Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2024 ngành Giao thông vận tải.
Dự hội nghị có: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành và lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
Tại hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị phát biểu tham luận, đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc, khó khăn cần khắc phục; chia sẻ bài học kinh nghiệm; phân tích bối cảnh tình hình, đề xuất giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực giao thông vận tải gồm: công tác chỉ đạo, điều hành; xây dựng thể chế, lập và quản lý quy hoạch; hoạt động vận tải; đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; công tác cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp; công tác khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, hợp tác quốc tế…
Hội nghị đánh giá, năm 2023, với tinh thần, trách nhiệm, ý chí quyết tâm cao, ngành Giao thông vận tải đã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ, kế hoạch. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải tập trung rà soát, hoàn thiện, nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, trình Chính phủ 13/13 Nghị định, đạt 100% kế hoạch theo chương trình công tác; đề xuất cơ chế chính sách, tháo gỡ đáng kể khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp và địa phương, khơi thông, giải phóng, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, góp phần quan trọng tạo đà phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Bộ Giao thông vận tải là một trong các bộ trình sớm nhất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5/5 quy hoạch ngành quốc gia; hoàn thiện, trình Thường trực Chính phủ Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không.
Năm 2023, ngành Giao thông vận tải có nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với việc khởi công 26 dự án, lần đầu tiên thực hiện khởi công đồng loạt theo hình thức trực tuyến Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 tại 12 điểm cầu; khởi công các dự án đường bộ cao tốc trục Đông - Tây, các tuyến Vành đai đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, công trình nhà ga Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất... Trong năm đã hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án, trong đó riêng đường bộ cao tốc với 9 dự án dài 475 km, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên gần 1.900 km.
Hoạt động vận tải tiếp tục giữ được đà tăng trưởng ổn định gắn với việc cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính, phí lệ phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Đến hết tháng 11/2023, sản lượng hàng hóa tăng 12,9%, luân chuyển hàng hóa tăng 10,5% so với cùng kỳ, lượng hành khách tăng 11,5%, luân chuyển hành khách tăng 23,9% so với cùng kỳ.
Công tác hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, bảo đảm chiều sâu và đạt nhiều kết quả thực chất, làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác với các nước láng giềng, các nước là đối tác quan trọng trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Bên cạnh đó, ngành Giao thông vận tải tích cực, trách nhiệm tháo gỡ những vấn đề tồn tại của ngành và nhiệm vụ tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy; quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để xử lý những tồn tại, khó khăn sau những sai phạm của hoạt động đăng kiểm…
Ngành Giao thông vận tải đề ra nhiệm vụ, đặt mục tiêu cho năm 2024. Trong đó, tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế; đảm bảo hoạt động vận tải thông suốt, lành mạnh, an toàn, thuận lợi, phục vụ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp; phấn đấu sản lượng vận tải tăng khoảng 7%, số lượng hành khách tăng khoảng 8% so với năm 2023; khối lượng luân chuyển hàng hóa tăng khoảng 8,5%, luân chuyển hành khách tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2023; khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2024 dự kiến đạt khoảng 785 triệu tấn, tăng khoảng 4% so với năm 2023.
Cùng với đó, ngành Giao thông vận tải phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao; khởi công, hoàn thành các dự án giao thông theo đúng kế hoạch, trong đó hoàn thành đưa vào khai thác 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, nâng tổng số đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên 2.021 km.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2023, tình hình trong nước và thế giới có thời cơ, thuận lợi đan xen với khó khăn, thách thức. Đặc biệt, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế.
Trong khi đó, ngành Giao thông vận tải có nhiệm vụ quản lý rộng, nguồn vốn lớn, nhiều công trình, lĩnh vực, trải dài từ Bắc tới Nam, đòi hỏi phải quản lý, điều hành bao trùm, toàn diện, có hiệu quả. Trong bối cảnh khó khăn, nhiệm vụ nặng nề, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực của mình, ngành Giao thông vận tải đã hoàn thành các nhiệm vụ, kế hoạch năm 2023; góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn; kiểm soát tốt nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách; đối ngoại được tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững, tăng cường; 3 đột phá chiến lược được đẩy mạnh, trong đó có đột phá về phát triển hạ tầng.
Bằng những dẫn chứng cụ thể thể hiện tinh thần, trách nhiệm, ý chí quyết tâm cao, ngành Giao thông vận tải tháo gỡ vướng mắc, khắc phục khó khăn, thách thức, xử lý kịp thời, có hiệu quả các phát sinh như: việc đảm bảo vật liệu thông thường cho san lấp, đắp nền; giải phóng mặt bằng tại dự án cầu Mỹ Thuận 2; điều chỉnh dự án cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang, thúc đẩy triển khai xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, đổi mới điều hành tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam…, và với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, không thua đại dịch”, "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, "làm việc xuyên ngày nghỉ, xuyên Tết”, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao, chúc mừng những kết quả công tác năm 2023 của toàn ngành Giao thông vận tải.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ một số hạn chế mà ngành cần khắc phục trong công tác quản lý hoạt động vận tải, kiềm chế tai nạn giao thông, triển khai hệ thống giao thông thông minh (ITS), việc thu hút nguồn vốn xã hội trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông…
Không say sưa với thắng lợi
Phân tích những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, cũng như bài học kinh nghiệm trong công tác của ngành Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số giải pháp mà ngành cần thực hiện để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ năm 2024.
"Ngành Giao thông vận tải và Bộ Giao thông vận tải không được say sưa với thắng lợi, không lơ là, chủ quan; mà phải luôn nỗ lực và cố gắng hơn nữa để khắc phục tồn tại, hạn chế, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2024”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện tốt các nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa và lấy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ là động lực, nguồn lực và dẫn sắt trong việc khảo sát, thiết kế, tổ chức thi công, kiểm tra, giám sát, bảo hành, bảo trì các công trình trọng điểm, góp phần đảm bảo tiến độ, chất lượng, giảm giá thành, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, để phát triển nhanh, bền vững các công trình giao thông.
Ngành Giao thông vận tải phải nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời, đúng thời điểm các vướng mắc, trên tinh thần "vướng mắc ở cấp nào, cấp đó phải tháo gỡ, khó khăn ở đâu thì ở đó phải giải quyết”; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng lĩnh vực; đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, nhất là những vướng mắc trong quá trình thực hiện; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao khả năng thực thi, tăng cường công cụ giám sát, kiểm tra.
Cùng với đó, thực hiện giảm tất cả các thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà, sách nhiễu và để giảm chi phí đầu vào cho người dân, doanh nghiệp; làm tốt công tác truyền thông, hướng dẫn, tạo đồng thuận trong dư luận xã hội; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp theo Hiến pháp và pháp luật với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Thủ tướng lưu ý, ngành Giao thông vận tải phải chú trọng nhiệm vụ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu cần được ưu tiên thực hiện. Trong đó, ưu tiên nguồn lực, kiểm soát tiến độ, đảm bảo chất lượng, chống lãng phí tại dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; khởi công các dự án đường bộ cao tốc đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) tại 3 vùng kinh tế - xã hội gồm: Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Nam Định - Thái Bình…
Thủ tướng yêu cầu ngành Giao thông vận tải tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách hành chính; chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những hành vi phạm theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Đối với các dự án của các địa phương, Bộ Giao thông vận tải phải phối hợp chặt chẽ cùng các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai; các nhà tư vấn phải thực hiện đúng quy trình, quy phạm; nhà thầu phải tôn trọng pháp luật, không lợi dụng chính sách; các Ban quản lý dự án không được chia nhỏ các dự án, đấu thầu công khai, minh bạch, chỉ định thầu cũng phải đúng quy định; không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
"Các nhà thầu cũng phải đặt lợi ích của dân tộc, nhân dân lên trên hết, kinh doanh cũng phải có lãi nhưng phải bằng trí tuệ, sức lực, công khai, minh bạch chứ không phải bằng tiêu cực, trục lợi chính sách”, Thủ tướng lưu ý.
Với khí thế mới và truyền thống hào hùng, Thủ tướng tin tưởng ngành Giao thông vận tải nói chung và Bộ Giao thông vận tải nói riêng, đã làm tốt rồi thì làm tốt hơn nữa, đã quyết tâm rồi quyết tâm cao hơn, nỗ lực rồi thì nỗ lực cao hơn, để đạt kết quả năm 2024 cao hơn năm 2023.