Chiều 27/11, với 468 đại biểu tán thành, chiếm 94,74 % tổng số đại biểu, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang biểu quyết thông qua
Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên
nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội
Lê Quang Huy cho biết, liên quan đến nội dung điều hòa, phân phối tài nguyên
nước (Mục 1, Chương IV), có ý kiến đề nghị Nhà nước nên ưu tiên đầu tư xây dựng
công trình tích trữ nước, kết hợp với bổ sung nhân tạo nước dưới đất tại các
vùng hải đảo, khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế lớn nhưng lại thuộc vùng
khan hiếm nước, nguồn nước tự nhiên không đủ để đáp ứng các hoạt động phát triển
và giao Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động bổ sung nhân tạo nước dưới
đất.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát, bổ sung, chỉnh
lý quy định về ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước, tích trữ
nước; có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cho sinh
hoạt, sản xuất cho người dân các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân
tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; khuyến khích thực hiện các hoạt
động tích trữ nước. Dự thảo Luật quy định về ứng dụng và phát triển công nghệ
trong tích trữ nước; ưu tiên đầu tư, xây dựng các công trình tích trữ nước kết
hợp bổ sung nhân tạo nước dưới đất tại các hải đảo, vùng khan hiếm nước; khuyến
khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu giải pháp và thực hiện việc bổ sung nhân
tạo nước dưới đất, đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy
định cụ thể việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất.
Về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả (Mục 4, Chương IV), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa
học, Công nghệ và Môi trường cho biết, có ý kiến đề nghị cần xác định tỷ lệ
nước phải tuần hoàn, tái sử dụng cho từng dự án cụ thể để tăng cường trách
nhiệm của chủ dự án khi lựa chọn áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và xử
lý nước thải.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, để phù hợp với điều kiện phát triển kinh
tế - xã hội của Việt Nam, Điều 59 dự thảo Luật đã quy định sử dụng nước tuần
hoàn, tái sử dụng nước theo 3 cấp độ: Khuyến khích các dự án khai thác, sử dụng
nước có giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước; có kế hoạch, lộ
trình quy định các loại dự án phải có phương án sử dụng nước tuần hoàn, tái sử
dụng nước đối với các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước và các
hình thức ưu đãi tương ứng theo quy định của pháp luật; bắt buộc áp dụng sử
dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước thải đối với các dự án đầu tư sản xuất,
kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước và xả nước thải tại các khu vực
có nguồn nước không còn khả năng chịu tải.
Đồng thời, khoản 4 Điều 59 dự thảo Luật đã quy định giao UBND cấp tỉnh có kế
hoạch, lộ trình quy định các loại dự án phải có phương án tái sử dụng nước đối
với các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước và các hình thức ưu đãi
theo quy định của pháp luật. Theo đó, UBND cấp tỉnh sẽ xem xét, quyết định tỷ
lệ nước phải tuần hoàn, tái sử dụng đối với từng dự án. Do đó, xin được giữ như
dự thảo Luật.
Giải
trình về ý kiến đề nghị hoàn thiện nội dung quy định đối với cấp quyền khai
thác tài nguyên nước cho sản xuất nông nghiệp tại Điều 69 để đảm bảo tính công
bằng, hợp lý, linh hoạt; cân nhắc chỉ thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên
nước mặt cho sản xuất nông nghiệp ở quy mô có tính chất kinh doanh, Ủy ban
Thường vụ Quốc hội cho biết, Điều 69 quy định về tiền cấp quyền khai thác tài
nguyên nước quy định các trường hợp phải nộp tiền; trường hợp miễn, giảm tiền
cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Theo đó, việc khai thác sử dụng nước cho
mục đích nông nghiệp (quy mô lớn) thuộc diện cấp phép phải nộp tiền cấp quyền
khai thác tài nguyên nước để bảo đảm công bằng, hợp lý với các ngành kinh tế
khai thác, sử dụng nước.
Tuy nhiên, thời điểm cấp quyền khai thác tài nguyên nước với đối tượng này sẽ
thu cùng thời điểm thu tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ thủy lợi khi Nhà nước
không thực hiện chính sách hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy
lợi theo quy định của pháp luật về thủy lợi và pháp luật về giá. Còn đối với
sản xuất nông nghiệp quy mô vừa và nhỏ, không thuộc đối tượng cấp phép thì dự
thảo Luật quy định không phải nộp tiền cấp quyền khai thác sử dụng nước cho sản
xuất nông nghiệp, bao gồm cả người nông dân trực tiếp khai thác nguồn nước mặt
cho nông nghiệp; quy định giảm tiền cấp quyền đối với trường hợp "Khai thác
nước cho sản xuất nông nghiệp trong thời gian xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm
mặn”và để thể hiện rõ chính sách thu tiền cấp quyền đối với hoạt động sản xuất
nông nghiệp như Chính phủ đã trình Quốc hội.