôn vinh đối
với người có công. Thể chế thị trường lao động từng bước được hoàn thiện. Việc
làm cho người lao động cơ bản được bảo đảm. Hệ thống y tế, giáo dục, an sinh,
trợ giúp xã hội tiếp tục được kiện toàn và mở rộng. Quy mô, năng lực, chất
lượng dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu được nâng lên. Công tác bảo vệ, chăm
sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng được cải thiện. Nguồn lực thực hiện
chính sách xã hội được Nhà nước ưu tiên đầu tư, gắn với đẩy mạnh xã hội hóa,
thu hút sự tham gia của toàn xã hội...
Để thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội XIII của Đảng đề ra, Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, Trung ương cần tập trung thảo luận làm rõ, tạo sự
thống nhất cao về nhận định, đánh giá tình hình, nguyên nhân và bài học kinh
nghiệm; sự cần thiết, đúng đắn việc ban hành Nghị quyết mới của Trung ương về
vấn đề đặc biệt quan trọng này. Từ đó, phân tích, dự báo một cách có cơ sở khoa
học về bối cảnh tình hình mới, yêu cầu, nhiệm vụ mới; xác định rõ quan điểm, tư
tưởng chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục đổi mới,
nâng cao chất lượng, hiệu quả các chính sách xã hội đáp ứng ngày càng tốt hơn
yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong thời kỳ mới.
Về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về phát huy sức
mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương
và các đại biểu tham dự Hội nghị nghiên cứu thật kỹ, đóng góp nhiều ý kiến cụ
thể, sát hợp với tình hình và cho ý kiến về sự cần thiết, đúng đắn của việc ban
hành Nghị quyết mới và những nội dung chủ yếu của dự thảo Nghị quyết về
"Tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất
nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc".
Về xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới, Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong mọi thời đại và ở bất cứ quốc gia nào,
đội ngũ trí thức luôn là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức, có
vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội, tạo nên
sức mạnh của mỗi quốc gia, dân tộc.
Tổng Bí thư đề nghị Trung ương tập trung thảo luận, cho ý kiến đánh giá khách
quan, toàn diện tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng
đội ngũ trí thức, từ đó đề ra quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và mục tiêu, nhiệm
vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đội ngũ trí thức; chú ý kế
thừa những nội dung còn nguyên giá trị của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, bổ
sung, phát triển những nội dung mới, phù hợp với thời kỳ mới.
Giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để phát triển
đất nước
Về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về
Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Tổng Bí thư nêu rõ, tổng kết 10
năm thực hiện Nghị quyết quan trọng này là việc làm cần thiết để Trung ương
phân tích, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc, có hệ thống tình hình, đề ra
các chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn, phù hợp, đáp ứng yêu cầu xây
dựng, bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực đã và đang có
nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường.
Tổng Bí thư đề nghị cần phân tích thấu đáo bối cảnh tình hình trong nước, quốc
tế, thấy rõ những biến đổi sâu sắc, diễn biến phức tạp, khó lường và dự báo xu
hướng phát triển trong thời gian tới để kịp thời bổ sung, phát triển một số
quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, điều chỉnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho
phù hợp với tình hình mới. Trung ương cần tập trung làm rõ những thuận lợi, cơ
hội cần nắm bắt, khó khăn, thách thức phải vượt qua để chủ động từ sớm, từ xa,
trong mọi tình huống đều bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn
vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và Chế độ xã hội chủ
nghĩa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an
toàn xã hội và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; giữ vững
ổn định chính trị và môi trường hòa bình để phát triển đất nước theo định hướng
xã hội chủ nghĩa. Từ đó, cho ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị quyết mới của
Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Quy hoạch cán bộ là cơ sở để làm tốt công tác đào tạo
Về quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Cán bộ là cái gốc của
mọi công việc". Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng ta lâu nay luôn xác định:
Cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, là nhân tố quyết định sự thành bại của
cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ. Công tác cán
bộ được coi là khâu then chốt trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Trong công
tác cán bộ, việc quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa quan trọng, là cơ
sở để làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ.
Xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt đó của công tác quy hoạch cán bộ
cấp chiến lược, ngày 7/7/2023, căn cứ vào quy chế làm việc và Quy định số
50-QĐ/TW, ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ, Bộ
Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 17-KH/TW về xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành
Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, nhiệm kỳ 2026 - 2031; trong
đó xác định rõ các quan điểm, nguyên tắc, mục đích, yêu cầu, tiêu chuẩn, số
lượng và cơ cấu, đối tượng và độ tuổi, quy trình giới thiệu, phê duyệt quy
hoạch và hồ sơ nhân sự, số lượng phát hiện và giới thiệu đưa vào quy hoạch...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương phát huy cao độ tinh thần trách
nhiệm, thật sự khách quan, công tâm, thể hiện chính kiến đối với Tờ trình và dự
kiến Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV.
Theo chương trình, Hội nghị làm việc đến ngày 8/10.